Thư viện lạc hậu, SV “ếch ngồi đáy giếng”
Giảng viên từ chối thư viện vì ở đó không đáp ứng yêu cầu công việc nghiên cứu. Còn sinh viên đang rơi vào tình trạng chỉ biết một “khoảng trời con con" như "ếch ngồi đáy giếng”.
Vì không tiếp cận được kiến thức chuyên ngành cập nhật trên thế giới trong khi nhiều kiến thức trong giáo trình quá cũ.
Giảng viên không đến thư viện
“Thư viện ở Việt Nam tôi không bao giờ vào vì ở đó tôi không thể tìm thấy tài liệu mà mình cần.” – chị Thanh Hải, tiến sĩ 322 ở Pháp về ngành công nghệ hóa thực phẩm cho biết.
“Trong thư viện Việt Nam chủ yếu là một số giáo trình cơ bản cho các môn học. Các giáo trình này chỉ đáp ứng được yêu cầu học tập rất hạn chế của sinh viên…Các giảng viên như chúng tôi thường chẳng lên thư viện để làm gì cả”.- Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, chuyên ngành Sinh học bảo vệ ở ĐH Lund, Thụy Điển nói về thư viện ĐH nơi anh đang công tác.
SV Trường ĐH Khoa học xã hội& Nhân văn HN mượn sách tham khảo tại thư viện của trường. (Ảnh Văn Chung)
Nhiều giảng viên là tiến sỹ ở nước ngoài về đang công tác tại các trường ĐH lớn ở Hà Nội chia sẻ những điều tương tự. Họ cho biết, khi còn học ở các trường ĐH nước ngoài, thư viện là địa chỉ tốt nhất để tìm kiếm bất cứ tài liệu cần thiết nào trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại.
TS Nguyễn Đức Minh cho biết rõ hơn: “Chúng tôi cần chủ yếu là các bài báo khoa học- đây là các tài liệu cập nhật nhất trên thế giới. Hoặc thậm chí là các quyển sách vừa mới xuất bản. Đối với chúng tôi việc tìm kiếm các tài liệu này là rất quan trọng bởi vì chúng cho chúng tôi biết các thông tin về sự phát triển của khoa học trên thế giới, qua nó chúng tôi biết mình đang ở đâu và mình nên làm gì, mình nên dạy những điều gì, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và học tập như thế nào. Tuy nhiên những thông tin này không có trong thư viện của Việt Nam. Thậm chí các bài báo bằng tiếng Việt của các tạp chí trong nước cũng rất khó kiếm ở trong thư viện ĐH Việt.”
Trở về nước, nhờ có vốn ngoại ngữ tốt nên việc tìm đọc tài liệu mới nhất từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên thế giới của các TS không khó khăn. Hoặc các anh có thể nhờ đến các kênh khác chuyển tạp chí, sách báo từ nước ngoài về.
Trải qua môi trường học tập thế giới, anh Minh và nhiều tiến sỹ so sánh: “Các trường ĐH nước ngoài đóng vai trò là các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy lớn. Trong khi đó các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay chỉ đóng vai trò là giảng dạy. Chính bởi vậy sự đầu tư cho trang thiết bị và thư viện là khác hẳn nhau.
Tìm kiếm các nguồn tài liệu mới nhất và đề tài nghiên cứu khoa học là công việc sống còn đối với các giảng viên ở ĐH nước ngoài và nếu không có đề tài, không tìm được nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học, họ có thể bị mất việc.
Còn ở Việt Nam, có những giảng viên có thể không có đề tài nghiên cứu trong một vài năm vẫn không ảnh hưởng gì, họ vẫn đi làm và kiếm sống bình thường.
Chưa kể đến, không phải giảng viên nào cũng thành thạo ngoại ngữ, thậm chí là cử nhân mới tốt nghiệp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng định hướng cho sinh viên tiếp cận kiến thức hiện đại.
Một vị Phó khoa thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn Hà Nội cho biết: “Nhu cầu sách chuyên ngành, nâng cao đa phần chúng tôi tự xoay xở, bỏ tiền mua những tài liệu có khi chỉ nước ngoài có, giá thành không hề rẻ. Thư viện nhà trường chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ đối với các giảng viên”.
Sinh viên chỉ biết một “khoảng trời con con”
Cùng với việc “câm và điếc”, thậm chí là “mù” về ngoại ngữ, việc “chung thân” với giáo trình tiếng Việt là điều tất yếu đối với một số lượng rất lớn sinh viên Việt Nam.
Chẳng hạn, gần đây, nhu cầu tư vấn tâm lý trong xã hôi tăng cao, đòi hỏi chuyên ngành tâm lý lâm sàng đáp ứng nhưng hầu hết những kiến thức sinh viên tâm lý được học vẫn là sản phẩm kế thừa từ những tài liệu dịch cũ của Nga cách đây hàng nửa thế kỷ. Trong khi đó, những kiến thức cần thiết cho một tư vấn viên có thể áp dụng trong thực tế hiện nay lại chủ yếu dựa trên tâm lý học hành vi của Mỹ hay phân tâm học, trường phái hiện sinh của Châu Âu.
Gần như những trung tâm thư viện của các ĐH không có bóng dáng của những giảng viên, cán bộ trong trường tới nghiên cứu tài liệu. (Ảnh: Văn Chung)
Và những tài liệu tiếng Việt mà sinh viên học bị chính giảng viên chê vì không tốt hoặc quá lạc hậu.
Theo Phương Nga, thạc sỹ ở Pháp về tâm lý học lâm sàng thì khi về nước, nguồn tài liệu chị dùng trong công việc và hợp tác nghiên cứu đều là tài liệu nước ngoài, trong đó chủ yếu từ Mỹ.
Anh Minh Hà, một tiến sỹ ở Bỉ về ngành Toán ứng dụng cho hay: “Sách tiếng Việt thì không dùng được cho những nghiên cứu vì chỉ đáp ứng được ở mức khái niệm hoặc kiến thức cơ bản, còn để đi làm thực sự trong những doanh nghiệp hoặc công ty nước ngoài thì phải học thêm từ sách tiếng Anh.”
Anh Hà còn cho biết thêm: “Sách tiếng Việt thì không thể đọc được, vì luôn tìm thấy một cuốn tiếng Anh nội dung tương tự nhưng đầy đủ và tốt hơn rất nhiều.”
Thử lướt qua các bài báo quốc tế của tác giả Việt Nam được chọn đăng, hầu như không có một sách tham khảo nào của tác giả Việt Nam.”
Vì vậy, theo nhiều giảng viên, không tiếp cận được với nguồn tài liệu nước ngoài là một thiệt thòi lớn của sinh viên Việt, khiến họ không định vị được những gì mình được học đang đứng ở đâu trong sự phát triển của chuyên ngành. Thậm chí, hầu hết sinh viên chưa bao giờ đặt ra câu hỏi đó vì thói quen giáo trình tức là kiến thức chuẩn, là bất biến, là đáp ứng các kỳ thi. Những tài liệu nước ngoài ít ỏi trong thư viện vì thế cũng đành chờ thời gian phủ bụi.
Đây cũng chính là lý do mà chị Thanh Hải, tiến sỹ 322 ở Pháp ngành hóa thực phẩm đã rời bỏ trường ĐH khi những nỗ lực của chị để hiện đại hóa thư viện, đổi mới cách học cho sinh viên không thực hiện được.
Chị Hải chia sẻ: “Sinh viên rất thiệt thòi vì không có ai hướng dẫn các em tiếp cận kho tàng kiến thức khổng lồ và cập nhật hàng ngày trên thế giới. Trong khi đó, không ít những điều các em học có từ 20-30 năm trước đã trở thành lạc hậu. Nếu giảng viên có tâm, họ sẽ giúp sinh viên mở ra kiến thức hiện đại nhưng nếu chỉ là những người dạy hết giáo trình thì sinh viên mãi chỉ là ếch ngồi đáy giếng.”
Một sinh viên năm 4, khoa Báo chí, HV Báo chí-TT chia sẻ: “Thực tế em chủ yếu lên thư viện để đọc báo. Nhưng số lượng báo cập nhật không được bao nhiêu nên thi thoảng mới lên. Sách giáo trình ai nhanh thì mượn được vì số lượng cũng có hạn. Sách tham khảo thì đâu có mấy và toàn sách kiểu “mọc râu” thôi”.
Một năm SV này cho biết chỉ lên thư viện từ 2-3 lần để đọc báo. Một SV khác cho biết: “Thấy một bạn lên thì lên theo phong trào, lên để thăm thư viện thôi chứ biết có thể làm gì. Mùa thi muốn lên thư viện để học nhưng trên này đông, SV bàn bạc nhau, người nằm ngủ, người làm việc riêng mình cũng chủ động học ở nhà”.
Điều này còn đáng ngại hơn rất nhiều đối với ĐH ở các vùng xa trung tâm, điều kiện về giảng viên và thư viện còn muôn vàn hạn chế.