Tăng cụm thi, chấm thi nhanh hơn

Dự báo số thí sinh trung bình của một cụm thi ĐH chỉ dao động ở mức 10.000, số ít cụm thi có thể lên đến trên dưới 15.000. Điều này giúp cho việc tổ chức thi, coi thi thuận lợi hơn và chấm thi nhanh hơn

Hôm 16-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố danh sách 120 cụm thi THPT quốc gia, gồm 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi tốt nghiệp (TN). Con số này nằm trong dự báo căn cứ trên tình hình thực tế của kỳ thi THPT quốc 2015 (xem Báo Người Lao Động số ra ngày 4-2).

Thí sinh không phải di chuyển xa

Như vậy, so với kỳ thi năm 2015 chỉ có 99 cụm, số cụm thi năm nay tăng thêm 21. Tuy nhiên, cấu trúc của các cụm thi cũng đã thay đổi khá nhiều. Trong đó, vai trò chủ trì của các trường ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 tăng lên đáng kể khi số lượng trường ĐH được điều động đến chủ trì cụm thi ĐH ngoài địa bàn của trường đã tăng từ 1 lên 38.

Tăng cụm thi, chấm thi nhanh hơn - 1

Giáo viên nhận bài chấm thi tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM năm 2015 Ảnh: TẤN THẠNH

Ở chiều ngược lại, từ 3 địa phương không tổ chức cụm thi liên tỉnh năm 2015, số tỉnh, thành không tổ chức cụm thi TN năm 2016 đã tăng lên 14, tập trung hầu hết ở phía Nam (5/6 tỉnh Đông Nam Bộ và 4/13 tỉnh, thành ĐBSCL).

Sự giao thoa giữa cụm thi ĐH và cụm thi TN chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể nếu thực hiện đúng chỉ đạo phải tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại những cụm thi TN, đồng thời phải tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc các sở GD-ĐT tham gia chấm thi tại những cụm thi ĐH. Điều này được thể hiện qua việc tất cả 50 cụm thi TN đều có sự tham gia phối hợp của các trường ĐH, CĐ.

Các trường CĐ cũng được giao nhiệm vụ tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2016 cao hơn nhiều so với năm 2015. Có đến 57 trường CĐ được huy động tham gia công tác tổ chức thi, coi thi tại các cụm thi ĐH lẫn TN.

Không chỉ tạo điều kiện cho thí sinh không phải di chuyển quá xa nơi cư trú, việc đưa những cụm thi ĐH về phủ kín các tỉnh, thành năm 2016 (từ 38 lên 70 cụm) còn có một số tác động. Trước hết, về mặt kỹ thuật là quy mô số lượng thí sinh của từng cụm thi sẽ giảm đáng kể. Quy mô bình quân mỗi cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì ở năm 2015 là 20.000 thí sinh, chỉ 2 cụm có số thí sinh dưới 10.000 và có 4 cụm thi có trên 30.000 thí sinh.

Cụm thi sẽ công bố kết quả sớm hơn

Năm 2015, theo quy định, các cụm thi không được phép công bố điểm thi mà do Bộ GD-ĐT công bố. Tuy nhiên, năm 2016, theo quy chế, các hội đồng thi được phép công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu về Bộ GD-ĐT và hoàn thành việc đối chiếu dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD-ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại hội đồng thi.

Do vậy, có thể năm nay, thời gian công bố điểm thi sẽ sớm hơn để kịp ngày 1-8, học sinh bắt đầu làm hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hơn nữa, việc công bố kết quả không nhất thiết phải cùng một thời điểm như năm 2015, tránh được tình trạng “nghẽn mạng”, thậm chí là “sập mạng”, gây bức xúc cho thí sinh vì không xem được kết quả thi của mình.

Hy vọng với những điều chỉnh và đổi mới trong tổ chức cụm thi, độ vênh giữa các cụm thi ĐH và cụm thi TN (tỉ lệ đạt TN THPT, độ tin cậy của kết quả thi, tính nghiêm túc trong tổ chức và coi thi, chấm thi...) sẽ thu hẹp dần. Từ đó, ở một thời điểm không xa, kết quả điểm thi của thí sinh ở 2 cụm thi này được công nhận tương đương nhau khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Tăng cụm thi, chấm thi nhanh hơn - 2

(*) Các tỉnh, thành phố không tổ chức cụm thi TN năm 2016 là: TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, An Giang, Cà Mau.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN