Bão qua làng: Hết phim chưa hết "bão"
30 tập phim Bão qua làng đã kết thúc nhưng những gì mà đoạn kết của bộ phim đã rất được khán giả yêu thích này chưa thực sự khiến người xem hài lòng bởi sự vội vàng và hụt hẫng. Bão qua làng chỉ như một câu chuyện kể về những cơn bão tệ nạn quét qua thôn Đợi mà không hề nhắc gì đến việc giải quyết hậu quả sau cơn bão.
Có thể nói rằng, tuy đề tài nông thôn thời kỳ đổi mới đã quá quen thuộc và được nhiều đạo diễn khai thác nhưng đây vẫn là vấn đề nóng và dễ dàng thu hút được sự quan tâm của khán giả. Bởi những phim về nông thôn thường dung dị, mộc mạc nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống của đa số người dân Việt Nam. Những câu chuyện trong phim cũng không quá phức tạp, hào nhoáng mà dễ xem và dễ cảm nhận.
Bão qua làng đem đến cho khán giả những câu chuyện gần gũi về đề tài nông thôn mới
Và, Bão qua làng cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt là khi bộ phim có sự tham gia của một loạt những diễn viên hài nổi tiếng như Quốc Khánh, Công Lý, Quang Thắng, Hán Văn Tình,… và một dàn diễn viên gạo cội “chuyên trị” những phim về đề tài nông thôn như NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Duy Thanh, NSƯT Thùy Liên, NSƯT Thu Hiền, NSƯT Tiến Mộc, NSƯT Hán Văn Tình, Tạ Am, Phú Đôn, Thanh Nhàn, Đinh Chiến, Tuyết Liên, Hồ Liên, Thu Hà,....
Không quá tập trung vào bi kịch của những người nông dân mất đất hay thói đua đòi của một số người dân được đền bù đất, Bão qua làng tập trung chủ yếu vào những tệ nạn xã hội được “du nhập” về nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Với những câu chuyện nhẹ nhàng, chân thực và hài hước về cuộc sống của một vùng nông thôn “nửa quê nửa phố”, bộ phim đã đem đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc và trực diện về nông thôn Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, câu chuyện xuyên suốt bộ phim khiến khán giả hài lòng và thích thú bao nhiêu thì phần kết lại gây hụt hẫng bấy nhiêu.
Bộ phim được kết thúc bằng lễ hội của làng Đợi với hình ảnh những người dân thân thiện, những nụ cười vui vẻ và hạnh phúc trên khuôn mặt mỗi người. Tuy nhiên, thực sự khó có thể nói rằng khán giả cũng có thể cười vui vẻ như những nhân vật trong phim khi xem đến những phút cuối cùng của tập cuối mà vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Có lẽ, hình ảnh ấn tượng và để lại nhiều niềm vui nhất cho khán giả trong phần kết của Bão qua làng chính là cuộc đối thoại hài hước giữa hai bố con Phất Lộc (Quốc Khánh và NSƯT Trần Hạnh) – một chi tiết hài bên lề chứ không phải là hình ảnh lễ hội cuối phim – một hình ảnh tượng trưng cho sự yên bình và hạnh phúc của làng Đợi sau cơn bão.
Cuộc đối thoại hài hước giữa bố con Phất Lộc để lại nhiều ấn tượng cho khán giả
Tập cuối của một bộ phim luôn là tập được trông chờ nhất bởi nó sẽ là hồi kết cho tất cả những câu chuyện trong phim. Và tập cuối của Bão qua làng cũng đem đến những cái kết, nhưng đoạn kết lại khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng và thất vọng bởi nó quá chung chung, vội vàng và thiếu thuyết phục.
Xem tập cuối của Bão qua làng, khán giả có cảm giác như đang được xem đoạn kết của một vở kịch chứ không phải một bộ phim truyền hình dài tập khi mà tất cả mọi chuyện đều được giải quyết thông qua lời nói của các nhân vật.
Bộ phim dành đến gần 5 phút trong tập cuối chỉ để ba nhân vật Thơm, Phương và Phất Lộc tranh luận về lợi ích và tác hại của việc hội nhập giữa đô thị và nông thôn nhưng lại chỉ dành có vài câu để đưa ra đoạn kết cho tất cả mọi tệ nạn đang đổ bộ vào làng Đợi.
Thậm chí không phải là một lời kể, tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết thông qua một “kết luận” của đám thanh niên đang tám chuyện ở quán nước của bà Sửu.
Quán nước của bà Sửu là nơi chuyển tải đoạn kết cho tất cả mọi câu chuyện
Ví dụ như chuyện vợ chồng Lận Đận đang phải đối mặt với việc bị phá sản trong tập 29 khi không có đủ hàng để giao cho nhà máy, thậm chí cô Lận còn đem hết rau đổ xuống ao vì không tiêu thụ được thì đến tập 30 vấn đề được giả quyết chỉ bằng một câu nói “đã cố gắng vượt qua khó khăn”. Nhưng vượt qua khó khăn bằng cách nào thì không hề được nhắc tới.
Hay như chuyện vấn nạn lô đề, mại dâm, lừa đảo, phim đen cũng được kết thúc một cách khá ngắn gọn chỉ trong một vài thông tin được dân làng truyền tai nhau như Hiến đã bị phạt hành chính vì vi phạm quy định kinh doanh internet, Tài bị bắt vì kinh doanh dịch vụ mại dâm trá hình, Khôi bị bắt vì tổ chức lô đề,….
Đặc biệt, chuyện vỡ nợ của gia đình Tài ảnh hưởng đến cả làng khi mà rất nhiều gia đình đã dồn toàn bộ tiền để cho nhà Tài vay và đang đứng trước nguy cơ mất trắng gia sản cũng chỉ được nói đến rất sơ sài và không hề có một cái kết cho câu chuyện này.
Có thể nói rằng, Bão qua làng mới chỉ là một bộ phim đưa ra được vấn đề chứ chưa giải quyết được vấn đề. Và nếu như đạo diễn Trần Quốc Trọng và Lê Mạnh không có ý định làm phần hai của bộ phim Bão qua làng thì đây sẽ là bộ phim có cái kết “đoản hậu” nhất trong số các phim về đề tài nông thôn.