Bí mật kỹ xảo tiếng động trong phim
Có bao giờ bạn tự hỏi âm thanh trong phim ma được tạo ra như thế nào? Những tiếng động của quái vật được hư cấu ra sao? Đó là cả một kho “bí mật” về nghề tạo tiếng động trong phim.
Nghề làm tiếng động trong phim
Trong các lễ trao giải thưởng điện ảnh luôn có một hạng mục dành cho nhà thiết kế âm thanh tiếng động trong phim. Trong một đoàn làm phim, phần âm nhạc và tiếng động được chia làm các công việc cụ thể như thiết kế âm thanh, biên tập nhạc nền, biên tập âm thanh, re-cording mixer (cân bằng nhạc, lời, hiệu ứng), giám sát âm nhạc. Phần phụ trách âm thanh trong giai đoạn hậu kỳ là nơi những chuyên gia tiếng động trong phim thể hiện những sáng tạo của chính họ.
Không phải lúc nào cũng có thể thu được âm thanh trực tiếp trên phim trường. Vì vậy rất cần các chuyên gia tiếng động làm việc ở khâu hậu kỳ
Khi chúng ta xem một bộ phim, sự chú ý thị giác luôn song hành với sự chú ý thính giác. Nhà biên tập âm thanh nổi tiếng người Mỹ Ben Burtt của loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao đã từng nói: Chúng ta có thể nghe thấy tiếng “thanh kiếm ánh sáng” (lightsaber) trong mưa trước khoảnh khắc ta nhìn thấy cái bóng của nó. Thông thường điều đó phải trải qua một quá trình nhưng với những người tạo ra âm thanh, rõ ràng họ không phải là khách thể chỉ nghe thấy tiếng động một cách thuần túy. Chúng ta ghi nhớ một cách ấn tượng tiếng bước chân của khủng long trong Công viên kỷ Jura hay tiếng khóc của King Kong… Đó không chỉ là âm thanh mới chưa từng có từ trước đến nay, tiếng động trong điện ảnh còn phải được sáng tạo một cách mới mẻ từ những âm thanh quen thuộc từ tiếng khóc cho đến tiếng nói của con người mà chúng ta vẫn nghe thấy mọi ngày.
Làm thế nào để tạo ra được tiếng động trong phim? Có thể dễ dàng đi tìm câu trả lời hơn khi ta trực tiếp cùng tham gia vào quá trình làm việc thực tế của các nhà biên tập âm thanh hơn là tiếp cận nó một cách mơ hồ như trò ma thuật điện ảnh. Không phải mọi âm thanh trong phim đều có thể thu trực tiếp từ phim trường vì nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Có khi cần phải làm chúng nhỏ đi, mờ nhòa đi để nổi rõ những chi tiết khác. Ngược lại, có những lúc phải đặc tả chúng hơn nữa để người xem cảm nhận thấy không khí nghệ thuật.
Cảnh bắn cung trong phim kiếm hiệp luôn cần sự hỗ trợ tạo thêm tiếng động (Ảnh phim Thiên mệnh anh hùng)
Tiếng gươm trong không trung luôn được tạo âm thanh sắc lạnh trong hậu kỳ (Ảnh phim Mỹ nhân kế)
Bình thường người đi một mình ta thường không nghe thấy tiếng bước chân, nhưng khi lên phim luôn cần tạo ra âm thanh của những bước chân đó để thể hiện tâm trạng của nhân vật, khi cô đơn bước đi lầm lũi, khi gấp gáp bước chân vội vàng.
Trong những bộ phim kiếm hiệp khán giả cũng luôn được nghe thấy tiếng những thanh gươm vung trên không trung nghe sắc lạnh. Ví như khi quay một cảnh những người dân bị kẻ thù đàn áp bắt lao động khổ sai, trên phim trường không thể thu được tiếng bước chân mỏi mệt hay âm thanh những tiếng xúc than nghe chát chúa. Những yêu cầu đó cần phải được hoàn thiện trong hậu kỳ. Ở đó, các chuyên gia tiếng động thêm vào những âm thanh nghệ thuật có chủ đích. Điều lý thú là họ tạo nên những biểu cảm âm thanh đó bằng những công cụ rất bất ngờ.
Video hậu trường làm tiếng động trong phim Việt
Vậy ra, những nhà làm tiếng động sử dụng độ tinh nhạy và kinh nghiệm của một chuyên gia âm thanh để thay thế những tiếng động thật bằng những công cụ ảo. Những chà xát trên những tấm ni lông có thể tạo thành tiếng lá bay xào xạc. Tiếng nhịp gõ tay trên nền nhà có thể thành tiếng vó ngựa trong phim cổ trang. Một chiếc ghế sắt cọ xát cũng được tạo thành tiếng băng ca di chuyển bệnh nhân gấp gáp vào cấp cứu. Những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày ấy luôn cần những đôi tai nhạy bén và trí nhớ của các nhà chuyên gia tiếng động để sáng tạo chúng thành những âm thanh bất ngờ trong phim.
Thủ thuật tạo tiếng động trong phim Hàn Quốc và Nhật Bản
Tiếng động được khớp với từng chuyển động của quái vật trong phim kinh dị, viễn tưởng
Nói đến phim kinh dị, yếu tố âm thanh luôn đóng một vai trò quan trọng để kích thích sự tò mò và cảm giác sợ hãi cho người xem. Trong chương trình TV Oasis của đài SBS Hàn Quốc đã từng giới thiệu về thế giới âm thanh trong phim. Những bước chân của con vật khi được quay cận cảnh luôn cần có thêm yếu tố tiếng động để tạo sự “đồng bộ hóa giác quan” cho người xem (theo lời của đạo diễn người Nga Sergei Eisenstein).
Điều bất ngờ là những nhà thiết kế âm thanh đã sử dụng… cải thảo để tạo ra thứ tiếng rùng rợn đó. Trong bộ phim The Host của Hàn Quốc, âm thanh lạ phát ra từ những chuyển động của con quái vật lại được tạo ra từ những nhánh cải thảo tươi mà chúng ta ăn hàng ngày.
Giải thích về sự sáng tạo này, chuyên gia tiếng động cho biết: “Trong phim có đoạn quay cận cảnh bước chân quái vật và lúc nhìn cảnh đó tôi bất chợt nghĩ nó giống như tiếng cải thảo nên tôi đã thử làm với món rau này. Quái vật cũng là sinh vật sống nên cảm nhận về lúc da thịt nó chuyển động giống như tiếng óc ách, lốp bốp của việc chà cải thảo”.
Cảnh quay ấn tượng trong Old Boy thành công nhờ vào cách tạo âm thanh sống động
Nhắc đến Old Boy hẳn chúng ta sẽ nhớ đến cảnh ăn bạch tuộc sống của nhân vật nam chính. Những âm thanh nghe đến sởn da gà của chi tiết này đã được các nhà làm phim Hàn Quốc xử trí rất sáng tạo.
Trong chương trình game show Strong Heart đã bật mí thủ thuật này, từ cách tạo ra tiếng xèo xèo của những miếng thịt ba chỉ nướng đến thủ thuật tạo âm thanh cảnh ăn bạch tuộc trong phim kinh dị. Chỉ cần rắc ít cát lên miếng giấy bóng bị vỡ, lấy khăn xoa lên mặt bàn là, người nghệ sỹ đã có thể tạo ra âm thanh cảnh nướng thịt nghe thật đến từng chi tiết.
Trong cảnh đấm bốc trên sàn thi đấu, người ta đeo một găng tay đấm bốc và đấm lên một miếng thịt lợn dày có tẩm nước. Âm thanh nghe sống động hơn cả thực tế.
Với cảnh tát vào mặt, thay vì việc tự tát vào má mình như cách làm của những người mới vào nghề, người ta đánh vào bắp chân sẽ có được tiếng đanh và mạnh hơn.
Giống như Việt Nam, các chuyên gia tiếng động Hàn Quốc cũng sử dụng những "đạo cụ" rất đơn giản để sáng tạo như thịt, rau, băng phim, quần áo, nước, sữa, bàn là... Những dải băng phim bỏ đi được dùng để tạo tiếng bước chân. Cần tây để tạo tiếng xương gãy. Những động tác đánh vào những bộ quần áo cũ sẽ làm nên tiếng chim bồ câu bay lên trời. Việc sử dụng găng tay cũng có thể tạo thành tiếng của những bước chân trong tuyết. Trong phim thường có những cảnh nóng hoặc cảnh hôn nhau, khi đó cũng cần tới hỗ trợ âm thanh hậu kỳ. Với cảnh hôn, chuyên gia tiếng động Hàn Quốc cần tới một ít sữa chua bôi lên da tay, sau đó tự mình hôn lên phần sữa chua đó.
Thủ thuật tạo tiếng động trong phim Hàn
Tại Nhật Bản, những bộ phim kinh dị được hỗ trợ bởi những công cụ đơn giản mà hiệu quả, tạo nên những âm thanh nghe lạnh gáy. Chỉ cần sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau để gõ lên đạo cụ chuyên dụng, người nghệ sỹ đã tạo nên những âm thanh khác biệt, rất ấn tượng.
Phim kinh dị Nhật cần tới hiệu quả quan trọng của âm thanh
Cách tạo tiếng động trong phim kinh dị Nhật Bản