Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 549Kỳ mới nhất

"Tây Du Ký" phiên bản 1986 xuất hiện vô số các diễn viên phụ và quần chúng. Các nhân viên của đoàn, từ đạo cụ, ánh sáng, khói lửa, thư ký... đều được làm diễn viên khi đoàn thiếu người.

Tập 20 - Tôn Hầu xảo hành y có phần quay ngoại cảnh Ngộ Không và Bát Giới xé tờ thông báo chữa bệnh cho quốc vương nước Chu Tử quốc. Cảnh quay trên được thực hiện tại con phố cổ mang tên Trường Khánh, thành phố Thiệu Hưng.

Trường Khánh là một con phố buôn bán điển hình tại những thị trấn nhỏ của vùng Giang Nam. Mặt đường lát gạch đá to bản, hai bên đường khá nhỏ hẹp, các cửa hàng mọc san sát với rất nhiều biển hiệu bằng gỗ đã nhuốm màu thời gian. Giữa phố có một chiếc cầu gỗ bắc ngang với lối điêu khắc theo phong cách trạm chổ rường cột vô cùng đẹp mắt và tinh xảo. Đây cũng đồng thời là một trong những nét kiến trúc tiêu biểu lấy từ ngôi chùa Trường Khánh nổi tiếng ở Thiệu Hưng.

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 1

Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới vào vai những thầy lang trong tập 20.

Đội mỹ thuật của đoàn Tây Du Ký tận dụng những công trình kiến trúc sẵn có và lắp đặt, trang trí thêm để Trường Khánh mang dáng dấp và phong cách của một đất nước đúng như miêu tả trong kịch bản. Ngoài ra, nhân viên mỹ thuật còn bố trí một vài lầu gác mang phong cách văn hóa Ả Rập, phục vụ cho  những cảnh quay tiền cảnh. Đạo cụ lẫn bối cảnh thật đan xen, khi lên hình thật khó nhận ra con phố là của người Hán hay của người Ả Rập. Những khung hình hiện lên khá ấn tượng và đạt hiệu quả đúng như mong đợi.

Ngày khởi quay, đoàn được sự hỗ trợ phối hợp từ phòng công an thành phố Thiệu Hưng, đồng thời dán thông báo tới người dân địa phương tạm thời cấm đường trong thời gian ghi hình.

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 2

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 3

Phố cổ Trường Khánh vùng Giang Nam bỗng chốc hóa thành một khu đô thị vùng Ả Rập náo nhiệt, phồn hoa trong tập 20 TâY Du Ký.

Ngoài ra, hơn một chục diễn viên quần chúng từ các đoàn văn nghệ của thành phố Thiệu Hưng cũng được cử tới. Ai nấy đều chuẩn bị y phục của đoàn Tây Du Ký chỉnh tề, sẵn sàng cho cảnh quay sắp tới. Họ được giao vai những chủ quán trên phố, người bán hàng rong, binh lính, tướng sĩ, người qua đường... Chỉ trong chốc lát, con phố Trường Khánh đã tấp nập người ngựa qua lại, con phố cổ vùng Giang Nam đã biến thành một khu phố thị phồn hoa của người Ả Rập năm xưa.

Chuyên gia khói lửa một mình sắm 2 vai

Trên phố xuất hiện một diễn viên ngoài 50 gây chú ý với chiếc mũ lớn đội đầu, mặc áo dài. Gương mặt ông nổi bật với hai hàm râu vểnh tinh quái, tay cầm khúc đùi cừu, vừa nướng vừa rao mời chào khách qua đường, điệu bộ khá hài hước và gây cười. Đó chính là chuyên gia khói lửa của đoàn, nghệ sĩ Lưu Lễ.

Cảnh quay trên xuất hiện hai lần trong tập 20 khi thầy trò Đường Tăng vừa đặt chân đến Chu Tử quốc, nhân vật ông bán đùi cừu nướng xuất hiện ngay trong những giây đầu. Lần hai là khi Tôn Ngộ Không dụ Trư Bát Giới quay lại khu phố ban nãy với mục đích chủ yếu để lấy tờ thông cáo của nhà vua, vời người chữa bệnh. Cảnh này Lưu Lễ xuất hiện khá lâu, góc máy quay đối diện, mặc dù lúc này phần lời thoại dành cho Bát Giới của Mã Đức Hoa, Lưu Lễ chỉ biết đứng và nhìn theo.

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 4

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 5

Lưu Lễ (góc phải) trong tạo hình ông bán đùi cừu nướng, ra sức mời chào Bát Giới mua hàng.

Lưu Lễ trong vai ông bán đùi cừu nướng.

Ngày hôm đoàn quay ngoại cảnh trên phố Trường Khánh, Lưu Lễ được giao đóng hai vai, một là ông lão bán đùi cừu nướng và vai một tiểu thương bán bạc. Hai vai diễn chỉ cách nhau chưa đầy 15 giây. Cảnh quay 4 thầy trò vừa đặt chân đến Chu Tử quốc, Đường Tăng vì e ba đồ đệ tướng mạo kỳ dị sẽ làm người dân địa phương kinh động nên dặn dò Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới phải giấu phần mặt đi.

Nào ngờ Bát Giới vì tính tình hay quên, loáng một lúc đã quên quy định của thầy, buông vạt áo đang che mặt, khiến người qua đường thất kinh chạy tán loạn. Duy chỉ có tiểu thương bán bạc (Lưu Lễ đóng) quá sợ hãi không biết chạy đi đâu liền lăn ra bất tỉnh ngay trên quầy bán bạc.

Khi quay cảnh trên, vừa nghe tiếng đạo diễn hô diễn, Lưu Lễ nhăm nhăm ngã vật lên quầy đồ bạc (phần lớn là bạc thật) mà không cần biết bản thân có bị thương hay không. Cú ngã vật chỉ diễn ra rất nhanh trong vài giây, Lưu Lễ ngã cũng nhanh, khiến bàn gẫy làm đôi.

Sau khi lăn ra bất tỉnh, Lưu Lễ cố nằm bất động trên sạp bạc một lúc thật lâu. Đợi cảnh quay hoàn thành, ông mới lồm cồm bò dậy, đến gần đạo diễn Dương Khiết thật thà hỏi: "Đạo diễn, xem có được không? Nếu chưa được thì ta quay lại nhé?". Cả đoàn thấy tinh thần trách nhiệm cao của Lưu Lễ và vẻ mặt thành khẩn của ông, ai nấy đều bụm miệng cười.

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 6

Lưu Lễ (ô tròn vàng) vai anh bán đồ bạc trên phố.

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 7

Cú ngã vật bất tỉnh nhân sự rất "ngọt" của Lưu Lễ.

Cảnh quay Lưu Lễ bán đùi cừu nướng (từ giây 00:02 -00:28) và tiểu thương bán đồ bạc (00:41 - 00:47).

Ngoài tổ đạo diễn, tất cả nhân viên trong đoàn Tây Du Ký, từ quay phim, hóa trang, phục trang, ánh sáng, thư ký trường quay, đạo cụ, bối cảnh... phần lớn là những người trẻ và năng động, đều được huy động làm diễn viên mỗi khi đoàn thiếu người. Nhân lực của đoàn được coi là khá nhanh nhẹn, hoạt bát và "biến hóa khôn lường", chỉ cần có yêu cầu là lập tức có thể trở thành diễn viên.

Thậm chí những lúc quá cần kíp, nhân lực thiếu nhiều, ngay cả nhân viên chăn ngựa của đoàn hay ông lão ngoài 60 là nhân viên phục trang Lý Bảo Tường cũng được huy động làm diễn viên quần chúng. Ngay đến phục trang Hàn Canh Trạch được coi là lên hình rất nhiều lần. Ông là một người hoạt bát, có chút khả năng diễn, thi thoảng được giao vai có lời thoại. Đến nỗi đạo diễn Dương Khiết có lần đùa: "Hàn Canh Trạch mấy mà thành diễn viên ngoài biên chế của đoàn!".

Diễn viên chuyên nghiệp chuyên đóng vai phụ, vai quần chúng

Trong đoàn còn khá nhiều diễn viên quần chúng chuyên nghiệp. Họ khác những diễn viên chính ở chỗ, mỗi tập đều vào một vai diễn mới. Có thể coi họ là những người gắn bó với đoàn không khác diễn viên chính. Mặc dù phải vào vai phụ, diễn viên quần chúng nhưng thực tế họ đều là những diễn viên chuyên nghiệp, là thành phần nòng cốt của những đoàn nghệ thuật các tỉnh thành khắp Trung Quốc. Khi theo đoàn Tây Du Ký, dù phải làm gì, phân đóng vai diễn nào họ cũng đều không nề hà. Những diễn viên này đồng thời trở thành lực lượng không thể thiếu của đoàn phim Tây Du Ký.

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 8

Hạng Hán trong một số vai diễn phụ phim Tây Du Ký.

Phì cười diễn viên phụ Tây Du Ký 1986 - 9

Những vai diễn của Dương Bân trong các tập phim của Tây Du Ký.

Có thể ví dụ nam diễn viên Hạng Hán đến từ Viện kịch Tương tỉnh  Hồ Nam, diễn viên Diệp Dĩ Manh từ Viện kịch Huy tỉnh An Huy, diễn viên Lý Long Bân, Dương Bân cũng từ các đoàn nghệ thuật tỉnh An Huy. Diễn viên Lý Kiện Thành đoàn văn công Dương Châu, Lý Liên Nghĩa của đoàn kịch điện ảnh Bắc Kinh... đều góp mặt từ một đến hai vai diễn nhỏ trong mỗi tập phim Tây Du Ký. Có người đóng nhiều hơn như trường hợp diễn viên Hạng Hán còn kiêm vai trò chỉ đạo võ thuật, bên cạnh Lâm Chí Khiêm (đóng vai Nhị Lang Thần).

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 549Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Tây Du Ký 1986: Chuyện giờ mới kể Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN