Đo nhân trắc học: Tươi lên, có gì đâu mà sợ!

Trong vòng sơ khảo phía Nam của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, rất nhiều thí sinh lần đầu tham gia một cuộc thi sắc đẹp quy mô lớn đã không tránh khỏi căng thẳng, nhất là khi đứng trước cửa phòng nhân trắc học. Ngược lại, một số thí sinh đi ra từ sau cánh cửa ấy lại chỉ cười: Có gì đâu mà… sợ!

Đo nhân trắc học giống như đi khám bệnh định kỳ

Mỗi khi cánh cửa phòng nhân trắc học mở ra, hàng chục con mắt lại đổ dồn vào người “vừa hoàn thành nhiệm vụ”. Câu hỏi mà các thí sinh thường lặp đi lặp lại nhất là: thế nào? sợ không? ngượng không? Thí sinh Tống Ngọc Minh Châu (sinh năm 1995) cho biết: “Trước đó em chưa từng tham gia cuộc thi nhan sắc nào nên chỉ nghe kể lại, vào phòng nhân trắc học phải cởi hết, cho mọi người nhìn ngó săm soi. Nghe vậy đắn đo lắm, mãi mới đủ dũng khí đi thi. Lúc đó đã định: nếu mà ngượng quá và bị soi quá thì thôi không thi nữa. Nhưng sự thật thì khác hẳn.

Trong phòng đo, chỉ có các cô bác sĩ và mấy chị trong ban tổ chức làm công tác hỗ trợ. Các cô làm nhiệm vụ đo ba vòng đều mặc áo blouse, và họ đều là bác sĩ. Em có cảm giác nó không khác gì với việc đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nói chung là không có gì khủng khiếp như tưởng tượng”.

Đo nhân trắc học: Tươi lên, có gì đâu mà sợ! - 1

Những bác sĩ trong phòng nhân trắc học nghe thầy Hoàng Tử Hùng hướng dẫn cách làm việc.

Thí sinh Dương Nữ Anh Thy (sinh năm 1997) nằm trong số những người đầu tiên vào phòng đo kể: “Các cô bác sĩ đều nhẹ nhàng, ai làm phần việc người đó. Có người kiểm tra cột sống, có người cân, đo. Nhưng em ngạc nhiên nhất là khi một cô bác sĩ hướng dẫn bạn cùng thi cách hít thở để nén hơi, tránh bị thở gấp khi đi bộ nhiều và hồi hộp. Khi phát hiện một bạn có dấu hiệu không ổn về sức khỏe, cô khuyên bạn nên đi khám ở đâu. Ra ngoài em cũng kể lại chuyện này cho mấy người đến sau nghe. Nói chung là em không có áp lực ở vòng này”.

Nhận định đo nhân trắc học giống đi khám sức khỏe được sự đồng tình của nhiều thí sinh. Thậm chí khi có người kể lại câu an ủi ấy, một bạn bên cạnh còn bổ sung: “Khám sức khỏe ở phòng khám tư ấy nhé, không phải bệnh viện công đâu, vì không có bác sĩ nào gắt khi mình còn đang lớ ngớ không hiểu lời hướng dẫn phía trước”.

Thuốc chống run trước khi gặp ban giám khảo

Trong vòng sơ khảo, các thí sinh sau khi đo nhân trắc học sẽ có năm phút gặp ban giám khảo để giới thiệu về bản thân. Không ít người tránh khỏi lo lắng, có người mới đứng chờ đến lượt đã run “mướt mồ hôi tay”. Một số thí sinh căng thẳng quá, túm lấy các chị hỗ trợ thí sinh thì thào: “Em run quá, làm sao bây giờ?”. Một số người được đưa cho chai nước kèm lời an ủi: “Uống nước tăng lực của thủy thủ Popeye đi, hết run liền”. Cả mấy thí sinh nghe xong cùng phì cười, đỡ run hẳn! Có người được hướng dẫn “hít thật sâu” đã đứng tại chỗ, hít sâu, chặn ngực, lấy lại được bình tĩnh. Sau đó chính những người này nói lại phương pháp đơn giản ấy cho những bạn đến sau.

Dương Huyền Chân (sinh năm 1999) kể: “Trước khi vào gặp ban giám khảo em căng thẳng vô cùng. Nhưng sau khi vào phòng thì cảm thấy đỡ hơn nhiều bởi ban giám khảo có ba chị hoa hậu rất hay cười. Và mọi người đều thân thiện nên tâm lý em lại cân bằng”.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên (sinh năm 1998) cho biết, mỗi lúc thấy run cô lại tự an ủi mình: "Có sao đâu, trượt cũng không ai biết, thế là lại ổn. Bởi vì sợ trượt xấu hổ, Tiên giấu gia đình, một mình đi thi. Rất may, Tiên đã lọt vào số những người đi tiếp vào Chung khảo phía Nam".

Nhan sắc vừa qua tuổi trăng tròn của thí sinh Hoa hậu Việt Nam

Cận cảnh vẻ đẹp duyên dáng của thí sinh Chung khảo phía Nam Hoa hậu Việt Nam 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Đỗ ([Tên nguồn])
Hoa hậu Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN