Thi tốt nghiệp THPT 2021: Vẫn thi trên giấy

Sự kiện: Giáo dục

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến giáo dục ĐH với những đề xuất định hướng tuyển sinh giai đoạn 2021-2025.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2021-2025 bảo đảm phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung thế giới về phát triển giáo dục ĐH. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như 2020. Tiếp tục tổ chức thi THPT trên giấy, từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về tuyển sinh ĐH, CĐ, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhiều hình thức, nhiều nguyện vọng. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, đối với các trường tổ chức thi riêng, cần tổ chức theo hình thức thi đánh giá năng lực hoặc thi năng khiếu kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT trên tinh thần gọn nhẹ, một đến hai môn. Hoặc tổ chức thi theo nhóm trường trong một buổi thi, tạo thuận lợi, tiết kiệm cho thí sinh. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng cho rằng cần tiến tới hình thành các tổ chức/trung tâm khảo thí độc lập, ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các lần thi…

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị giáo dục ĐH

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị giáo dục ĐH

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo nhiều trường ĐH ủng hộ phương án thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng có ít nhất 50% chỉ tiêu của các trường dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chứng tỏ đây vẫn là kỳ thi quan trọng với tuyển sinh của các trường, đỡ tốn kém và vất vả cho cả thí sinh và nhà trường. Vì thế ông đề nghị giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020.

Cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT chính là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh, PGS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đề xuất đề thi có tính phân loại cao hơn. Ông Chương cũng đề nghị các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tiến tới thi trên máy tính, cũng như xây dựng các trung tâm khảo thí uy tín để các trường căn cứ kết quả tuyển sinh.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, nhìn nhận phương án tuyển sinh 2021 là ổn định, đặc biệt là sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Theo bà Thủy, Trường ĐH Ngoại thương dành 50% chỉ tiêu cho phương thức này. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tiến tới cần có trung tâm khảo thí độc lập. Việc này giúp các trường xét tuyển nhiều đợt trong năm như các nước trên thế giới đã làm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH.

"Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại TPHCM dự kiến tuyển sinh ngành báo chí

Ngày 12/12, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) công bố Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021. Theo đó, trường này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN