Vụ gian lận thi cử Sơn La, Hà Giang: Cách hành xử của hai vị giám đốc Sở

Vụ bê bối gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình, Sơn La được phát hiện từ tháng 7/2018, đến nay đã cho những kết quả ngoài sức tưởng tượng.

Trong khi nhiều phó giám đốc Sở “nhúng chàm” thì những giám đốc sở, người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính về kỳ thi đến thời điểm này vẫn chưa rõ trách nhiệm liên quan. Khi sự việc xảy ra đến nay, mỗi người có những cách hành xử không giống nhau.

Vụ gian lận thi cử Sơn La, Hà Giang: Cách hành xử của hai vị giám đốc Sở - 1

PV làm việc với ông Vũ Văn Sử, khi đó là Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang: “Khi làm những việc không minh bạch bao giờ cũng phải rất tinh vi”

Trong khi ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La bị nghi vấn liên quan đến việc “chỉ đạo cấp dưới nâng điểm cho 8 trường hợp”, thì mới đây Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang có văn bản yêu cầu kiểm tra, xem xét trách nhiệm của ông Vũ Văn Sử, Nguyên giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang. 

Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi THPT Quốc gia 2018, trong đó nhiều người nhận ra sự bất thường khi cả nước có 76 thí sinh có điểm khối A1 trên 27 điểm thì riêng Hà Giang đã có 37 thí sinh (chiếm 48%).

Qua điện thoại, PV Tiền Phong liên hệ với ông Vũ Văn Sử khi đó là Giám đốc Sở GD&ĐT. Ông Sử bắt máy và trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi mới chỉ biết được thông tin điểm thi bất thường qua báo chí. Chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình”.

Ngày 12/7, trước sự phản ánh rầm rộ của báo chí về sự bất thường trong điểm thi ở Hà Giang, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Giang xác minh, làm rõ thông tin. Nghi vấn có sự bất thường, nhóm PV chúng tôi gấp rút lên đường, trong tay chỉ có một manh mối thông tin là có phụ huynh tố, nhiều học sinh học lực trung bình thậm chí kém nhưng điểm thi cao chót vót.

17 giờ 30 chiều ngày 13/7, nhóm PV báo có mặt ở trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, đúng lúc ông Vũ Văn Sử chuẩn bị lên xe ra ngoài. Khác với dự đoán, khi mọi việc chưa rõ ràng, thường người có trách nhiệm sẽ “né” báo chí, nhưng ông Sử đã cho tôi một cuộc hẹn 6 giờ sáng hôm sau sẽ trả lời mọi việc.

Cuộc gặp kéo dài khoảng 40 phút, ông Sử đã cởi mở chia sẻ thông tin về cách giải quyết sự việc trước mắt, sẽ rà soát lại các quy trình. Khi đó, ông cũng cho rằng, làm thi, phải đặt niềm tin vào cán bộ, nếu không tin tưởng, không giao nhiệm vụ. Ông cũng tự tin, “những gì cần làm chúng tôi đã làm” để tổ chức kỳ thi tốt nhất. Còn việc thí sinh thi thử điểm thấp, thi thật điểm cao đó là việc bình thường. Có một điều, ở thời điểm này, khi Bộ GD&ĐT cử đoàn công tác do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng về làm việc, vị giám đốc Sở đã linh cảm hay hiểu phần nào vấn đề, nên ông úp mở trả lời PV rằng: “Con người làm cụ thể còn có một góc khuất nào đó, còn gì đó mà chúng ta có thể khó biết vì khi làm những việc không minh bạch bao giờ cũng phải rất tinh vi. Con người có đủ các mối quan hệ xã hội đan xen giằng xé. Ở nhà anh có thể là người bố, người anh trong gia đình nhưng ra ngoài xã hội thì đầy đủ các mối quan hệ phức tạp”.

Những ngày tiếp theo ở Hà Giang, nhóm PV tiếp cận nhiều phụ huynh, thí sinh, trong đó có những em học giỏi, điểm thi chỉ dừng lại ở mức 24, cũng có những thí sinh được cho là năng lực “thường thường” có điểm thi lên trên con số 27. Sau đó, cơ quan điều tra công bố kết quả có 114 thí sinh được nâng điểm ở 330 bài thi, trong đó có thí sinh được nâng tới 29,95 điểm, gây chấn động dư luận.

Lúc này, trả lời báo chí, ông Sử một lần nữa khẳng định, bản thân rất “sốc” trước sự việc và ban giám đốc vô can. Ông phân trần: “Ban giám đốc sở có 4 người gồm ông và 2 phó giám đốc nằm trong hội đồng. Còn 1 người có con thi nên không tham gia làm thi. Chuyện tiêu cực, tôi và 2 phó giám đốc sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không”. Thời điểm đó, cơ quan chức năng mới chỉ khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng.

Tháng 6/2019, Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Giang thông tin, cơ quan An ninh điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 5 bị can liên quan vụ nâng điểm thi THPT quốc gia ở địa phương, trong đó có 2 Phó giám đốc Sở GD&ĐT. Cụ thể, gồm bà Triệu Thị Chính bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Theo điều tra, bà Chính với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng thi kiêm Trưởng ban chấm thi đã đưa danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng để nâng điểm môn Ngữ văn); Bị can Phạm Văn Khuông cũng bị truy tố Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Ông Khuông được cho là đã nhờ nâng điểm cho con trai với mức điểm 13,3 điểm.

Sự việc ngày càng rõ ràng, những người sai phạm liên quan đến vụ việc dần dần đưa ra ánh sáng. Dù đã nghỉ hưu sau bê bối thi cử, tuy nhiên cùng với việc Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang có văn bản yêu cầu kiểm tra, xem xét trách nhiệm của ông Vũ Văn Sử, Nguyên giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho thấy, người đứng đầu kỳ thi, khi xảy ra sự việc, trách nhiệm đến đâu chưa rõ nhưng không thể “hoàn toàn vô can” như lời ông trả lời trước đó.

Vụ gian lận thi cử Sơn La, Hà Giang: Cách hành xử của hai vị giám đốc Sở - 2

Ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La

Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La: kín tiếng

Sau khi gian lận thi ở Hà Giang bị phanh phui, dư luận hướng sự quan tâm tới Sơn La, nơi có những thí sinh có điểm thi bất thường. Ví dụ, học sinh chuyên Sử nhưng có điểm 9,10 môn Toán.

Khi đó, trả lời báo chí, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khẳng định: “Đơn vị tổ chức thi chặt chẽ, đúng quy trình. Thí sinh đạt điểm cao là sự nỗ lực của giáo viên, học sinh”.

Sơn La những ngày cuối tháng 7 “nóng” hơn bất kỳ mùa hè nào ở Hà Nội với những tòa nhà bê tông cốt thép. Hàng chục tờ báo cử PV “nằm vùng” để trực thông tin từ đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về đây để làm rõ thông tin dư luận đang quan tâm. Đi đến đâu, những câu chuyện, con ông A, ông B, ông C…lãnh đạo nơi này, đơn vị nọ điểm rất cao, “họ không phục”… được bàn tán xôn xao.

Để trả lời câu hỏi về sự bất thường đó, khi chưa có kết quả từ đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, PV đã nhiều lần liên hệ, gõ cửa Sở GD&ĐT địa phương cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La nhưng tất cả các cá nhân, tổ chức ở đây đều “đóng cửa”, không tiếp bất kỳ PV nào. Sau này, PV kể vui, ông Hoàng Tiến Đức phải cháy máy vì có không dưới 100 cuộc điện thoại, tin nhắn của vài chục tờ báo liên hệ làm việc mỗi ngày. Đương nhiên, ông Đức không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của PV. Điều lấy làm lạ là khi có kết quả gian lận thi chấn động được xác minh (44 thí sinh với 97 bài thi được sửa điểm, trong đó có thí sinh được nâng 26,55 điểm), lãnh đạo Bộ GD&ĐT trả lời báo chí ngay tại phòng họp của Sở GD&ĐT Sơn La nhưng ông giám đốc Sở cũng không xuất hiện.

Đến thời điểm này, cùng hàng loạt cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La bị  truy tố, mới đây, Uỷ ban kiểm tra T.Ư đã đề nghị Ban bí thư xem xét kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức, người chịu trách nhiệm liên quan đến gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Điều đáng nói, trong quá trình điều tra, ông Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT đã khai báo về việc, ông được ông Đức gọi vào phòng chỉ đạo nâng điểm cho 8 trường hợp. Sự việc chưa đi đến kết luận chính thức, tuy nhiên, ông Đức với vai trò là Phó trưởng ban thường trực chỉ đạo thi, Chủ tịch hội đồng thi,Trưởng ban coi thi, trưởng ban chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La thì ông là người chịu trách nhiệm chính về những gì xảy ra xung quanh kỳ thi năm trước ở địa phương. 

3 vụ gian lận thi cử công nghệ cao chấn động 2018: ”Đồ nghề” siêu nhỏ, nhắc bài 150 triệu đồng/lần

Cùng điểm lại những vụ gian lận thi cử đã khiến dư luận năm qua phải giật mình về quy mô cũng như mức độ chơi lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà ([Tên nguồn])
Gian lận thi cử ở Hà Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN