Nóng tuần qua: Một km đường cao tốc cần tới 830 triệu đồng để bảo trì mỗi năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn ngân sách bố trí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu tối thiểu trong khi phải cần đến khoảng 830 triệu/km/năm.

Chi phí bảo trì đường cao tốc tốn khoảng 830 triệu/km/năm

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Trong đó, nêu ra hàng loạt thực trạng trong việc xây dựng, quản lý, vận hành đường cao tốc do Nhà nước đầu tư tại Việt Nam.

Hiện đang có 16 tuyến đường cao tốc dài 968,7 km.

Hiện đang có 16 tuyến đường cao tốc dài 968,7 km.

Theo Bộ này, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác dài 668.750 km. Trong đó, có 16 tuyến đường cao tốc dài 968,7 km. Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mạng đường bộ cao tốc cả nước gồm 21 tuyến dài 6.411 km. Như vậy, tỷ lệ đường cao tốc hiện tại so với quy hoạch mới đạt 15%.

Trong khi đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn thì nguồn lực hiện tại của Nhà nước còn hạn chế. Hiện nay, suất đầu tư đường cao tốc 4 làn vào khoảng 130 tỷ đồng/km, 6 làn khoảng 190 tỷ/km (theo Quyết định số 1291 ngày 12/10/2018 của Bộ Xây dựng).

Chi phí bảo trì đường cao tốc tốn khoảng 830 triệu/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu tối thiểu. Điều này dẫn tới tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần phải có Nghị quyết về phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

Nợ xấu nội bảng các tổ chức tín dụng còn 1,96%

Theo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu được NHNN xác định là một quá trình thường xuyên và liên tục, trong đó, lấy ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng. 

Tính đến cuối tháng 8 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%

Tính đến cuối tháng 8 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, nợ xấu nội bảng các TCTD đã giảm liên tục qua từng năm. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2016 là 2,46% tổng dư nợ nền kinh tế; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 và 2019 là 1,89%. Tính đến cuối tháng 8 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%, tăng so với cuối năm 2019.

Nguyên nhân chính khiến nợ xấu nội bảng các TCTD tăng từ đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên xu hướng những năm gần đây của tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn là giảm liên tục.

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cũng nhấn mạnh từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, số lượng nợ xấu được xử lý theo hướng khách hàng trả nợ đã tăng mạnh. 

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM sớm cấp sổ hồng cho người dân

Liên quan đến vụ việc chậm trễ trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP.HCM, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP.HCM tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố chủ động phối hợp với các bộ liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính được giao khẩn trương nghiên cứu Công văn số 3461/UBND-ĐT ngày 9/9 của UBND TP.HCM, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị nêu trong công văn theo chức năng, thẩm quyền.

Đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền thì cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND TP.HCM trong thực hiện công tác này tốt hơn, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho người dân thành phố.

1,3 triệu người thiếu việc làm

Vụ thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III ước tính là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý II và giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, lực lượng này đạt 54,4 triệu người, với tỷ lệ lao động ước đạt 73,9%, giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III ước tính là 48,5 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý II và giảm 638.900 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động nam là 26,4 triệu người, lao động nữ 22,1 triệu người; khu vực thành thị là 16,5 triệu người, khu vực nông thôn 32 triệu người.

Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,1 triệu người, giảm 940.100 người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 1,9%.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý III ước tính là 2,29% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%). Từ đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,27%, trong đó khu vực thành thị là 3,66%, khu vực nông thôn là 1,58%.

Tỷ lệ thiếu việc làm (làm việc dưới 35 giờ/tuần và có nhu cầu làm thêm) quý III khoảng 1,3 triệu người. So với quý trước, con số này giảm 88.400 người nhưng tăng 60.400 người so với cùng kỳ năm 2019.

GDP quý III tăng 2,62%

Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020. 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,7%.

GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 với số vốn đăng ký 203.300 tỷ đồng, giảm 23,1% về số doanh nghiệp và giảm 29,6% về vốn đăng ký.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12/2019, đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Mức tăng chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt và giá gạo trong nước tăng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nóng trong tuần: Sabeco đã bị bán cho Trung Quốc?

Lãnh đạo Bộ Công thương đã lên tiếng chính thức về thông tin này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN