Tự chủ ĐH vẫn còn ngổn ngang sau 5 năm

Sự kiện: Giáo dục

Đã có 2 trường ĐH Việt Nam lọt vào top 1.000 trường ĐH thế giới, 84% sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng. Tuy nhiên, vấn đề tự chủ vẫn còn ngổn ngang trăm mối.

Tọa đàm trực tuyến "Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu" được Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 25-10 tại Hà Nội với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Phúc cùng đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, lãnh đạo nhiều trường ĐH.

Thay đổi qua 5 chỉ số

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo trung ương) - nhấn mạnh giáo dục ĐH đã có những thay đổi quan trọng thể hiện qua 5 chỉ số. Theo ông Hưng, trước khi thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta chưa có trường nào nằm trong top 1.000 trường ĐH trên thế giới. Sau 5 năm, chúng ta có 2 trường trong top 1.000 trường thế giới. Top các trường châu Á trước đây chỉ có từ 1-2 trường, đến nay lên 7 trường, ngoài ra còn rất nhiều trường trong top 400 - 300 châu Á. Một số ngành, lĩnh vực đào tạo đã so sánh được với các trường ĐH lớn trên thế giới và khu vực.

Tự chủ ĐH vẫn còn ngổn ngang sau 5 năm - 1

Thí sinh dự kỳ kiểm tra năng lực vào ĐHQG TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Chỉ số thứ hai, 84% sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng. Chỉ số thứ ba, số công trình nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế tăng gấp đôi. Chỉ số thứ tư là sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong các trường ĐH. Cuối cùng, chỉ số thứ năm - chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH được quản lý chặt chẽ hơn thông qua việc tiếp cận dần với chất lượng, tiêu chuẩn của quốc tế.

"Điều đáng phấn khởi là trước đây, chúng ta đánh giá một số trường ĐH dân lập hình như có mặc cảm là có chất lượng thì vừa rồi, một số trường ĐH theo kiểm định quốc tế được đánh giá là rất cao" - ông Hưng nói.

Vẫn loay hoay tự chủ tài chính

Theo các chuyên gia, tự chủ đang là nhu cầu tự thân của giáo dục ĐH, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định tự chủ ĐH là điều cốt lõi cho các cơ sở giáo dục phát triển. Theo ông Phúc, các trường ĐH cần sự tự chủ, chủ động để sáng tạo ra tri thức mới. "Việc tự chủ ĐH là nhu cầu rất quan trọng để phát triển" - ông Phúc nói.

Tuy nhiên, đến tận thời điểm này, mới chỉ có 23 trường ĐH công lập được tự chủ và việc thực hiện quyền tự chủ ĐH vẫn còn một số hạn chế, trong đó có sự chưa thống nhất trong quan niệm. Về phía cơ quan nhà nước, tự chủ ĐH hiện được tiếp cận từ góc độ tài chính, chủ yếu là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa chú trọng tới tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ cũng như các điều kiện khác.

Trong khi đó, các trường cho rằng tự chủ là quyền đương nhiên được hưởng mà không thấy rằng việc thực hiện tự chủ phụ thuộc vào năng lực thực hiện của đơn vị đáp ứng các tiêu chí định trước về chi phí và kết quả hoạt động.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - từng đưa ra nhận xét câu chuyện tự chủ đang đặt nặng tự chủ về tài chính và việc các trường lo được toàn bộ kinh phí mới được thí điểm giao quyền tự chủ cao là chưa hoàn toàn phù hợp.

Theo ông Thắng, những trường tự lo được kinh phí hiện nay chủ yếu là giảng dạy các ngành kinh tế, xã hội, nhân văn, kỹ thuật, công nghệ. Hầu hết trường trong số đó không phải đầu tư máy móc, phòng thí nghiệm nhiều và có nhiều ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao.

Ông Thắng cho rằng các trường cần thoát khỏi tư duy bao cấp, trông chờ quá nhiều vào ngân sách nhà nước để tránh làm mất đi tính năng động, chủ động, tự chủ. "Tôi cho rằng cần đổi mới cơ chế đầu tư. Nhà nước phải ra nhiệm vụ "đặt hàng" hoặc thậm chí các trường phải đấu thầu với nhà nước, nhận nhiệm vụ nào để có được kinh phí. Thậm chí ngay trong một trường, những ngành có nhu cầu xã hội cao sẽ không được nhận kinh phí" - ông Thắng nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề rất được quan tâm là tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc tăng học phí, làm mất đi cơ hội học tập của các sinh viên nghèo, TS Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng tăng học phí là chuyện các trường phải cân nhắc nhiều, không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng. PGS Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long, cũng nhấn mạnh nếu tăng phí thì người ta không học. Như vậy, giữa học phí và người học phải có sự cân đối.

Quy định tự chủ mở rộng hơn

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thừa nhận khi mới thực hiện tự chủ ĐH, vấn đề tài chính được nhấn mạnh nhiều. Nhưng sau khi triển khai trong thực tế, mặc dù tài chính là rất quan trọng nhưng bộ đã mở rộng hơn là tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, bộ máy, nghiên cứu khoa học... Điều 32 dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung đã quy định tự chủ ĐH gồm những nội dung gì và bao gồm cả trách nhiệm giải trình. Ngoài ra còn có những điều khác liên quan đến các vấn đề cụ thể; ví dụ như: tự chủ về chuyên môn học thuật, tuyển sinh, mã ngành, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế... Nội dung tự chủ nhân sự bộ máy, tự chủ tài chính, sử dụng tài sản đã quy định chi tiết hơn.

Tự chủ Đại học: Các trường sẽ giảm chỉ tiêu?

Nhiều sinh viên, phụ huynh lo lắng vấn đề tăng học phí khi hàng loạt trường đại học thực hiện tự chủ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN