Nhân sự cấp cao nhiều doanh nghiệp ồ ạt từ nhiệm
Không phù hợp với công việc được giao, quá sức khiến tiến độ công việc chậm trễ, môi trường làm việc có quá nhiều bất ổn… là những lý do những nhân sự cấp cao của nhiều doanh nghiệp xin từ nhiệm.
Qúa sức
Công ty CP Sông Đà 11 (mã chứng khoán: SJE) vừa công bố đơn xin từ nhiệm của ông Phạm Quang Tuyền - Phó Tổng Giám đốc. Trong đơn, ông Tuyền nêu do trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc đang được giao và định hướng phát triển của công ty, một phần vì lý do cá nhân, ông xin được từ nhiệm.
Ông Phạm Quang Tuyền năm nay 40 tuổi, có trình độ thạc sỹ tài chính - ngân hàng. Ông có hơn 11 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty CP Sông Đà 5 (mã chứng khoán: SD5) nắm giữ nhiều vị trí như phó giám đốc, trưởng ban kiểm soát…
Phó Tổng Giám đốc công ty CP Sông Đà 11 xin được từ nhiệm vì trình độ, khả năng không phù hợp với công việc đang được giao.
Từ tháng 1/2023, ông Tuyền được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc SJE. Ông Tuyền đang sở hữu 248.000 cổ phiếu SJE. Năm 2023, ông Tuyền có mức thu nhập gần 306 triệu đồng tại SJR, tương ứng bình quân gần 26 triệu đồng/tháng.
Hôm qua (1/7), Sông Đà 11 có quyết định miễn nhiệm vị trí của ông Tuyền và bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Khuê giữ vị trí phó tổng giám đốc trong thời hạn 5 năm.
Công ty CP Đầu tư và Năng lượng Việt Nam (mã chứng khoán: VPC) cũng vừa công bố đơn từ nhiệm vị trí Kế toán trưởng của ông Dương Văn Sơn. Trong đơn, ông Sơn cho biết mình đang được giao giữ chức vụ kế toán trưởng kiêm Phó Giám đốc VPC.
Ngoài ra, ông Sơn còn đang giữ chức vụ Kế toán trưởng kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hòa Bình (đơn vị thuộc VPC).
“Do kiêm nhiệm nhiều chức vụ khiến tiến độ công việc được cấp trên giao cho tôi có những lúc bị chậm trễ. Vì vậy, tôi làm đơn này xin từ nhiệm vị trí Kế toán trưởng VPC và Kế toán trưởng Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hòa Bình. Tôi sẽ tập trung vào làm việc của Phó giám đốc VPC và Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ Thuật công nghiệp Hòa Bình”, ông Sơn viết.
Ông Dương Văn Sơn năm nay 44 tuổi, có trình độ chuyên môn cử nhân Tài chính Kế toán. Ông đã giữ vị trí Kế toán trưởng VPC từ tháng 10/2007 và được bầu làm Phó giám đốc PVC từ tháng 4/2011. Hiện tại, ông Sơn đang sở hữu 8.000 cổ phần VPC.
Hồi đầu tháng 6, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - mã chứng khoán: TDH) có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo thay đổi nhân sự. Theo đó, Thuduc House bãi nhiệm chức danh thư ký hội đồng quản trị (HĐQT) đối với bà Văn Thị Huệ kể từ ngày 4/6.
Lý do HĐQT Thuduc House miễn nhiệm bà Huệ vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm trong công việc. Thuduc House đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ chức vụ để giải trình nhưng vẫn tiếp tục có hành vi báo cáo thiếu trung thực, không có tinh thần trách nhiệm, khắc phục các sai phạm gây ra.
Môi trường làm việc bất ổn
Ngày 13/5, Công ty CP Giao nhận Kho vận Ngoại thương Việt Nam (Vinatrans - mã chứng khoán: VIN) đã nhận được đơn xin nghỉ việc của bà Lê Hoàng Như Uyên - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinatrans.
Bà Lê Hoàng Như Uyên (váy hồng) trong lễ bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Vinatrans cuối tháng 2/2021. Ảnh: Vinatrans.
Bà Uyên xin nghỉ việc với lý do môi trường làm việc có quá nhiều bất ổn, không còn phù hợp để làm việc và cống hiến thêm sức lực cho công ty, bà Uyên xin phép được thôi việc tại Vinatrans từ ngày 17/6.
Bà Uyên năm nay 51 tuổi, công tác tại Vinatrans từ năm 1996 và ngày 26/2/2021, bà Uyên được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinatrans.
Tại Vinatrans, bà Uyên đang sở hữu 6.000 cổ phiếu VIN. Năm 2023, thu nhập của bà Uyên tại Vinatrans là 513 triệu đồng/năm, tương ứng gần 43 triệu đồng/tháng.
Làm ăn thụt lùi
Hầu hết các doanh nghiệp có nhân sự cấp cao từ nhiệm vì những lý do đang làm ăn thua lỗ hoặc đi thụt lùi. Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư và Năng lượng Việt Nam đang sở hữu bức tranh kinh doanh không mấy sáng sủa, khi có năm thứ 12 thua lỗ liên tiếp, kể từ 2012. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 đã lên gần 86 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm từ năm 2019.
Tương tự, quý I năm nay, Thuduc House ghi nhận hơn 10 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm đến 79% so với cùng kỳ. Công ty cũng không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ mảng bán hàng hóa. Sau khi trừ chi phí, Thuduc House lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Tại 31/3, tổng tài sản của Thuduc House gần 1.400 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là phải thu ngắn hạn với gần 593 tỷ đồng, tăng 6%. Lượng tiền nắm giữ cũng tăng 8%, lên hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả cũng tăng 3% lên gần 989 tỷ đồng.
Ngày 22/4 và 2/5, Cục Thuế TPHCM và Cục Hải quan TPHCM lần lượt ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với TDH.
HĐQT Thuduc House miễn nhiệm nhân sự vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm trong công việc.
Trong đó, Cục thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, còn Cục Hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của TDH. Hiệu lực thi hành kéo dài 1 năm kể từ ngày ra quyết định hoặc TDH hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Cả hai cơ quan này đều đưa ra lý do là TDH đã nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp theo quy định. Tổng số tiền TDH nợ gần 92 tỷ đồng.
Quý I năm nay, Vinatrans ghi nhận doanh thu thuần 28,5 tỷ đồng (giảm 14%) và lợi nhuận sau thuế 9,9 tỷ đồng (15% so với cùng kỳ).
Gần đây, doanh thu của Vinatrans cao nhất đạt gần 230 tỷ đồng vào năm 2021 nhưng đến năm 2023 chỉ còn 142 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao nhất năm 2022 đạt gần 96 tỷ đồng, nhưng đến 2023 chỉ còn hơn 43 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
"Siêu công trình" này nắm giữ 10 kỷ lục thế giới, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 2 giờ xuống chỉ còn chưa đầy 30 phút.