Thanh tra vụ “ém” tiền tỷ của giáo viên nghèo

Các giáo viên vùng sâu ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bức xúc vì chưa được thanh toán chế độ tiền trợ cấp.

Thanh tra vụ “ém” tiền tỷ của giáo viên nghèo - 1

Trụ sở Phòng Giáo dục huyện Ia Grai.

Các giáo viên vùng sâu ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đang rất bức xúc vì nhiều năm nay chưa được thanh toán chế độ tiền trợ cấp cũng như nhiều khoản khác.  

Theo Quyết định số 116 của Thủ tướng Chính phủ, những giáo viên khi về nhận công tác ở các xã đặc biệt khó khăn sẽ nhận được trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương tối thiểu. Thời gian nhận chế độ phải được thực hiện ngay khi có quyết định công tác. Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, xã biên giới huyện Ia Grai, có 93 giáo viên về nhận công tác từ năm 2012 đến nay vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp.

Cô giáo L.T.T.H, Trường THCS Phan Đình Phùng, huyện Ia Grai bức xúc: “Phòng bảo là nữ thì 3 năm, nam thì 5 năm, nói chung Phòng nói nhiều lý do lắm. Cũng có nhiều trường hợp khác chưa được nhận, không riêng gì tôi. Lên Phòng thì họ cũng hứa hẹn nhưng đến giờ vẫn chưa được cấp”.

Không chỉ tiền trợ cấp một lần mà ngay các khoản như tiền tăng giờ học kỳ 2 năm học 2014-2015, tiền tập huấn từ năm 2014, tiền hỗ trợ vé tàu xe cho các cán bộ viên chức năm 2015 đến nay vẫn chưa được thanh toán. Đặc biệt, mỗi năm kinh phí chi hoạt động thường xuyên cấp cho một giáo viên khoảng 15 triệu đồng, thế nhưng Phòng GD&ĐT huyện Ia Grai chỉ chi cho các trường hơn 3 triệu đồng/người/năm.

Dư luận đặt ra câu hỏi, vậy số tiền còn lại đang ở đâu? Ông Phạm Ngọc Hiệp, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia Grai giải thích: “Khoản tiền 15 triệu đồng đó là dùng để thuê giáo viên hợp đồng và trả cho giảng dạy thêm lớp. Trả hết xong xuôi toàn bộ, còn lại giáo viên mới được hưởng. Và khoản dạy thêm giờ vẫn nợ giáo viên chưa cấp, còn 40 trường chưa cấp. Như vậy, nếu căng ra đưa vào khoản chi khác hết, coi như trả lương hợp đồng không có, trả cho dạy thêm lớp cũng không có” (?!)

Tiền giáo viên bị “ém” lại, những khoản chi mập mờ không rõ ràng đã làm cho hàng trăm giáo viên ở vùng sâu đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Một giáo viên ở xã Ia Chía than thở: “Vùng sâu vùng xa vốn dĩ đã thiếu thốn đủ điều. Giá cả đắt đỏ gấp hai ba lần ở dưới xuôi nên chi tiêu tăng vọt, giáo viên đợi tiền hỗ trợ một lần nhưng đợi mãi vẫn không thấy”.

Trong khi đó ông Bùi Đức Chinh, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Ia Grai cho biết, hằng năm, ngành Giáo dục huyện Ia Grai được cấp kinh phí hoạt động bình quân hơn 170 tỷ đồng, ngoài ra có các khoản chi để phục vụ các công việc đột xuất. “Từ năm 2012 đến nay, ngân sách hàng năm được giao về Phòng đều đã chi đủ, giao đủ và có chứng từ rõ ràng. Trong khoản này có gần 1 tỷ đồng tiền trợ cấp một lần cho giáo viên”, ông Chinh khẳng định.

Về số tiền hơn 7 tỷ đồng chi tăng giờ học kỳ 2 cho giáo viên trong năm học 2014-2015, ông Chinh cũng khẳng định đã giao đủ cho Phòng Giáo dục: “Ngoài tiền chi thường xuyên hơn 170 tỉ đồng hàng năm, Phòng Giáo dục được chi trên dưới 7 tỷ đồng kinh phí đột xuất nhưng không hiểu bên đó quyết toán như thế nào mà luôn kêu thiếu”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Lê Ngọc Quý, hiện thanh tra đang vào cuộc, sau khi có kết quả chính thức, huyện sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm. “Hồ sơ chứng từ mà Phòng Tài chính kế hoạch cung cấp rất rõ ràng, trong khi phía Phòng GD&ĐT thì có dấu hiệu “ém” tiền của giáo viên. Huyện cũng sẽ làm rõ tại sao các trường có kế toán mà Phòng Giáo dục huyện lại “ôm” quản lý”, ông Quý nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tạ Vĩnh Yên (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN