Thí sinh loay hoay trước “ma trận” điểm sàn

Hàng loạt trường ĐH top trên chỉ lấy điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng ngưỡng của Bộ GDĐT khiến nhiều thí sinh không khỏi lúng túng trong việc phán đoán khả năng trúng tuyển.

Thí sinh loay hoay trước “ma trận” điểm sàn - 1

Huỳnh Thị Mỹ Tiên (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho hay em đang rất bối rối không biết nên điều chỉnh nguyện vọng thế nào để tăng thêm cơ hội đỗ đại học. Em thi khối D được 19,5 điểm, trước đó đã đăng ký 6 nguyện vọng thuộc các nhóm ngành trường khác nhau.

Mỹ Tiên cho biết: “Em đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Hàn quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn. Trường lấy điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn, nhưng điểm của em còn thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái nên muốn điều chỉnh nguyện vọng, nhưng thực sự bối rối không biết chọn trường nào, sắp xếp thứ tự ưu tiên như thế nào cho phù hợp ngành mình đã định hướng và điểm cạnh tranh được với các thí sinh khác. Nhiều bạn bè của em cũng có chung tâm trạng, càng hoang mang hơn khi thấy các trường đồng loạt công bố điểm nhận hồ sơ chỉ bằng  ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ“.

Thí sinh này cho biết kỳ thi THPT năm nay có hàng chục ngàn thí sinh có điểm thi 19-20 nên rất áp lực khi điều chỉnh ngành và thăm dò dữ liệu điểm thi để tính toán kỹ, đưa quyết định điều chỉnh nguyện vọng.

Có chung tâm trạng, thí sinh Nguyễn Công Huỳnh cho biết, em chỉ được 19 điểm, thích học ngoại ngữ nhưng không biết với mức điểm đó nên chọn ngành nào, trường nào cho dễ trúng vì hầu hết các trường đều lấy ngưỡng xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GDĐT.

Theo công bố của các trường, hiện hàng loạt trường đại học top trên như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Y Hà Nội, ĐH Hà Nội… thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 điểm, trong khi đó điểm chuẩn vào các trường này năm 2016 đều trên 20 điểm, những ngành hot lên đến 27 điểm.

Các trường khối công an cũng công bố ngưỡng sàn chung là 15,5 điểm, trong đó các môn ở tổ hợp xét tuyển không dưới 5 điểm. Điểm chuẩn năm 2016 của trường khối công an đều ở mức 25 điểm trở lên, thậm chí với nữ là 29 điểm.

Các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng… đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng 18 điểm, nhưng mức điểm này vẫn thấp hơn mức điểm chuẩn hàng năm của trường khoảng 4 điểm. Trong khi phổ điểm năm nay cao hơn mọi năm, đồng nghĩa với việc điểm chuẩn cũng sẽ cao hơn.

Việc các trường top trên công bố điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GDĐT được xem là giải pháp an toàn để đảm bảo đủ chỉ tiêu nhưng theo các chuyên gia tuyển sinh, việc này có thể gây khó cho thí sinh trong việc đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, trường đã bố trí hai đường dây nóng để trả lời các thắc mắc của thí sinh và bố trí giảng viên để tiếp thí sinh, phụ huynh đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh và hướng dẫn cách điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời cũng khuyên thí sinh cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ vì các em chỉ được điều chỉnh 1 lần duy nhất.

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 70.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Trước tình trạng nhiều trường cào bằng mức điểm nhận hồ sơ như hiện nay, theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh chỉ nên xem điểm nhận hồ sơ là điều kiện cần, quan trọng là phải so sánh điểm của mình với điểm chuẩn các năm trước của ngành, trường đó.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cũng khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Với những trường top đầu, số điểm trúng tuyển năm nay có thể sẽ nhích lên do kỳ thi năm 2017 có nhiều em đạt điểm cao, các trường top giữa và top dưới, dự báo điểm chuẩn không chênh lệch so với năm 2016. 

Xét tuyển đại học 2017-2018: Được 27 điểm vẫn có thể bị trượt

Những thí sinh được điểm cao ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017 năm nay là ứng viên nặng ký vào các trường đại học. Tuy nhiên,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN