Chứng khoán Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao khi FED tăng lãi suất kỷ lục?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt và thông tin nổi bật, chuyên gia cho rằng chứng khoán sẽ giằng co bởi định giá P/E vẫn rẻ, dòng tiền sẽ không rút khỏi thị trường.

Hôm 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có bước đi quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ nhằm sớm kiểm soát lạm phát khi nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Như vậy, lãi suất cơ bản tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%.

Đến tuần trước, giới quan sát vẫn dự báo FED nâng lãi suất 0,5%. Nhưng lạm phát tháng 5 tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng, buộc FED phải hành động mạnh tay hơn.

Ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định động thái tăng lãi suất của FED nhằm kiềm chế lạm phát sẽ làm các Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất theo. "FED có thể tiến hành thu hẹp tài sản của mình bằng cách bán trái phiếu và thu tiền về", ông Minh nói.

Theo ông Minh, FED đang có chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể sẽ có kịch bản là chấp nhận suy thoái. "Tuy nhiên, nếu nhìn lại năm 2018, 2019, cũng có nhiều lần FED tăng lãi suất, mức độ tác động đến thị trường chứng khoán sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tức là sẽ giảm trong một số phiên ngắn rồi kết thúc và có xu hướng hồi phục sau đó", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Minh, hai năm 2020 và 2021, động thái của doanh nghiệp nước ngoài đã bán ròng và rút khỏi thị trường Việt Nam rất mạnh. Cụ thể, 2 năm vừa rồi khối ngoại bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng. Ông Minh đánh giá khả năng áp lực rút ra của khối ngoại sẽ khó diễn ra thêm. "Tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài đã dưới mức 16%, tôi nghiêng về khả năng họ khó rút thêm mà sẽ tăng thêm tỉ trọng cổ phiếu", ông Minh cho hay.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Ngoài ra, ông Minh nhận định, trước đây, việc FED tăng lãi suất ảnh hưởng đến tỉ giá mạnh, nhưng hiện khi nhìn vào tình hình tỉ giá của đồng Việt thì thấy khoẻ hơn nhiều so với các đồng tiền khác. "Chưa kể chúng ta đang xuất khẩu trở lại rất tốt, lượng thặng dư lớn. Áp lực bị phá giá thấp hơn các quốc gia khác, thậm chí chúng ta có thể tránh được tình trạng phá giá của đồng tiền", ông nói. Trong khi đó, thời điểm FED tăng lãi suất năm 2018, 2019, tỉ giá đã tăng mạnh do chịu áp lực từ việc FED tăng lãi suất nhưng nước ta không đủ công cụ để kiểm soát tình trạng này. 

Còn theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho biết việc FED tăng lãi suất có thể tạo ra xu thế tăng lãi suất ở các khu vực khác. "Việc các Ngân hàng Trung ương đồng loạt tăng lãi suất thì dòng tiền rẻ sẽ bị thu hẹp lại khiến cho thanh khoản thị trường giảm, đợt vừa rồi thị trường cũng đã giảm", ông Khoa nói. Ông Khoa cũng nhận định tăng lãi suất làm tăng chi phí vốn dành cho các doanh nghiệp, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Khoa cũng có nhận định lần tăng lãi suất này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. "Khi FED tăng lãi suất, nhà đầu tư ngoại sẽ có xu hướng rút tiền về, nhiều quỹ ngoại cũng đang sử dụng đòn bẩy, họ đi vay để đầu tư thì khi FED tăng lãi suất, chi phí tăng thêm và họ sẽ có xu hướng rút tiền về để phòng vệ, hoàn vốn", ông Khoa nói.

Hết thời ăn xổi

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá, mức nâng lãi suất điều hành thêm 0,75% của FED là phù hợp với kỳ vọng sau thông tin lạm phát của Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn nhận về triển vọng nhóm ngành ít chịu tác động của lạm phát và có thể tăng trưởng nhu cầu sau đại dịch, Giám đốc Phân tích VDSC vẫn nhìn thấy triển vọng ở nhiều nhóm ngành như đầu tư công, trong đó có nhóm về hạ tầng và giao thông thông minh; nhóm tiện ích công cộng, nhóm tiêu dùng thiết yếu, nhóm bất động sản khu công nghiệp và hàng không. Riêng nhóm hàng không, bà Phương Lam lưu ý cần sự quan sát trong ngắn hạn, do chi phí nhiên liệu đang ở mức cao.

Trước diễn biến của thị trường sau thông tin lạm phát và tăng lãi suất của Mỹ, bà Phương Lam nhận xét, tâm lý thị trường còn khá yếu, nên khả năng phục hồi chưa bền vững.

Trước câu hỏi nhóm cổ phiếu nào nên được chú ý giai đoạn này, bà Phương Lam nhấn mạnh, việc chọn cổ phiếu nào còn phụ thuộc vào mục đích của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán. "Giai đoạn hiện tại không thể ăn xổi mà phải chắt lọc đầu tư, tìm cơ hội cho việc nắm trung và dài hạn", bà Lam nói. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng tốt nên vẫn còn nhiều nhóm ngành hưởng lợi trong xu hướng tăng trưởng: dệt may, thuỷ sản, ngân hàng, khu công nghiệp, tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ… "Đây vẫn là nhóm ngành có tăng trưởng cao cho nên nhà đầu tư có thể sẽ tìm hiểu và lựa chọn cổ phiếu. Tuy nhiên, không nên FOMO mà phải kiên nhẫn, tìm hiểu kỹ", bà Lam nhấn mạnh. 

Chứng khoán sẽ diễn biến ra sao?

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng việc FED tăng lãi suất đã đỡ áp lực hơn những lần tăng lãi suất năm 2018, 2019. "Tôi cho rằng FED sẽ còn thăm dò, kinh tế đã suy thoái sau 2 năm vừa rồi, FED tăng lãi suất quá mạnh sẽ khiến áp lực về tăng trưởng và rất có khả năng sẽ có khả năng là "con dao 2 lưỡi", gây ra hệ luỵ xấu hơn cho nền kinh tế", ông Minh nói.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco.

Ông Minh cho hay, những phiên giao dịch thời gian vừa rồi vẫn giữ dc mức 1.200 điểm, và hiện vẫn giữ được mức đáy tháng 5. "Dù chưa có nhóm cổ phiếu dẫn dắt, nhưng P/E lại rất thấp, hiện chỉ dưới 12 lần", ông Minh nói.

Ông Minh dẫn số liệu, từ năm 2013 đến nay, chỉ có 3 lần P/E dưới 12 lần, lần thứ nhất vào năm 2016, lần thứ 2 vào năm 2020 và lần 3 là là tháng 5/2022. Hai lần lần trước đó, khi P/E xuống dưới 12 lần thì thị trường sẽ tăng mạnh sau đó.

"P/E hiện nay cho thấy thị trường cực kỳ hấp dẫn. Về diễn biến ngắn hạn thì kịch bản xuyên thủng vùng đáy tháng 5 là thấp thấp bởi định giá thị trường đang rẻ trở lại. Dù không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt nhưng dòng tiền có thể phân hóa rõ nét. Dòng tiền thời gian vừa qua tập trung vào nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện hoặc quay trở lại nhóm bán lẻ... nói cách khác là cổ phiếu nhóm tăng trưởng. Khi sự phân hóa dòng tiền như vậy tức dòng tiền chưa rút khỏi thị trường", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Anh Khoa, giai đoạn tới chứng khoán sẽ đi ngang, biến động giằng co ở mốc 1.200 điểm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chứng khoán rớt thảm, nhà đầu tư kỳ cựu nói gì?

Trên nhiều diễn đàn về đầu tư chứng khoán, mấy ngày gần đây tiếp tục là chuỗi ngày chứng kiến những lời than vãn, thậm chí kêu gào thảm thiết của các nhà đầu tư vì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thu Thảo ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN