Bước ngoặt ở bộ lạc chuyên săn sư tử bằng giáo

Nghi thức truyền thống với thanh niên của một bộ lạc ở châu Phi là họ phải dùng giáo giết một con sư tử.

Người Maasai trong một cuộc thi. Ảnh: AP

Người Maasai trong một cuộc thi. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, người Maasai, nổi tiếng với trang phục sặc sỡ, sinh sống gần các công viên hoang dã ở Kenya. Họ sống bằng nghề chăn thả gia súc và săn bắn. Các cuộc đi săn của người Maasai thường bị xem là mối đe dọa với một số quần thể động vật hoang dã.

Một nghi thức truyền thống của thanh niên Maasai là họ phải dùng giáo giết một con sư tử để chứng tỏ sự mạnh mẽ, nhận được danh hiệu chiến binh và sự ngưỡng mộ của các cô gái trẻ. 

Theo luật tục của người Maasai, các chiến binh sẽ đi săn sư tử đực, cấm săn sư tử cái vì họ quan niệm sư tử cái mang lại sự sống cho muôn loài. Con sư tử bị săn phải hoàn toàn khỏe mạnh, không bị trúng độc hay dính bẫy.

Trong quá khứ, khi số lượng sư tử còn nhiều, người Maasai khuyến khích việc các chiến binh đi săn một mình. Tuy nhiên, khi số lượng sư tử giảm xuống trong các thập kỷ gần đây, người Maasai khuyến khích các chiến binh đi săn theo nhóm, để tránh làm giảm quần thể sư tử, theo trang Maasai Association. 

Người Maasai hiểu rõ sư tử rất quan trọng với hệ sinh thái ở nơi họ sinh sống. Vì vậy, họ không tổ chức đi săn bừa bãi mà đặt ra các quy tắc, buộc tất cả chiến binh phải tuân theo.  

Gần đây, những người lớn tuổi ở bộ lạc Maasai như ông Mingati Samanya (69 tuổi) đang vạch ra một bước ngoặt cho các chiến binh trẻ (moran) của bộ lạc. 

Thời trai trẻ, Samanya đã giết 2 con sư tử để thể hiện bản lĩnh đàn ông.  Nhưng hiện tại, Samanya đang khuyến khích các chiến binh trẻ của người Maasai bỏ việc giết sư tử và tham gia các môn như điền kinh, ném lao và nhảy Maasai tại Thế vận hội Maasai (cuộc thi do bộ lạc Maasai tổ chức) để chứng tỏ bản lĩnh. 

Ngày 10/12, tại thánh địa Kimana ở chân núi Kilimanjaro, các nam thanh niên và phụ nữ đã thi đấu để giành huy chương và giải thưởng (tiền mặt). 

"Ở thời của chúng tôi, mọi người giết sư tử nhưng không được thêm lợi ích gì. Nhưng bây giờ, các chiến binh trẻ thi chạy và ném lao. Họ nhận được vinh quang và tiền thưởng. Trước đây, chúng tôi không có gì. Bây giờ, họ có thể có tiền chu cấp cho gia đình", hãng tin AP dẫn lời ông Samanya. 

Các chiến binh trẻ của người Maasai đã tử bỏ việc giết sư tử, chuyển sang các môn thi đấu như ném lao hay điền kinh. Ảnh: AP

Các chiến binh trẻ của người Maasai đã tử bỏ việc giết sư tử, chuyển sang các môn thi đấu như ném lao hay điền kinh. Ảnh: AP

Vivian Nganini, người tham gia Thế vận hội Maasai, cho biết các cô gái trẻ ngày nay thích các chiến binh trẻ hiện đại. 

"Ít nhất khi chạy, họ kiếm được một khoản tiền để chăm lo cho vợ và các con", Vivian, bà mẹ 2 con, chia sẻ. 

Thế vận hội Maasai còn là một phần của nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã. 

"Khía cạnh văn hóa của các chiến binh muốn giết sư tử để chứng tỏ bản lĩnh đã được giải quyết bằng cuộc thi này", Craig Millar, thành viên của tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn động vật hoang dã Big Life Foundation, chia sẻ. 

Theo ông Millar, quần thể sư tử trong hệ sinh thái Amboseli, trong đó có thánh địa Kimana đã tăng gấp 10 lần trong 20 năm qua. 

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Bị trâu rừng húc trọng thương, sư tử vẫn cố chấp vồ mồi

Dù bị trâu rừng húc trọng thương nhưng sư tử vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục chồm lên và vồ lấy con mồi từ phía sau. Trước sự ngoan cố của sư tử, một con trâu khác trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tâm Hoa - AP ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN