Tết về, nhớ cô Nết “Đến hẹn lại lên”

Câu quan họ vẫn day dứt “Người ơi người ở đừng về” và mong “Đến hẹn lại lên”.

Đến hẹn lại lên có lẽ là một bộ phim rất đặc biệt của nền điện ảnh Việt Nam. Từ câu chuyện của một làng quê quan họ với những câu hát ngọt ngào, trữ tình say đắm lòng người đã đưa khán giả vào một không gian cổ kính của làng quê Kinh Bắc xưa.

Tết về, nhớ cô Nết “Đến hẹn lại lên” - 1

Hình ảnh cô Nết dịu dàng, đằm thắm trong phim

Thế nhưng, trong câu chuyện về tình yêu đôi lứa ấy, nó đã hòa chung với tình yêu dân tộc, tình yêu lớn – khát vọng giải phóng để được tự do và vượt qua những lề lối đã ăn sâu vào tiềm thức.

Quan họ xưa, không lấy nhau mà “hẹn nhau kiếp sau” nhưng, những liền anh, liền chị trong Đến hẹn lại lên ấy đã cùng nhau sát cánh trong cuộc chiến khốc liệt và để khi hòa bình, họ không còn day dứt vì câu hát “người ơi người ở đừng về”.

Những lời ca quan họ say đắm lòng người trong Đến hẹn lại lên

Cái hay trong truyện phim của Đến hẹn lại lên đó là từ những số phận đơn lẻ - những liền anh, liền chị quan họ tiêu biểu cho một thời kì của lịch sử nhưng nó lại phản ánh được triết lý sâu sắc về tinh thần lạc quan, phẩm giá tốt đẹp của con người trong cuộc sống.

Truyện phim mở đầu bằng cảnh hai nhân vật chính của phim là Nết (Như Quỳnh đóng) và An (Đình Thân đóng) gặp nhau tại một vùng chiến đấu ở Trường Sơn trong chống Mỹ cứu nước. Từ bối cảnh đó, những hồi ức xưa chợt ùa về trong họ - những mùa giao duyên ngọt ngào nơi làng quê trầm mặc, cổ kính. 

Tết về, nhớ cô Nết “Đến hẹn lại lên” - 2

Phim từng giành giải Bông sen vàng LHP Việt Nam 1975

Nết và Chi quen nhau trong một ngày hội Lim khi cả hai cùng theo các liền anh, liền chị đi trẩy hội. Thương rồi cảm mến nhau nhưng vì quá nghèo họ không thể nên duyên vợ chồng. Chiếc xà tích vốn là vật gia truyền của mẹ được Chi trao cho Nết như một món vật đính ước hẹn ngày kết tóc se tơ.

Thế nhưng, trong ngày hội ấy, Bình - gã trai con nhà trọc phú, anh trai của An đã tìm cách chiếm đoạt cô gái quan họ xinh đẹp. Hắn bày mưu tính kế với bà chị Tư Nhung, vu khống cho Chi làm cộng sản và anh bị bắt giải đi nơi khác. Mặt khác, Tư Nhung còn lợi dụng sự cả tin của ông cậu ruột Nết đẩy cô vào thế đường cùng, bắt phải kết hôn với Bình.

Ngày Nết về nhà chồng cũng là ngày mẹ cô qua đời. Quá đau đớn, nhưng cô đã không thể vượt qua hoàn cảnh bi đát này. Nhưng rồi chính Chi và cách mạng đã đưa Nết sang một trang cuộc đời mới. Cô đi theo cách mạng và sau này đã cùng nhân dân giành chính quyền, lật đổ gia đình Bình. Nết và Chi được đoàn tụ bên nhau trong một kết thúc đẹp.

Tết về, nhớ cô Nết “Đến hẹn lại lên” - 3

Vẻ đẹp của một liền chị quan họ trở thành hình ảnh bất tử

Dù được sản xuất từ năm 1974 nhưng bộ phim của đạo diễn Trần Vũ vẫn được coi là một tác phẩm điện ảnh khắc họa chân thật, gần gũi về một vùng quê quan họ trù phú với những giá trị tinh thần vô giá.

Không phải lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh rộng nhưng hội Lim với những câu ca quan họ say đắm lòng người trong Đến hẹn lại lên vẫn luôn là những thước phim in đậm trong tâm trí của khán giả. Hễ nhắc đến hội lim, nhắc đến những liền anh liền chị với áo mớ ba mớ bảy, khăn xếp nón quai thao là người ta lại nhớ đến Đến hẹn lại lên.

Tết về, nhớ cô Nết “Đến hẹn lại lên” - 4

Nhân vật liền anh Chi trong Đến hẹn lại lên

Trong dàn diễn viên khá đông đảo, thì nhân vật Nết – trung tâm của câu chuyện vẫn để lại ấn tượng sâu sắc.

Vai diễn này được giao cho NSND Như Quỳnh, khi ấy mới tròn 20 tuổi. Khuôn mặt bầu bĩnh, giản dị và đậm chất kinh Bắc của cô khiến nhân vật Nết trở thành một trong những biểu tượng của làng điện ảnh Việt những năm 70.

Tết về, nhớ cô Nết “Đến hẹn lại lên” - 5

Qua mấy chục năm phim vẫn vẹn nguyên giá trị

Có thể nói nhờ NSND Như Quỳnh mà Đến hẹn lại lên có sức sống lâu bền cho đến tận ngày nay. Không chỉ phù hợp về ngoại hình mà vai diễn này gần như được đo ni đóng giày cho tên tuổi của cô. Từ hình ảnh một liền chị quan họ, cho đến khi bị ép gả vào gia đình giàu có và sau này theo cách mạng đi kháng chiến, tính cách của nhân vật Nết biến đổi một cách rõ rệt.

Bên cạnh Nết, vai diễn của diễn viên Đình Thân cũng gây được nhiều thiện cảm cho khán giả. Ở vai Chi này, khán giả vừa thấy được nét hào hoa của một liền anh quan họ, vừa là hình ảnh của một cán bộ kháng chiến cương trực.

Sau Đến hẹn lại lên, nếu diễn viên Đình Thân ít xuất hiện thì ngược lại NSND Như Quỳnh đã khẳng định được thương hiệu của mình qua hàng loạt các bộ phim từ điện ảnh cho đến truyền hình.

Tết về, nhớ cô Nết “Đến hẹn lại lên” - 6

NSND Như Quỳnh hiện tại vẫn đẹp mặn mà

Thường vào vai những bà mẹ hiền lành, cô gây được thiện cảm với công chúng bằng lối diễn xuất tự nhiên, chân chất. Cùng thời với những NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh… có thể nói niềm đam mê điện ảnh với gần 40 năm trong nghề đã tạo dựng nên một Như Quỳnh đầy mẫu mực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khôi Nguyên ([Tên nguồn])
Những bộ phim xưa nổi tiếng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN