Phiếm đàm sự hấp dẫn của bóng đá

Giữa đám đông ngồi xem, ai đọc vanh vách tên cầu thủ bằng tiếng Tây thì rõ ràng đó là đẳng cấp vượt trội.

Rất nhiều người yêu bóng đá, đó là một thực tế mà ai cũng phải công nhận. Ấy thế nhưng trước câu hỏi “vì sao lại yêu bóng đá?”, thì câu trả lời lại rất dễ nhầm lẫn. “Tại vì bóng đá nó hay” - nhiều người sẽ trả lời vậy, nhưng chưa chắc đâu nhé.

Không tin bạn thử hỏi cha con người rừng rằng: "Này bác, bác cứ xem thật kỹ đi, trong số những trò chơi này (trong đó có bóng đá), bác thích trò nào nhất?".

Tôi thì tin rằng thể nào cha con người rừng cũng chọn trò... chơi khăng, hoặc trò nào khác chứ không phải bóng đá.

Có lẽ vì không xem bóng đá, không thích bóng đá nên nhiều người đã bị coi là... “người rừng”. Không hiểu do cơ duyên hay cơ chế nào mà nhiều người đã bị chê là “quê” khi không hiểu gì về bóng đá. Ác hơn nữa, có nhiều anh chàng còn bị gán mác pê-đê mặc dù râu đầy cằm, cũng chỉ vì mỗi cái tội không thích xem bóng đá.

Tôi thấy khá nhiều người, trong đó có tôi, đã từng xem bóng đá vì sợ quê, hoặc là xem để tự hào rằng ta cũng là người hâm... mộ bóng đá. Cũng có giai đoạn tôi thích xem bóng đá (xem bóng đá chứ không đá bóng), thích thực sự, thậm chí mê mẩn. Nói thật lòng, cái niềm “đam mê thực sự” ấy cũng bắt nguồn từ một lý do hết sức chính đáng của thời trẻ trâu, đó là xem để cho thiên hạ biết ta cũng hâm mộ bóng đá... như người lớn.

Ấy là cái thời kỳ cả xóm có mỗi cái ti vi đen trắng, vừa xem vừa quạt cho đỡ muỗi. Trẻ con trong xóm tất cả tụ tập hàng chục đứa, nằm dài ở sân nhà người ta ngủ để chờ chực xem bóng đá. Có đứa bị bố mẹ đánh cho tét đít cũng không chịu về vì quá đam mê bóng đá. Đội nào đá với đội nào không cần biết, ai thắng hay thua không thành vấn đề, cứ thấy bóng chui vào lưới là vỗ tay được rồi. Cũng thấy vui vui và quan trọng nhất là không bị tụi bạn chế giễu vì tội bỏ về ngủ như... con nít.

Tại sao lại có hiện tượng tự hào khi thích bóng đá? Cũng thật khó lý giải thấu đáo. Các nhà tâm lý học cho rằng “khoe sở thích” là một nhu cầu có thật của con người. Tuy nhiên, cái sở thích mà có thể mang ra khoe được thì cũng cần phải cao cấp một tí. Chả ai lại đi tự hào khi có sở thích tầm thường như là thích ăn cơm nguội hoặc thích chơi trò ô ăn quan.

Để đẳng cấp, người ta phải khoe với thiên hạ rằng: tôi rất thích chơi golf, rất thích ngắm hoàn hôn trên đảo Bali và thích ăn trứng cá tầm rang muối. Không được cao cấp thì ít ra cũng phải là một sở thích phức tạp, công phu, tốn kém hơn mức bình thường.

Xem bóng đá cũng là sở thích đáng để tự hào. Đầu tiên nó thể hiện rằng fan bóng đá là những người có trình độ. Bóng đá sân làng thì không nói, nhưng một khi đã dám xem Uôn cúp hay Ngoại hạng Anh thì ít ra cũng phải bập bẹ tí ngoại ngữ để nhớ tên cầu thủ. Trong một đám đông ngồi xem bóng đá, ai đọc vanh vách tên cầu thủ bằng tiếng Tây thì rõ ràng đó là đẳng cấp vượt trội, xung quanh tỏ ra ngưỡng mộ, và tất nhiên là hắn vô cùng tự hào. Còn những đứa chỉ có thể phân biệt được đội áo đỏ với đội áo xanh thì rõ ràng là dân mới vào nghề và còn phải học hỏi nhiều.

Thứ đáng tự hào tiếp theo là ở tính công phu. Từ khi Uôn cúp và Ngoại hạng Anh du nhập vào VN thì những trận đấu đều diễn ra vào đêm khuya. Người dám vượt qua sự cám dỗ của giấc ngủ để xem bóng đá thì chứng tỏ rất có bản lĩnh. Một số người khác tuy chưa đủ đam mê để đánh đổi giấc ngủ, nhưng vẫn cố gắng thức đêm để chứng tỏ... bản lĩnh. Khi mà cả thế giới văn minh đang thức cùng bóng đá, mà mình lại nằm ngủ thì rõ ràng không ổn, sẽ bị coi là bảo thủ và quê mùa.

Ngoài ra, xem bóng đá cũng ít nhiều tốn kém. Chưa cần kể đến cá độ, tốn kém dễ thấy nhất chính là... “mất công mất việc”. Những người dám bỏ bê công việc để xem bóng đá thì chứng tỏ họ rất... có điều kiện. Ở quê tôi, mùa Uôn cúp thường diễn ra đúng lúc bà con thu hoạch lúa. Đêm mà thức xem bóng đá thì ban ngày khó mà ra đồng gặt lúa được. Lúa là nguồn thu nhập chính, mà một năm chỉ có hai vụ. Ấy thế mà có bác nông dân đã từng tuyên bố cứ 8 vụ lúa thì tôi sẽ bỏ đi một vụ để xem bóng đá.

Bên cạnh tính đẳng cấp của sở thích, truyền thông cộng với dư luận xung quanh đã khiến cho nhiều người tự hiểu rằng xem bóng đá là văn minh, là hiện đại, là một phần của cuộc sống. Bởi thế mà nhiều người cho dù không thích cũng cố tỏ ra mình là người đam mê và am hiểu bóng đá. Nhớ hồi xưa, có lần tôi nghe được chuyện của hai bà già đang mò hến dưới mương:

- Trận đêm qua thế nào hả bà?

- Bờ-ra-xin thắng hai không.

- Giời đất! Liên Xô là cường quốc mà lại để thua ba cái đứa vô danh.

- Ừ, tôi mà biết thế thì tôi dí vào xem nữa.

Trong số những người xem bóng đá thì cũng có người thích, người chưa thích, nhưng được cái càng xem đông càng vui, bệnh tâm lý cũng vì thế mà rất dễ lây truyền. Có khi chưa thích nhưng xem miết cũng thành thói quen, có khi thành mê lúc nào không hay.

Năm 1998, tôi có dịp ra Hà Nội xem Uôn cúp, tất nhiên là qua ti vi. Có ông bê hẳn cái ti vi to đùng ra ngõ để anh em tập trung xem, vừa đông vui, vừa thoáng mát. Quả thật không khí rất sôi động, ai cũng tỏ ra cuồng nhiệt. Khi mọi người đang thả hồn vào những đường bóng mê hoặc thì bỗng ai đó phát hiện ra con rắn đang bơi dưới rãnh nước. Thế là cả đám đông kéo nhau đi xem con rắn bé xíu đang ngoe nguẩy đuôi bơi, mặc kệ các tình huống bóng đang vô cùng gay cấn.

Thì ra nhiều khi bóng đá vẫn chưa hay bằng một con rắn còi.

HienMQ

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN