Clip: Tài xế ô tô đánh “phủ đầu”, hạ gục lái xe máy sau va chạm giao thông

Sự kiện: CAMERA 24H

Sau va chạm giao thông, lái xe máy bị tài xế ô tô lao tới tấn công, quật ngã xuống đường.

Đoạn clip được chia sẻ trên nhóm facebook Oto+ cho thấy, dù có nhiều phương tiện trên đường ngược chiều, nhưng lái xe máy vẫn cố lấn làn ngược chiều để vượt lên. Vừa lúc này, xe máy đã va chạm với ô tô đang chạy trên làn đường ngược chiều.

Sau va chạm lái xe máy vung tay về phía tài xế ô tô nói gì đó, đồng thời dừng xe. Trong lúc lái xe máy đang gạt chân chống thì tài xế ô tô đã mở cửa xe, xông tới đấm liên tiếp lái xe máy từ phía sau rồi quật ngã, đè xuống đường. Thấy 2 tài xế xô xát, nhiều người dân đã can ngăn.

Đoạn clip thu hút hàng trăm bình luận, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, lái xe máy vượt ẩu khi cố tình vượt xe khi có chướng ngại vật (xe chạy trên làn ngược chiều) phía trước. Một số ý kiến nói rằng, tài xế ô tô quá nóng nảy khi tấn công người khác.

Về quy định vượt xe, Luật giao thông đường bộ có quy định về vượt xe (điều 14), theo đó xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn (khoản 1, điều 14, Luật giao thông đường bộ).

Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải (khoản 2, điều 14, Luật giao thông đường bộ).

Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

Luật giao thông đường bộ cũng quy định, các trường hợp không được vượt xe khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14, Luật giao thông đường bộ; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế…

Về xử lý vi phạm vượt xe, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy “vượt xe trong những trường hợp không được vượt.

Đối với ô tô, trong trường hợp bị xác định dừng đỗ ô tô giữa đường để đánh nhau, tài xế có thể bị xử phạt theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, tài xế ô tô sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô “dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; “Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m”; “rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe”;

Tuy nhiên, mức phạt sẽ nặng hơn nếu nhưng người tham gia xô xát bị xử lý về hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Cụ thể, theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 144/2021/NĐ-CP), phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Nguồn: [Link nguồn]

Clip: Lấn làn ngược chiều, lao vào ngã tư, ô tô gây tai họa kinh hoàng

Tới đường giao nhau nhưng chiếc ô tô tải vẫn phóng nhanh, lấn làn ngược chiều lao vào ngã tư rồi trông trúng chiếc xe máy kéo theo xe thùng do một tài xế điều khiển.

Chia sẻ
Theo Minh Khang ([Tên nguồn])
CAMERA 24H Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN