Thí sinh điểm cao “đổ bộ” vào trường top giữa

Chỉ còn 2 ngày nữa là kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1, nhiều thí sinh điểm cao đang 'tháo chạy' khỏi trường tốp trên vì bị “lọt” khỏi ngưỡng điểm an toàn. Trong khi đó nhiều trường tốp giữa lượng hồ sơ dù “chững lại” nhưng lại có sự “thay máu” bởi những thí sinh điểm cao.

“Sốc” vì điểm tăng từng ngày, từng giờ

Có mặt tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM từ lúc 8h sáng ngày 18.8 để rút hồ sơ, thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Mai (Tây Ninh) tỏ ra khá buồn bã, cho biết: "Sau khi cộng điểm ưu tiên, em chỉ được 16,75 điểm nên đã tự “lượng sức” mình và nộp vào ngành Quản trị Kinh doanh của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM từ ngày 3.8. Về quê em cũng chẳng có điều kiện thường xuyên cập nhật thông tin trên website của trường. Hôm 16.8, em mới ra internet coi thông tin thì tá hỏa khi thấy điểm ngành này lên tới 18 điểm".

Ngọc Mai tâm sự: “Dù được ghi tới 4 nguyện vọng nhưng em chỉ ghi 2 nguyện vọng trong phiếu xét tuyển, nguyện vọng 1 là vào ngành Quản trị kinh doanh, nguyện vọng 2 là vào ngành Tài chính ngân hàng. Bây giờ ngành Quản trị kinh doanh thì lên tới 18 điểm còn ngành Tài chính ngân hàng thì tới 17,25 điểm nên em rút hồ sơ”. Khi được hỏi em sẽ nộp vào trường nào, Mai rưng rưng nước mắt: “Nhiều tỉnh khác thì có trường ĐH, tỉnh em thì không có nên không thể về tỉnh học. Còn với mức điểm này thì cũng chẳng vô được trường công lập nào nữa, gia đình lại không có điều kiện để học trường ngoài công lập nên có lẽ em sẽ về quê và đợi sang năm”.

Thí sinh điểm cao “đổ bộ” vào trường top giữa - 1

Thí sinh đến rút hồ sơ tại ĐH Sư phạm TP.HCM

Trường hợp giống như Ngọc Mai không phải hiếm gặp sáng 18.8 tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Thí sinh Lê Anh Thư (Lâm Đồng), cho biết: “Cộng cả điểm ưu tiên khu vực (1,5 điểm) em được vừa tròn 17 điểm; bây giờ nhìn thấy bảng phân tích cơ hội trúng tuyển theo ngành mà trường đưa ra, các ngành kinh tế đều từ 17,25 đến 18 điểm em thấy mình đã hết cơ hội. Giờ chỉ còn 2 ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - Điện tử và ngành Công nghệ chế tạo máy là dưới 17 điểm nhưng em là con gái chẳng lẽ ứng tuyển ngành này…”.

Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Trong mấy ngày nay, lượng TS nộp vào trung bình khoảng 400 hồ sơ/ngày, lượng TS rút hồ sơ cũng tương đương. Đáng nói là trong số những TS nộp hồ sơ vào những ngày này đều có mức điểm từ 18-19 trở lên khiến mức điểm của trường ngày càng tăng lên.

“Chỉ sợ trong 2 ngày, nếu lượng thí sinh điểm cao tiếp tục đổ về thì điểm chuẩn sẽ càng cao hơn nữa. Tuy vậy, chúng tôi cũng sẽ cập nhật bảng phân tích cơ hội trúng tuyển thường xuyên trên website để TS căn cứ và rút hồ sơ nếu thấy khả năng trúng tuyển không cao”, ông Sơn nói.

Theo ghi nhận của Dân Việt, trong ngày 18.8, lượng TS có điểm cao nhưng không có khả năng trúng tuyển vào trường “top trên” đã đổ xô đi rút hồ sơ và tìm cơ hội ở các trường “top giữa” khiến cho cuộc đua ở các trường này thêm căng thẳng.

Tại ĐH Y Dược TP.HCM, sau khi trường này công bố điểm trúng tuyển tạm thời. PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, trong ngày 18.8 có khoảng 200 TS đến rút hồ sơ, những thí sinh này đếu có mức điểm khá cao nên chắc chắn sẽ có cơ hội ở những trường khác.

Tương tự, tại ĐH Sư phạm TP.HCM, sau khi công bố điểm trúng tuyển tạm thời, lượng thí sinh rút hồ sơ trung bình khoảng 500 hồ sơ/ngày. Theo ThS Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng đào tạo nhà trường: Hiện điểm xét tuyển tạm thời vào nhiều ngành đã tăng 2-3 điểm so với năm trước, trong đó ngành Sư phạm Toán đang có mức điểm cao nhất là 34 (đã nhân hệ số 2 môn Toán), bình quân mỗi môn phải đạt từ 8,5 điểm mới có cơ hội trúng tuyển. 5 ngành khác như Sư phạm Hóa học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Tiếng Anh, Ngữ văn và Địa lý, mỗi môn phải đạt từ 8 điểm trở lên mới có khả năng trúng tuyển.

Nhiều hồ sơ cũng… không vui

Dù hiện tại nhiều trường ĐH thuộc “top giữa” như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM; ĐH Mở TP.HCM… đang có sự “đổ bộ” mạnh của những TS có điểm cao nhưng theo đại diện nhiều trường thì tình hình này cũng không khiến các trường vui mừng nhiều.

Ông Nguyễn Đức Minh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, trường nhận gần 11 nghìn hồ sơ/8.000 chỉ tiêu, những ngày này trường đang căng mình để trả - nhận hồ sơ. Toàn bộ nhân sự của phòng tuyển sinh và đào tạo mấy ngày nay đều phải hoạt động hết công suất. Trong đó, 15 người chuyên nhập dữ liệu, 6 cán bộ nhận hồ sơ, một người trực điện thoại, trực online hỗ trợ tư vấn, cán bộ giảng viên các khoa và cả chục sinh viên tình nguyện hướng dẫn... nhưng vẫn không kịp tiến độ.

“Hiện tại, chúng tôi bố trí đội ngũ CB-GV và sinh viên tình nguyện để tư vấn cho thí sinh, nhằm lọc bớt những hồ sơ dưới mức điểm chuẩn tạm thời, tránh tình trạng thí sinh nộp vào rút ra”, ông Đức nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: "Đành rằng có thí sinh điểm cao nộp vào thì chúng tôi sẽ có được lượng học sinh khá, giỏi nhưng thực tế cũng chưa hẳn đã tốt. Nhiều em có điểm từ 20-23 nhưng không có khả năng trúng tuyển ở những trường lớn như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương… thì có thể các em sẽ nộp hồ sơ ở trường để giữ chỗ và sang năm sẽ thi lại. Như thế thà rằng cứ chỉ tuyển được các em khá thôi là cũng đủ…”.

Chia sẻ về tình trạng này, một CB của ĐHQG TP.HCM nói: “Bộ GD-ĐT nói kỳ thi quốc gia năm nay nhằm 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH-CĐ. Thực tế 2 nhiệm vụ này đều đã đạt được rồi, còn về việc thí sinh vào ĐH nào thì… mặc kệ”. Cũng theo vị này, cách làm như năm nay chỉ có những trường top trên là an tâm, còn những trường top giữa và top cuối thì sẽ vất vả không chỉ trong thời gian này mà kể cả sau khi nhập học rồi cũng sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh khó giải quyết nữa…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN