Lãi suất ngân hàng đang “quá tầm với” của doanh nghiệp?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tính đến hết tháng 5, tín dụng trong nền kinh tế đạt trên 12,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm trước tăng khoảng 8%. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể.

Thông tin về hiện trạng tăng trưởng tín dụng hiện nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã công bố đầu năm là khoảng 14 - 15% và cũng đã phân bổ phù hợp cho từng tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng trưởng trong năm. Tuy nhiên, đến hết tháng 5, tín dụng trong nền kinh tế đạt trên 12,8 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Mức tăng này so với cùng kỳ năm 2022 là rất thấp, khi đó mức tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021.

“Trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm 2023 là từ 14% đến 15%, mà tín dụng tăng thấp như vậy cho thấy rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái”, ông Hà nói.

Tín dụng 5 tháng đầu năm mới tăng 3,17%. Ảnh minh họa

Tín dụng 5 tháng đầu năm mới tăng 3,17%. Ảnh minh họa

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân một phần là do lãi suất ngân hàng “quá tầm với” của doanh nghiệp (DN), cộng theo đó là các tiêu chí cho vay đang khiến cho DN khó tiếp cận vốn tín dụng. Giải trình về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết về tiếp cận tín dụng, cần phải được mổ xẻ, phân tích nguyên nhân mới có giải pháp đúng.

“Về cơ chế, chính sách cho vay giữ nguyên, không có gì thay đổi. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng 14,16%, 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng khoảng 3%, nhưng không thể nói là do chính sách vì chính sách cho vay không có gì thay đổi. Về phía các tổ chức tín dụng thì dư địa tín dụng thoải mái, thanh khoản hệ thống được NHNN duy trì dư thừa. Không có lý do gì để tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thông tin thêm từ phía DN, Thống đốc cho biết có một số DN không có đầu ra, không có đơn hàng, thì giải pháp cần làm là phải tháo gỡ khó khăn đầu ra. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại, tuy nhiên cũng cần phải có thời gian. DN cũng như các cơ quan cần hướng đến khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài. Còn đối với DN vừa và nhỏ có thể nói rất khó khăn sau đại dịch COVID-19, không đủ điều kiện vay vốn, không tiếp cận được vốn ngân hàng, nhóm DN này cần phải có giải pháp cải thiện điều kiện vay vốn có thể thông qua các chính sách như bảo lãnh vay vốn cho DN vừa và nhỏ.

Riêng đối với bất động sản, thường tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, thế nhưng thực tế, những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì tới 70% là các khó khăn về pháp lý, nên giải pháp hiện nay là phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, cộng với các DN cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản, thì như vậy sẽ kích thích tín dụng cho cả DN xây dựng bất động sản cũng như là người mua nhà.

Lý giải về lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của DN khi vay vốn từ trước đến nay. Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo và NHNN cũng rất mong muốn, quan tâm điều đó. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được đại cục ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo bà Hồng, năm 2022, có 2 lý do rất quan trọng để chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn. Thứ nhất, lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Trong nước, lạm phát trong năm 2022 bình quân tăng 3,15%. Chính vì vậy, việc điều hành không thể chủ quan với lạm phát. Thứ hai, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá mạnh. Vào thời điểm tháng 9 - tháng 10/2022, áp lực mất giá của đồng Việt Nam lên đến 9 -10%, nếu không có các giải pháp linh hoạt, đồng bộ thì khó có thể ổn định được mức tỷ giá chỉ mất giá 3,5% trong năm 2022.

Theo Thống đốc, vấn đề tỷ giá cũng ít được nhắc đến mà tập trung chủ yếu vấn đề lãi suất. Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện tăng chậm lại của lạm phát, trong những tháng đầu năm 2023, NHNN đã quyết liệt, điều chỉnh 3 lần lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 0,9% bình quân so với cuối năm 2021.

Chia sẻ thêm về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc cho biết trong những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, NHNN cũng đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào; điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải rà soát giảm thủ tục hành chính cũng như là cho vay căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ, cũng không nhất thiết là phải có tài sản đảm bảo. “Đối với NHNN thì năm nay cũng là năm thứ 7 đứng đầu trong hệ thống xếp hạng chỉ số PAR INDEX của các bộ ngành, đây là những giải pháp hướng đến cải thiện tiếp cận tín dụng”, Thống đốc cho hay.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hồng cho rằng, đây là chính sách mà Chính phủ, các bộ ngành dành nhiều thời gian triển khai. Tuy nhiên, kết quả triển khai đạt thấp do tâm lý e ngại của DN và tổ chức tín dụng khó có thể đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi”.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, NHNN đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này. Còn với gói 120.000 tỷ, đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện tham gia, để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân, người có thu nhập thấp, đây là chương trình đến năm 2030 chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022 và 2023. Nguồn vốn do chính các ngân hàng huy động, lãi suất giảm từ 1,5%-2% từ chính nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại. "NHNN chỉ hướng dẫn về lãi suất cũng như là lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất", Thống đốc cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước ở Đông Nam Á có GDP từng gấp 8 lần Việt Nam, nay ra sao?

Đất nước này đã có sự phát triển nhanh một thời gian dài, song hiện nay các nước khác cũng đang theo sát quy mô GDP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN