Trường tốp giữa “hết cửa” bứt phá?
Năm nay, thí sinh sẽ được xét nguyện vọng từ cao xuống thấp mà không bị giới hạn nguyện vọng. Với tâm lý chọn trường theo số đông, thí sinh có khả năng sẽ chọn nhiều trường từ tốp trên đến tốp dưới, vì vậy sẽ tăng cơ hội cho thí sinh và các trường, nhưng lại làm giảm chất lượng đầu vào của trường tốp giữa và tốp dưới do không tuyển được thí sinh giỏi.
Trường tốp giữa hiếm thí sinh giỏi
Theo khảo sát của trưởng phòng đào tạo một trường đại học ở TPHCM, trong những năm gần đây (kể từ khi bắt đầu thay đổi quy chế xét tuyển ĐH- CĐ) lượng thí sinh giỏi của một số trường tốp giữa có xu hướng giảm.
“Dù chưa hẳn là đúng 100% nhưng lượng thí sinh giỏi này có thể được hiểu là điểm thi 3 môn đạt từ 24- 25 điểm trở lên (tức trung bình mỗi môn trên 8 điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia).
Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt mức điểm này vào trường tốp giữa ngày càng ít. “Ngay trường tôi, điểm thủ khoa trường, thủ khoa các ngành đầu vào 3 năm nay giảm xuống rõ rệt”, trưởng phòng đào tạo này nói.
Thực trạng này cũng diễn ra ở một số trường tốp giữa khác khi điểm thủ khoa đầu vào có xu hướng giảm. Quy chế năm nay khá thoáng theo các chuyên gia, một thí sinh có thể chọn giải pháp an toàn là chọn khoảng 3 trường tốp trên, 3 trường tốp giữa và 3 trường tốp dưới.
Qúa trình sàng lọc sẽ được thực hiện từ nguyện vọng cao xuống thấp nên hầu hết thí sinh điểm cao sẽ học trường tốp trên và điểm thấp học tốp dưới, dẫn đến quá trình học tập và nghiên cứu của các trường tốp dưới bị hạn chế, không có cơ hội bứt phá so với trước đây do không có nhiều học sinh giỏi.
Chọn trường phải phù hợp năng lực
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo sau đại học ĐHQG TPHCM cho rằng, dù tốp giữa nhưng có sức hút tốt thì các thí sinh, dù có năng lực tốt, vẫn chọn vào trường đó. “Nhưng vấn đề ở đây không phải do trường mà là do định hướng của thí sinh, nếu thí sinh có định hướng chọn trường phù hợp với khả năng thì họ sẽ không quan tâm là trường cao hay thấp mà sẽ quan tâm đến trường có phù hợp với năng lực hay không”, ông Chính nói.
Tuy nhiên, theo ông Chính, vẫn có nhiều thí sinh mong muốn vào trường lớn, có uy tín, đặc biệt khi được đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng như hiện nay. Khi đó, thí sinh sẽ không theo định hướng của họ mà theo định hướng chung của mọi người.
“Nếu thí sinh được hướng dẫn đúng thì sẽ chọn đúng ngành nghề của mình chứ không phải theo tâm lý số đông”- ông nói và cho biết, hiện vẫn còn nhiều thí sinh chưa hiểu rõ về mình và về trường dẫn đến chọn đại từ trên xuống dưới, chọn theo uy tín của trường.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, với cách tuyển sinh hiện nay thì các trường tốp giữa rất khó thu hút được thí sinh giỏi.
“Nếu muốn bứt phá, các trường phải tự mình thay đổi, có chiến lược hiệu quả, nâng cao chất lượng để thu hút được thí sinh giỏi”, ông Sơn lưu ý. Theo ông Sơn, các trường đại học đang theo 3 định hướng là nghiên cứu- ứng dụng và thực hành.
Tuy nhiên, sự định hướng này là chưa rõ ràng, cộng với đó là sự phân luồng hướng nghiệp với thí sinh chưa tốt nên kết quả chưa đạt được như ý muốn.