Đình Khải: Người vẽ lại trận cầu bằng ngôn ngữ

Hơn 30 năm gắn bó với nghề bình luận viên, giọng nói của ông đã trở thành một phần ký ức của những người yêu môn thể thao vua.

Bằng giọng nói truyền cảm của mình, BLV Đình Khải đã vẽ lại các trận đấu bóng đá một cách tỉ mỉ, tường tận để người hâm mộ Việt Nam được hòa mình vào những trận cầu đỉnh cao của  bóng đá trong nước cũng như quốc tế.

BLV Đình Khải có cách nói rất duyên dáng và hóm hỉnh. Không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn cách nói giàu hình ảnh và âm thanh của tiếng Việt, mà nhiều khi, ông còn khéo léo đưa những câu ca dao, tục ngữ vào trong quá trình bình luận, khiến cho thính giả thấy vô cùng thích thú.

Đình Khải: Người vẽ lại trận cầu bằng ngôn ngữ - 1

BLV Đình Khải đã có ơn 30 năm gắn bó với công việc bình luận bóng đá ở đài VOV

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hi", ông không còn tham gia vào công việc bình luận bóng đá trực tiếp nữa, nhưng hàng ngày, ông vẫn gắn bó với trái bóng.

BLV Đình Khải hiện đang tham gia Hội đồng nghiệm thu, chịu trách nhiệm duyệt các chương trình thể thao trên sóng của Truyền hình An Viên. Ông cũng đã có một thời gian dài cộng tác với mục Bóng đá của 24h.com.vn

Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề Bình luận viên bóng đá?

Tôi sinh ra ở Phú Thọ. Ngay từ nhỏ, tôi đã thích đá bóng lắm, nhưng khi đó nhà nghèo, lũ trẻ chúng tôi chỉ biết lấy quả bưởi rụng, nướng cho nó mềm đi rồi đá hay lấy lá dùng để gói bánh chưng cuộn tròn, quấn lạt phía ngoài cho chặt rồi kéo nhau ra đá ngoài bãi cát sông Hồng. Mãi cho tới khi lên cấp 3 trường huyện, tôi mới được tiếp xúc lần đầu tiên với quả bóng.

Cũng trong những năm này, tôi bắt đầu được nghe bình luận bóng đá trên Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó, có mấy ông Việt kiều ở Tân Tây Lan (New Zealand) về nước có cái radio chạy điện. Tôi cứ rình xem lúc nào có tường thuật bóng đá trên Đài TNVN thì đứng ngoài cổng nhà họ mà nghe lén. Sau này chủ nhà phát hiện ra, họ gọi vào nhà ngồi nghe. Tôi còn nhớ rõ khi đó trên Đài có ông Nguyễn Văn Thu bình luận giỏi lắm. Tôi chỉ ao ước được gặp ông ấy một lần. Ai dè sau này về Hà Nội, tôi không những được gặp mà còn trở thành đồng nghiệp của ông ấy nữa.

Có vẻ như nghề bình luận bóng đá đến với ông một cách rất tình cờ?

Nói là tình cờ cũng được mà là duyên nợ, là niềm đam mê thì cũng đúng. Khi tôi học xong lớp 10 thì thày tôi bị bệnh tim rất nặng. Tôi quyết định vào học trường Trung cấp hóa chất ở Lâm Thao cho gần nhà và sớm ra trường để có việc làm. Nói thật, khi theo học trường đó tôi đã xác định là để kiếm cơm, để tự nuôi sống bản thân mình, để thày bầm tôi nuôi các em và chữa bệnh cho thày thôi.

Tốt nghiệp trường trung cấp, lẽ ra tôi sẽ vào làm công nhân ở nhà máy Supe phosphat ở Lâm Thao. Nhưng đúng lúc đó, nhà máy bị máy bay Mỹ phá hoại. Tôi được cử về Viện Nghiên cứu Hóa học ở Hà Nội. Ở đây, tôi tham gia Tổ nghiên cứu axit sun-phua-ric bằng phương pháp thủ công, để thay thế sản phẩm của Nhà máy Supe phosphat Lâm Thao. Vừa làm nhân viên kỹ thuật, tôi vừa theo học Khoa Hóa tại chức của Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội.

Khi bắt đầu làm khóa luận tốt nghiệp thì tôi có cơ hội xin chuyển về công tác tại Đài TNVN. Mọi người khuyên tôi nên cố gắng hoàn thành luận văn, lấy tấm bẳng Đại học. Nhưng vốn thích văn thơ, báo chí nên tôi thấy cũng chẳng cần cái bằng kỹ sư Hóa chất để làm gì, nên bỏ luôn.

Về Đài TNVN, tôi làm việc ở Phòng miền Nam của Ban miền Nam. Năm 1975, đất nước thống nhất, Ban miền Nam của Đài TNVN hoàn thành nhiệm vụ và giải thể. Tôi được Đài TNVN cử đi học tại Khoa Báo chí của Trường Tuyên huấn trung ương (nay là Học viện báo chí – tuyên truyền). Ra trường, tôi trở về Đài TNVN làm việc cho đến năm 2005 thì nghỉ hưu.

Đình Khải: Người vẽ lại trận cầu bằng ngôn ngữ - 2

BLV Đình Khải đã tới gần như tất cả các sân vận động trong cả nước để tường thuật lại những trận cầu thú vị cho thính giả

Ở VOV, khi ông mới bước chân vào nghề bình luận bóng đá thì BLV Hoài Sơn đã rất nổi tiếng. Khi đó, ông có bị áp lực gì không?

Khi mới chân ướt chân ráo làm quen với nghề bình luận bóng đá, có lần tôi đã nghe ai đó nói rằng: "Đình Khải chỉ là người nói thay lúc Hoài Sơn uống nước thôi". Nghe thế, lúc đầu tôi cũng không vui. Nhưng ngẫm lại phải cảm ơn người ta. Những lời nói ấy kích thích tôi rèn luyện, tự tìm tòi để nâng cao khả năng của mình.

Và rồi, cơ may cũng đến. Vào năm 1979, có một trận đấu tại giải hạng nhất quốc gia. Trận đó đáng lẽ đá ở sân Thái Bình nhưng bị hoãn. Hôm trận đấu được tổ chức lại trên sân Hàng Đẫy, BLV Hoài Sơn đi công tác miền Nam. Tôi mạnh dạn báo cáo với Trưởng phòng xin bình luận một mình. Lúc đầu Trưởng phòng còn phân vân nhưng thấy tôi quyết tâm, nên đồng ý. Và tôi đã thành công, đã một mình tường thuật trực tiếp cả một trận đấu. Từ sau trận đó, Hoài Sơn - Đình Khải, Đình Khải - Hoài Sơn trở thành một cặp bài trùng, một dấu ấn khó quên đối với khán giả.

Từ đó tới nay, tôi đã bình luận không biết bao nhiêu trận đấu. Từ bóng đá các lứa tuổi trẻ U11 tới U15, từ bóng đá nam tới bóng đã nữ, nói chung là các trận đấu mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Dấu chân tôi đã may mắn được in trên tất cả các sân cỏ của cả nước, những sân cỏ diễn ra các trận đấu bóng đá mà Đài TNVN tường thuật trực tiếp. Không chỉ bóng đá trong nước, tôi cũng đã có dịp tường thuật bóng đá quốc tế trên sóng phát thanh và cả trên truyền hình Hà Nội, Truyền hình Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số VTC. Người hâm mộ bóng đá đã ưu ái gọi tôi là "người có cổ họng bằng thép" hoặc "người vẽ lại các trận đấu bằng ngôn ngữ". Tôi vui vì nhận xét này.

Gắn bó với nghề bình luận bóng đá trong suốt hơn 30 năm, ông nghĩ sao về cái gọi là "thảm họa BLV" trong đợt EURO 2012 vừa qua?

Bình luận trên truyền hình thì không nên nói nhiều. Nói nhiều quá, người ta dị ứng. Truyền hình có hai kênh để cung cấp thông tin cho khán giả là hình ảnh và lời bình luận của BLV. Vì thế, bình luận viên không nên sa đà vào việc tả - thuật, vì điều đó đã có hình ảnh rồi. Chỉ nên thiên về bình luận hoặc cung cấp thêm thông tin cho khán giả, chứ đừng ham nói nhiều dễ thành “nói dai, nói dại”.

Riêng trên phát thanh, thính giả chỉ có một kênh thông tin duy nhất là lời nói của BLV. Vì thế, BLV phải tả -thuật và bình đầy đủ cho người nghe hình dung ra được mọi chuyện đang diễn ra trong và ngoài sân cỏ, mà họ không hề nhìn thấy. Nghĩa là, BLV trên sóng phát thanh phải kiêm tất cả các camera của truyền hình khi bình luận một trận đấu. Một tiếng còi của trọng tài đúng hay sai, nhanh hay chậm, người bình luận phải phân tích được.

Tường thuật trên sóng phát thanh đòi hỏi người bình luận phải tinh tường để nhận biết mọi sự kiện đang diễn ra, nhìn thấy rồi thì phải phân tích ngay lập tức về sự kiện ấy, và cũng ngay lập tức phải có đủ ngôn ngữ để chuyển tải những điều mà mình vừa phân tích tới người nghe. Nói ngắn gọn, là: nhìn thấy – nghĩ ra và nói ngay. Trong cái mạch khép kín này, tắc ở khâu nào cũng đều hỏng việc cả.

Đình Khải: Người vẽ lại trận cầu bằng ngôn ngữ - 3

BLV Đình Khải: Tường thuật trên sóng phát thanh là nhìn thấy – nghĩ ra và nói ngay

Ở vào tuổi của ông, khi mà người khác đã chọn cách nghỉ ngơi thì điều gì khiến ông vẫn gắn bó với công việc?

Niềm vui của tôi là công việc. Có bạn đồng nghiệp viết về tôi là “nghỉ hưu mà chưa nghỉ việc”, có lẽ cũng vì thế. Năm 2005, ngay sau khi nghỉ hưu, tôi đã nhận làm cố vấn cho Kênh VTC3 (thể thao) của Đài Truyền hình KTS VTC. Đầu năm 2011, tôi xin nghỉ vì bệnh cao huyết áp, và vì từ nhà tôi đến Đài VTC xa quá. Mấy tháng sau, khi Truyền hình An Viên chuẩn bị lên sóng, đã mời tôi tham gia Hội đồng nghiệm thu, chuyên kiểm duyệt các chương trình thể thao. Tôi đã nhận lời, vì bệnh tật cũng đã ổn định, và vì rất gần nhà tôi. Với lại, như đã nói, niềm vui của tôi là công việc.

Và, quan trọng hơn, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã là niềm đam mê cháy bỏng với tôi từ nhỏ. Đi làm, tức là tôi tiếp tục được thỏa mãn niềm đam mê ấy, tiếp tục được hòa mình cùng bạn bè, đồng nghiệp và đem kinh nghiệm của mình giúp các bạn trẻ trưởng thành nhanh hơn trong nghề nghiệp.

Vâng, xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!

Ngoài công việc bình luận trực tiếp các trận bóng đá trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, ít ai biết được rằng, BLV Đình Khải nguyên là Phó ban Thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV).

Không chỉ bình luận trức tiếp các trận bóng đá trong nước và quốc tế, ông còn là người tham gia các buổi tường thuật trực tiếp các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Chẳng hạn như tường thuật các kỳ họp Quốc hội, các buổi mit ting lớn của đất nước ở Quảng trường Ba Đình, Dinh Thống Nhất ở Thành phố HCM, tường thuật trực tiếp Lễ tang các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước…

Ông cũng là một trong những phóng viên đầu tiên của VOV được cử tham gia tháp tùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những chuyến công tác quan trọng ở trong nước và nước ngoài.

"Tường thuật bóng đá chỉ là một trong rất nhiều việc tôi đã làm ở VOV thôi, nhưng đó lại là việc khiến tôi được nhiều người biết đến. Âu đó cũng là niềm vui rất lớn đối với tôi rồi" - BLV Đình Khải chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Những giọng đọc sống mãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN