Tái diễn đủ loại tiền trường
Nhà trường cho biết mức thu chung được thực hiện theo Thông tư 29/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ giáo dục.
Một số phụ huynh cho rằng việc dồn dập quá nhiều khoản tiền đầu năm học gây khó khăn cho họ. (Ảnh chụp ngày 29-8) - Ảnh: HTD
Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, một số phụ huynh (PH) có con học tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) cho biết năm nay nhà trường bắt học sinh mở thẻ học đường liên kết với một ngân hàng, với hạn mức thấu chi qua thẻ là 10 triệu đồng. Các PH cho rằng việc mở thẻ này là không cần thiết.
Nhà trường còn thu nhiều khoản phí như quỹ PH trường là 300.000 đồng/PH, quỹ lớp từ 300.000 đến 500.000 đồng/PH. Ngoài ra, trường còn thu phí sửa chữa nhà vệ sinh 450.000 đồng/học sinh/năm… Các PH cho rằng mới đầu năm học mà thu như thế là cao trong khi không có sự thỏa thuận hay lấy ý kiến PH.
Thẻ học đường là theo chỉ đạo
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết việc mở thẻ học đường (SSC) là trường làm theo văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh. Năm học trước TP có 12 trường thực hiện, năm nay có 24 trường, trong đó có Trường Trưng Vương. Khi triển khai, họ đề nghị 100% học sinh mở thẻ nên trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thông báo rõ đến các PH.
“Có thể PH thắc mắc con số 10 triệu đồng vì tưởng rằng họ phải đóng từng đó tiền vào thẻ nhưng thực ra đây là số tiền phía ngân hàng hỗ trợ cho PH tạm ứng khi đến thời điểm đóng tiền mà chưa có tiền, sau đó PH sẽ trả lại” - bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, khi kích hoạt thẻ thì sáu tháng sau sẽ bắt đầu tính phí sử dụng là 5.000 đồng/tháng. Từ năm học sau sẽ tính thêm phí dịch vụ tăng thêm (sử dụng dịch vụ tiện ích như học online, đọc sách, mua sắm...) là 20.000 đồng/tháng.
Hơn 1,5 tỉ đồng cải tạo nhà vệ sinh
Về các khoản thu trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) của Trường THPT Trưng Vương, cho biết trường thu quỹ PH trường là 300.000 đồng/năm/em từ nhiều năm nay. Sau khi họp thống nhất giữa trưởng ban đại diện các lớp vào ngày 12-8 vừa qua thì vẫn thống nhất giữ mức cũ là 300.000 đồng. Những em có hoàn cảnh khó khăn thì trường sẽ không thu và PH không nhất thiết phải đóng từ đầu năm học.
Theo bà Hương, thông thường trường có gần 2.000 học sinh nhưng hầu như không năm nào thu hết được tất cả. Như năm học 2015-2016 chỉ có 86% PH đóng, tức hơn 500 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng chủ yếu cho khen thưởng học sinh 40%, hỗ trợ dạy và học cho thầy cô (20%), hỗ trợ về cơ sở vật chất (25%), tăng cường giáo dục (10%).
Về quỹ lớp, bà Hương cho hay quỹ lớp do PH mỗi lớp tự thỏa thuận và thống nhất, mức thu cao hay thấp tùy vào nhu cầu cho các hoạt động của lớp. Chẳng hạn như phôtô tài liệu, mua quà sinh nhật, mua đồ phục vụ ngoại khóa, quà cho giáo viên ngày 20-11...
Riêng tiền sửa chữa nhà vệ sinh, bà Hương cho biết nhà vệ sinh của trường đã quá cũ, tường bong tróc, các phòng đều sử dụng được nhưng rất hôi thối nên ban đại diện CMHS muốn thực hiện công trình “cải tạo nâng cấp nội thất các nhà vệ sinh”. Công trình này có diện tích 320 m2 thuộc bốn tầng, gồm 45 phòng vệ sinh, 20 bồn tiểu nam, tám phòng thay đồ, bốn phòng tắm để phục vụ cho 45 lớp. Công trình thi công sẽ tháo dỡ toàn bộ hiện trạng cũ, thay mới toàn bộ hệ thống cấp thoát nước và tất cả trang thiết bị trong nhà vệ sinh. Tổng kinh phí hơn 1,56 tỉ đồng và do Ban quản lý đầu tư dự án của Sở GD&ĐT TP thẩm định giám sát thực hiện.
Số tiền này sẽ chi trả trong hai năm, mức thu trung bình mỗi lớp là 20 triệu đồng/năm. Theo đó, dựa trên tổng số tiền, nhà trường tính toán mỗi khối lớp sẽ có mức đóng khác nhau tùy theo thời gian còn học tại trường. Cụ thể như lớp 12 chỉ còn học trong năm nay nên chỉ đóng 50% là 10 triệu đồng; lớp 11 năm học này đóng 100% và đóng 50% ở năm tiếp theo; lớp 10 sẽ đóng trọn 100% cho cả hai năm. Riêng lớp 10 mới của năm học sau chỉ đóng 100% của năm học đầu tiên, còn năm học tiếp theo có thể đóng để có nguồn tu bổ những hư hỏng. Như vậy, với lớp đóng 100% như lớp 10 và 11, mỗi lớp có 45 em thì mỗi em sẽ đóng gần 450.000 đồng/năm.
Theo bà Hương, trường mới bắt đầu thu từ ngày 21-8 vừa qua, sau khi họp với PH toàn trường.
“Đây chỉ là mức thu trung bình chia theo đầu người trên tổng mức đầu tư nhưng sẽ tùy theo điều kiện mỗi người để có mức đóng cao thấp khác nhau và đóng bất kỳ thời gian nào chứ không nhất thiết phải đầu năm học. Ai khó khăn có thể đóng ít hơn hoặc không đồng thuận thì có thể không đóng. Số còn thiếu sau hai năm thu sẽ do nhà trường bù vào” - bà Hương giải thích.
Thông tư 29 có thể gây hiểu nhầm Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT về điều lệ ban đại diện CMHS không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho CMHS nhưng tại sao trường vẫn thu khoản này? Hiệu trưởng Trương Thị Bích Thủy cho biết mức thu chung đã được trường thực hiện từ nhiều năm nay theo Thông tư 29/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ giáo dục từ tiếp nhận, đề ra định mức và thu chi theo đề xuất và đóng góp của PH. Ban đại diện họp và thống nhất. Nhà trường sẽ tiếp nhận và chi theo đúng đề xuất của ban đại diện CMHS. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng nhà trường đã vận dụng hoặc hiểu sai Thông tư 29. Khái niệm tài trợ quy định tại thông tư này được hiểu là nguồn tài trợ tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật của các công ty, doanh nghiệp. Việc nhà trường huy động tiền cơ sở vật chất từ CMHS mà không nói rõ là vận động tài trợ tự nguyện sẽ dẫn đến hiểu lầm từ các PH. ____________________________________ Về các khoản thu trong nhà trường đầu năm học phải được thông báo và niêm yết công khai và có căn cứ pháp lý. Việc thu các khoản trong nhà trường phải thực hiện theo đúng quy định, không thu gộp, tập trung vào một thời điểm, nhất là đầu năm học… (Hướng dẫn một số hoạt động đầu năm học và chuẩn bị vào năm học mới 2016-2017 của Sở GD&ĐT TP.HCM) |