Xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015: Thận trọng với… 16 nguyện vọng

Theo quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2015 vừa được Bộ GDĐT ban hành, sau khi dự thi kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh (TS) sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi.

Với mỗi giấy chứng nhận kết quả TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng (NV) vào 4 ngành hoặc nhóm ngành khác nhau của cùng một trường. Như vậy, mỗi TS có tới 16 cơ hội để có thể bước vào ngưỡng cửa các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng được 16 cơ hội này một cách tối ưu nhất?

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GDĐT khuyên, thí sinh phải nắm chắc các lưu ý về quy trình xét tuyển để không làm lãng phí các cơ hội trúng tuyển của mình. Cụ thể, khi xét tuyển NV1, TS có quyền lựa chọn và tích vào 4 ngành cùng một khối thi thuộc trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nếu không trúng tuyển ưu tiên 1, trường sẽ tự cập nhật dữ liệu xét tuyển từ 2 đến 4 ưu tiên xét tuyển tiếp theo, nếu TS không đỗ cả 4 ngành mới chính thức trượt NV1.

Chỉ khi trượt NV1 thí sinh mới được sử dụng 3 giấy chứng nhận kết quả còn lại để xét tuyển NV bổ sung trong các đợt tiếp theo. Tương tự như NV1, đối với mỗi giấy chứng nhận thí sinh được 4 ưu tiên xét tuyển tương ứng. “Đặc biệt lưu ý thí sinh không nên “tích bừa” vào những ngành mà mình không thích ở các ưu tiên trong NV1 vì nếu đã trúng tuyển NV1 thì thí sinh không được quyền đăng ký NV bổ sung” – ông Trinh nói.

Xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015: Thận trọng với… 16 nguyện vọng - 1

Ảnh minh họa

Ngoài việc lựa chọn NV theo sở thích, các chuyên gia giáo dục đặc biệt lưu ý thí sinh cần theo dõi và cập nhật thông tin xét tuyển thường xuyên trên trang web của các trường ĐH, CĐ để biết ngưỡng xét tuyển của các trường, lượng hồ sơ xét tuyển, thứ tự điểm từ cao xuống thấp tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh… để đoán được cơ hội trúng tuyển.

TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thì khuyên: “Trong quy chế có ghi sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển NV, TS không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký các đợt xét tuyển tiếp theo nhưng trên thực tế việc rút hồ sơ rất phức tạp, nhất là đối với những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Vì vậy, năm 2015 TS cần đặc biệt thận trọng trước khi đặt bút chọn các NV xét tuyển cho mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN