Gian nan diễn nhân vật lịch sử
Đằng sau hình ảnh những vị anh hùng, những vị tướng oai phong, đầy dũng khí trên màn ảnh là sự nỗ lực dấn thân của các diễn viên.
Huỳnh Đông, Lý Anh Tuấn, Huỳnh Trường Thịnh, Võ Thành Tâm, Thạch Kim Long… đều là những gương mặt trẻ nhưng đã để lại nhiều dấn ấn qua các vai diễn nhân vật lịch sử. Mẫu số chung cho sự thành công của mỗi vai diễn là sự đam mê sáng tạo, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của họ.
Dấu ấn từ vai diễn
Sau thành công của vai diễn vị tướng Huỳnh Văn Nghệ trong Vó ngựa trời Nam (đạo diễn Lê Cung Bắc), Huỳnh Đông tiếp tục được tin tưởng giao vai chí sĩ Phan Bội Châu trong Người cộng sự (hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, đã bấm máy những thước phim đầu tiên).
1. Huỳnh Trường Thịnh trong vai anh hùng Trương Định. 2. Huỳnh Đông trong vai thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. 3. Lý Anh Tuấn trong vai anh hùng Nguyễn Trung Trực. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Huỳnh Đông cho biết: “Tôi đến với dạng vai này như một cái duyên. Nhập vai dạng này không dễ. Để khắc họa hình ảnh những nhân vật lịch sử trên phim một cách chân thật nhất thì phải nắm bắt được cái “thần” của nhân vật, diễn viên phải thật sự say mê và yêu thích dòng phim này”.
Huỳnh Đông đến với vai thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong Vó ngựa trời Nam là diễn viên mới toanh sau khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với vai Quân trong Gọi giấc mơ về. Huỳnh Văn Nghệ là một vai diễn khó và đa dạng tính cách. Ông là một vị tướng rắn rỏi, mạnh mẽ nhưng cũng là một nhà thơ lãng mạn.
“Huỳnh Đông đã cảm nhận được chiều sâu tâm hồn của nhân vật. Anh vừa thể hiện được sự oai phong và tài thao lược của một vị tướng vừa thể hiện được chất lãng mạn của một nhà thơ. Một đôi mắt rất “điện ảnh”, có thần đã làm nên thành công của anh cho vai diễn này”- đạo diễn Lê Cung Bắc nhận xét.
Sau lần chạm ngõ đó, năm 2012, Huỳnh Đông được đạo diễn Victor Vũ giao cho vai diễn nặng ký trong bộ phim điện ảnh Thiên mệnh anh hùng. Nhiều người nhận xét từng ánh mắt, cơ mặt, cử chỉ, phong thái của Huỳnh Đông đã thể hiện được khí chất của nhân vật Nguyên Vũ. Hai vai diễn này đã đem về cho Huỳnh Đông giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều 2010 và 2012, đưa anh vào danh sách những gương mặt nam diễn viên ấn tượng ở những vai diễn anh hùng, lịch sử.
Khi xem Bình Tây đại nguyên soái (đang phát sóng trên VTV1), nhiều khán giả bất ngờ với gương mặt diễn viên Huỳnh Trường Thịnh trong vai anh hùng Trương Định. Theo đạo diễn Phan Hoàng, Thịnh vốn có vẻ ngoài khá thư sinh, yếu đuối nhưng chính ông cũng phải ngả mũ thán phục khả năng nhập vai của anh.
“Sau khi Trường Thịnh diễn vài phân đoạn, tôi khẳng định vai Trương Định đúng là dành riêng cho anh. Cái hay của Thịnh là thể hiện khá thuyết phục đời sống, tính cách của vị anh hùng Trương Định lúc còn trẻ và khi về già” - đạo diễn Phan Hoàng cho biết.
Trong khi đó, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân không tin Thịnh lại “có duyên” với vai diễn này. Ông khẳng định không phải diễn viên trẻ nào cũng nhập vai xuất thần đến vậy.
Lý Anh Tuấn sau khi “đóng đinh” với hàng loạt vai phản diện cũng “lột xác” ngoạn mục với vai anh hùng Nguyễn Trung Trực trong bộ phim cùng tên cũng của đạo diễn Phan Hoàng. Lên màn ảnh, khán giả không còn thấy cái “ác đểu” của Lý Anh Tuấn như trong phim Cô gái xấu xí. Thay vào đó là một anh hùng Nguyễn Trung Trực khí phách, oai nghiêm cùng những nỗi đau đáu, trăn trở trước vận nước, thù nhà. Điểm cộng cho Lý Anh Tuấn là thể hiện thần sắc toát lên từ trong đôi mắt của một con người cương trực khiến thực dân Pháp phải khiếp sợ rất đạt.
Nhập vai không đơn giản
Huỳnh Đông nhớ lại lúc nhận vai tướng Huỳnh Văn Nghệ trong Vó ngựa trời Nam: “Tôi lục tìm khắp các nhà sách những cuốn viết về vị tướng này. Cuốn Thi tướng rừng xanh của tác giả Nguyên Hùng hay cuốn Hồi ký của Huỳnh Văn Nghệ, tôi đọc không sót một trang, đọc đi đọc lại đến nát nhừ”.
Huỳnh Đông cũng từng phải đích thân lặn lội đến Tân Uyên, Bình Dương - quê hương của tướng Huỳnh Văn Nghệ - để gặp những người bà con, họ hàng và nghe họ nói về ông. Ngoài ra, anh còn tìm đọc thơ của ông để tìm cho mình sự rung cảm. Giờ đây, đứng trước vai diễn một nhà nho thế kỷ XX thâm trầm, sâu sắc như Phan Bội Châu, Huỳnh Đông cũng phải lùng sục tư liệu viết về cụ thời gian ở Nhật.
“Mỗi vai diễn đều có một đặc thù tính cách riêng. Nếu Huỳnh Văn Nghệ là thi tướng giỏi cả văn lẫn võ thì cụ Phan Bội Châu là một nho sĩ uyên thâm. Điều đó buộc tôi phải tìm hiểu thật kỹ để không sa vào lối mòn diễn xuất” - Huỳnh Đông thổ lộ.
Theo đạo diễn Phan Hoàng, các diễn viên gặp khó khăn nhất là khi thể hiện cái “thần” của nhân vật lịch sử bởi nhiều người đã sống cách đây hàng trăm năm nên cách đi đứng, ăn nói cũng phải khác biệt. Diễn viên phải chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, tập luyện thì mới tái hiện được nét chấm phá hình ảnh nhân vật lịch sử chân thật trên phim. Lý Anh Tuấn cho biết anh đã cố gắng tập luyện sao cho đôi mắt mình biểu hiện được trạng thái lúc căm thù, lúc tràn đầy yêu thương, trìu mến của anh hùng Nguyễn Trung Trực.
“Tôi phải tập từng cử chỉ, lời nói, phong thái vui vẻ của nhân vật Trương Định lúc còn trẻ và sự trưởng thành, nghiêm nghị lúc về già. Tập đến nỗi nằm ngủ còn mơ thấy ông” - Thịnh cho biết. Theo đạo diễn Phan Hoàng, nhân vật phải thực sự “ăn” vào trong máu thịt của diễn viên thì họ mới thể hiện cái thần của nhân vật tự nhiên nhất.
Rõ ràng, đưa hình tượng danh nhân, danh tướng lên màn ảnh, đến với công chúng bằng diễn xuất của mình không phải là chuyện đơn giản. Diễn viên cảm thấy áp lực rất lớn vì có ngoại hình, có thần thái vẫn chưa đủ để tạo nên một vai diễn nhân vật lịch sử thành công. “Phải thực sự đam mê, tâm huyết, khát khao thể hiện hình tượng các vị anh hùng và phải thấm nhuần tư tưởng của họ thì các diễn viên mới nhập vai tốt được”- đạo diễn Phan Hoàng khẳng định.
Lọt “mắt xanh” của đạo diễn Đạo diễn Lê Cung Bắc từng bị nhiều người cho rằng quá mạo hiểm khi giao vai Huỳnh Văn Nghệ cho Huỳnh Đông. Phan Hoàng cũng gặp nhiều sự phản đối khi chọn Lý Anh Tuấn và Huỳnh Trường Thịnh. Tuy nhiên, ông Lê Cung Bắc khẳng định đạo diễn luôn có “con mắt thần”, nhìn ra tố chất diễn viên, biết được khả năng hóa thân của họ. “Mời những gương mặt mới vào phim, ngoài việc tập trung thời gian cho vai diễn, quan trọng nhất là họ không bị lối mòn trong diễn xuất. Chúng tôi làm hết sức có thể để cung cấp kiến thức cho diễn viên. Sau Trương Định, tôi sẽ tiếp tục làm phim về Nguyễn Hữu Cảnh và cũng sẽ chọn những gương mặt diễn viên trẻ” - đạo diễn Phan Hoàng quả quyết. |