Trường ĐH Luật TP HCM trần tình về khoản thu cho lễ tốt nghiệp

Trong khi sinh viên phản ánh số tiền 1 triệu đồng tổ chức trao bằng cử nhân hệ chính quy năm 2016 là quá lớn, Trường ĐH Luật TP HCM cho rằng việc phản ứng là không đúng quy cách.

Trường ĐH Luật TP HCM trần tình về khoản thu cho lễ tốt nghiệp - 1

Thông báo ngày 13-9 về lễ tốt nghiệp năm 2016 của Trường ĐH Luật TP HCM

Ngày 13-9, Trường ĐH Luật TP HCM phát ra thông báo về việc tổ chức trao bằng cử nhân hệ chính quy khóa 36 và 37 năm 2016. Theo đó, kể từ năm 2016, nhà trường sẽ đổi mới việc trao bẳng cử nhân cho sinh viên hệ chính quy theo 2 hình thức: Trao trực tiếp tại trường và trao tại lễ khai giảng kết hợp lễ tốt nghiệp. Hình thức 2 được tổ chức tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng với chi phí 900.000 đồng/người cho sinh viên và thêm 100.000 đồng cho mỗi người thân.

Theo trường, kinh phí này bao gồm: 1 bộ lễ phục cử nhân, sinh viên được giữ lại sau khi kết thúc lễ, thuê mặt bằng tổ chức lễ; công tác tổ chức, 1 tấm ảnh cá nhân (20 cm x 30 cm) khi lên sân khấu nhận bằng.

Ngay sau khi thông báo được phát ra, nhiều sinh viên thể hiện quan điểm không đồng tình. Tại trang Confessions của Trường ĐH Luật TP HCM, một sinh viên viết: “Những quyết định được nhà trường đưa ra ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng nghìn sinh viên nhưng chúng ta không biết gì cả, không ai tham khảo qua ý kiến của chúng ta cả, đó là sự áp đặt vô lý. 4 năm chờ đợi trên ghế giảng đường và niềm hân hoan về lễ tốt nghiệp đã vụt tắt, đừng đổ tội cho đồng tiền chỉ là chúng ta vừa mới ra trường lại bị móc mất 1 triệu đồng”.

Một sinh viên khác tên T. H cho biết: “Cái mình thấy vô lý nhất là mỗi người thân đến tham dự đóng 100.000 (không hạn chế số lượng)”.

Trường ĐH Luật TP HCM trần tình về khoản thu cho lễ tốt nghiệp - 2

Sinh viên Trường ĐH Luật phản ứng về thông báo trên

Sáng 15-9, chúng tôi liên hệ với PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM. Bà cho biết nhiều năm nay, lễ tốt nghiệp được tổ chức trong hội trường của Trường ĐH Luật TP HCM với diện tích rất nhỏ. Cảnh tượng sinh viên ra vào như “chợ trời”, phụ huynh không được vào hoặc nếu vào mang theo con nhỏ, đồ ăn, khóc lóc… khiến ban giám hiệu rất bận lòng. Nhà trường cũng đã thử đưa ra nhiều phương án như giao về khoa, cuối cùng lại về cấp trường, lại khó khăn. Trong khi đó, nhiều sinh viên cũng đề nghị nhà trường xem xét khả năng tổ chức một lễ tốt nghiệp thật trang trọng, đúng tầm như 1 sự kiện. Tuy nhiên, muốn làm chuyên nghiệp thì phải đóng thêm tiền, vì với học phí 6 triệu đồng/SV hiện nay thì không thể tổ chức trang trọng tại một nơi khác.

“Do đó, chúng tôi ra thông báo ngày 13-9 nhằm thăm dò xem số lượng đăng ký của sinh viên như thế nào, nguyện vọng ra sao. Nếu sinh viên không muốn làm chúng tôi không có lý do nào bắt buộc các em”, bà Quỳ nói.

Bà Mai Hồng Quỳ nói thêm rằng nếu không đồng tình, sinh viên có thể phản ứng với phòng ban chức năng và hiệu trưởng. “Theo đúng luật, chúng tôi không có nghĩa vụ tổ chức lễ tốt nghiệp đối với sinh viên. Chúng tôi chỉ xem xét và cấp bằng. Còn cấp bằng với hình thức nào phải tùy thuộc vào điều kiện của nhà trường. Chúng tôi không nhận được ý kiến của sinh viên, trong khi các em phản ảnh lên báo chí là sai chỗ, sai luật. Chúng tôi sẽ kỷ luật một số sinh viên làm sai luật”, bà Quỳ nói.

Ngày 15-9, Trường ĐH Luật TP HCM cũng phát đi thông báo làm rõ thêm nội dung của thông báo về việc tổ chức trao bằng cho sinh viên khoá 36 và 37. Theo đó, Trường giải thích bản chất của thông báo ngày 13-9 là việc triển khai thăm dò ý kiến của sinh viên. Theo đại diện lãnh đạo Phòng Công tác Chính trị sinh viên từ ngày 13-9 đến hết ngày 16-9, nhà trường sẽ có tổng kết sơ bộ số lượng sinh viên đăng ký để quyết định 1 trong 2 phương án: Tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng hoặc cơ sở quận 4. Trong thời gian tổ chức đăng ký, nhà trường vẫn tiếp tục lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, cũng như các đề xuất của sinh viên thông qua các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể của nhà trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.Hoa (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN