Trường ngoài công lập, đại học vùng "ngóng" thí sinh

Đa số các trường ngoài công lập đến thời điểm hiện tại chỉ nhận được khoảng 50% hồ sơ xét tuyển so với chỉ tiêu hiện có, ở nhiều trường thậm chí mới chỉ nhận được khoảng 10-20% chỉ tiêu.

Tại TP.HCM, ghi nhận đến ngày 19.8, ở khối các trường ngoài công lập chỉ duy nhất có Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM là nhận mức hồ sơ “khủng” so với chỉ tiêu. Cụ thể, đến thời điểm này trường nhận 5.266 hồ sơ (chỉ tiêu 2.500). Vì vậy, mức điểm trúng tuyển dự kiến của nhiều ngành vào trường khá cao như: Kinh doanh quốc tế 24,25; Kế toán 20,75; Quản trị Kinh doanh 22,5… riêng ngành Ngôn ngữ Anh lên tới 25,75 điểm.

Một số trường khác như ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Nguyễn Tất Thành… dù lượng hồ sơ chưa bằng với chỉ tiêu được giao nhưng cũng tuyển được khoảng 50-60% chỉ tiêu ở đợt này. Tại ĐH Hoa Sen, đến thời điểm hiện tại nhận khoảng 1.600 hồ sơ (chỉ tiêu 2.430). Tương tự, ĐH Công nghệ TP.HCM cũng nhận được khoảng 1.182 hồ sơ.

Tại ĐH Nguyễn Tất Thành, tính đến thời điểm này, lượng hồ sơ xét tuyển vào trường theo phương thức xét điểm kỳ thi THPT quốc gia là 1.300 hồ sơ và theo phương thức xét điểm học bạ là hơn 2.000 hồ sơ. Ông Nguyễn Bá Anh, cán bộ phòng tuyển sinh cho biết: Bình quân những ngày gần đây trường nhận khoảng 100 hồ sơ/ngày. Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 6.800 theo hai hình thức 50% chỉ tiêu cho phương thức điểm thi quốc gia và 50% chỉ tiêu cho phương thức học bạ. Hiện tại, điểm trúng tuyển dự kiến vào trường ngành Dược là 18 điểm trở lên và các ngành còn lại là 15 điểm trở lên.

Trường ngoài công lập, đại học vùng "ngóng" thí sinh - 1

Thí sinh nộp hồ sơ tại ĐH Nguyễn Tất Thành

Còn tại ĐH Văn Hiến, theo đại diện phòng đào tạo nhà trường, tình hình tuyển sinh năm nay khá khả quan so với mọi năm, những ngày cuối cùng thí sinh đến trường nộp khá đông…

Trong khi đó, khá nhiều trường lại rơi vào tình trạng tuyển sinh khó khăn ở nguyện vọng 1 đợt này. Tại ĐH Hồng Bàng, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 là 3.100 chỉ tiêu (ĐH: 2.400 và CĐ: 700) nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 303 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tương tự, ĐH Kinh tế Tài chính đến thời điểm hiện tại cũng chỉ nhận được khoảng hơn 350 hồ sơ/1.000 chỉ tiêu.

Ở các trường địa phương, tình hình xét tuyển cũng không mấy khả quan dù cơ hội trúng tuyển bằng điểm sàn là rất lớn. Tại ĐH Công nghệ Đồng Nai, tính đến thời điểm hiện tại trường nhận được khoàng 1.800 bộ hồ sơ ở cả hai hình thức xét tuyển là kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ. Theo ông Hoàng Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh nhà trường, thời điểm hiện tại, mỗi ngày trường nhận được khoảng gần trăm bộ hồ sơ, tình hình rút hồ sơ đến thời điểm này chỉ hơn chục bộ. Lý do là thí sinh đến nộp hồ sơ chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn 1, 2 điểm so với điểm sàn nên khó cạnh tranh vào các trường ĐH công lập khu vực TP.HCM. Dự kiến, trong đợt xét tuyển này trường sẽ nhận được khoảng 2.000 hồ sơ và nhập học được khoảng 60-70%.

“Chúng tôi sẽ dành 40% cho các đợt xét tuyển tiếp theo, thí sinh có mức điểm bằng với sàn hoặc nhỉnh hơn một chút sẽ có cơ hội trúng tuyển rất lớn vào trường”, ông Phúc cho biết thêm.

Tương tự, Trường ĐH Lạc Hồng năm nay có 2.280 chỉ tiêu, đến thời điểm hiện tại trường cũng nhận được 1.532 hồ sơ (xét tuyển theo điểm là 547 và xét tuyển học bạ là 985 hồ sơ). Theo ông Hồ Viễn Phương, đại diện phòng đào tạo nhà trường: Tình hình rút hồ sơ từ ngày đầu đến nay chỉ có 15 bộ, nguyên nhân là vì đa số các em nộp đều có mức điểm bằng sàn nên khó cạnh tranh ở các trường công lập và chỉ còn cơ hội ở những trường ngoài công lập.

“Tuy nhiên, với thế mạnh ở lĩnh vực Robocon trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế  nên những ngày này thí sinh đến trường tìm hiểu thông tin rất nhiều về các ngành đào tạo liên quan. Hơn nữa, khả năng bằng điểm sàn sẽ trúng tuyển vào trường là rất lớn”, ông Phương nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN