Xét tuyển ĐH, CĐ 2018: Thí sinh đổ xô vào khối ngành Kinh doanh

Kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH vừa qua, có khoảng 45% số thí sinh điều chỉnh lại nguyện vọng. Trong đó, khối ngành Kinh tế - cụ thể là ngành Kinh doanh và Quản lý có số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất tại kỳ tuyển sinh ĐH năm 2018.

Xét tuyển ĐH, CĐ 2018: Thí sinh đổ xô vào khối ngành Kinh doanh - 1

Năm 2018, khối ngành Kinh doanh và Quản lý được nhiều thí sinh đăng ký. Ảnh minh họa: Q.Anh

Ngành Kinh doanh có “tỷ lệ chọi” cao

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong những ngày qua, cả nước có 304.000/688.466 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ÐH, chiếm gần 45% thí sinh đăng ký xét tuyển trên phạm vi cả nước. Đáng chú ý, khối ngành Kinh doanh và Quản lý có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều nhất với 739.040 nguyện vọng (một thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng). Ngoài ra, mặc dù điểm sàn xét tuyển được nâng lên 17,0 điểm, song số nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm là 43.928 trong tổng số 125.269 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cho thấy sức hút của ngành đào tạo Sư phạm vẫn còn cao.

Chứng kiến hiện tượng đổ dồn vào khối ngành Kinh doanh và Quản lý, nhiều thí sinh lo lắng bởi số lượng lớn thí sinh đăng ký vào đồng nghĩa với điểm chuẩn sẽ cao hơn, cơ hội cạnh tranh quyết liệt hơn. Thí sinh Nguyễn Hoài Nam (ở Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng: “3 môn khối D của em được 22,0 điểm - số điểm không thực sự cao để tham gia vào xét tuyển vào trường đại học top trên. Em cảm thấy ngành Kinh doanh và Quản lý khá triển vọng nên đăng ký ngành này tại 3 trường đại học. Nhưng xem số liệu thống kê đăng ký rất lớn nên em cảm thấy khá lo lắng vì điểm của mình không thực sự cao”.

Trên thực tế, không chỉ mùa tuyển sinh năm nay thí sinh đổ dồn đăng ký vào các khối ngành Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng mà sức hút của các ngành này luôn dẫn đầu kỳ tuyển sinh đại học trong nhiều năm nay. Thậm chí, để đáp ứng nhu cầu của thí sinh, nhiều trường ĐH cũng “đua nhau” mở ngành đào tạo, dành nhiều chỉ tiêu đào tạo và coi đây là ngành mũi nhọn của trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, nguồn nhân lực khối ngành Kinh tế hiện nay đang bão hòa, học ngành Kinh tế sẽ phải cạnh tranh việc làm khi ra trường.

Giải thích lý do thí sinh vẫn dành sự quan tâm cho ngành đào tạo khối Kinh tế, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Mặc dù nguồn nhân lực này được đánh giá là bão hòa và dư thừa trong những năm gần đây do số sinh viên ra trường ngày một nhiều. Tuy nhiên, nhân lực khối ngành Kinh tế không dư thừa mà chỉ dư thừa nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu. Riêng nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu vẫn thiếu. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng tốt, nên trong những năm tới, sinh viên ra trường vẫn có triển vọng cơ hội nghề nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn luôn có chỗ đứng”.

Điểm chuẩn nhiều trường giảm nhẹ

Kết thúc thời hạn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, thời gian này các trường ĐH tổng hợp thống kê số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng để xác định điểm trúng tuyển năm nay. Mặc dù chưa công bố điểm chuẩn, song với mặt bằng điểm thi năm nay và dựa vào số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng, một số trường đại học đã đưa ra dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm nhẹ so với năm 2017. Năm nay, ĐH Y Hà Nội có tổng chỉ tiêu 1.120, trong đó ngành Y Đa khoa có chỉ tiêu là 500. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu điểm thi, ngưỡng điểm khối B thấp hơn năm 2017 và giảm điểm ưu tiên khu vực từ 0,5 xuống 0,25, Hội đồng tuyển sinh ĐH Y Hà Nội cho biết, điểm trúng tuyển năm nay của trường dự kiến thấp hơn năm ngoái 3 - 4 điểm.

Năm nay, ngưỡng điểm xét tuyển các ngành học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 3 mức, từ 15, 16 và 17,0 điểm tùy theo từng chương trình đào tạo và ngành học. Đại diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, dựa trên mặt bằng chung điểm thi năm nay, điểm chuẩn vào trường có thể giảm nhẹ (so với 2017) đối với một số ngành và chương trình đào tạo. Năm 2018, Trường ĐH Khoa học tự nhiên tuyển sinh 21 ngành với 26 chương trình đào tạo, 23 mã ngành khác nhau. Như vậy, tổng chỉ tiêu của trường là 1.430, phân bổ cho 21 ngành. Tương tự, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến, điểm chuẩn trúng tuyển của trường dự kiến giảm từ 1 đến 2, thậm chí 3 điểm (tùy ngành).

Liên quan tới công bố điểm chuẩn các trường khối công an, Bộ Công an đã vừa cảnh báo thông tin xuất hiện điểm chuẩn dự kiến của các trường khối Công an năm 2018 trên mạng xã hội là giả mạo. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các học viện, trường ĐH Công an nhân dân tổ chức xét tuyển, báo cáo cơ quan quản lý của Bộ và tổ chức công bố điểm trúng tuyển từ 3 - 5/8. Năm 2018, các học viện, trường ĐH Công an nhân dân công bố điểm sàn là 17,75 điểm. Trong đó, mỗi môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 5.0 điểm trở lên.

Theo Bộ GD&ĐT, ngày 6/8 các trường ĐH phải công bố kết quả xét tuyển thi THPT Quốc gia. Thí sinh xem kết quả xét tuyển qua website của các trường và chú ý các hướng dẫn về xác nhận nhập học, chỉ xác nhận nhập học khi chắc chắn muốn nhập học vào trường/ngành đã trúng tuyển.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng, các trường thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 từ ngày 3 - 5/8. Trước 17h ngày 6/8, các trường sẽ phải công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17h ngày 12/8 (tính theo dấu bưu điện), thí sinh phải làm thủ tục xác nhận nhập học đợt 1 cho các trường, nếu không sẽ bị coi như không trúng tuyển.

Tổ chức thi THPT Quốc gia thế nào mới hiệu quả?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) góp ý cho kỳ thi THPT Quốc gia sau vụ bê bối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN