Số liệu trong SGK địa lí lạc hậu 10 năm: Giáo viên kêu trời, bó tay

Từ giải thích của tổ ra đề thi tham khảo môn Địa lí kỳ thi THPT quốc gia 2017, PV Tiền Phong đã tìm hiểu sách giáo khoa (SGK) Địa lí lớp 12 và Atlat Địa lí Việt Nam.

Kết quả cho thấy dù đang là năm 2017 nhưng học sinh vẫn học những số liệu liên quan kinh tế, đời sống xã hội cập nhật từ năm 2005 hoặc 2007. Giáo viên dạy Địa lí cũng đang kêu trời vì không biết phải giải thích với học sinh thế nào.

Số liệu trong SGK địa lí lạc hậu 10 năm: Giáo viên kêu trời, bó tay - 1

SGK Địa lí và Atlat Địa lí Việt Nam học sinh lớp 12 đang học. Ảnh: Nghiêm Huê.

SGK môn Địa lí lớp 12, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành  tháng 8/2016 và vẫn được tiếp tục bán phục vụ học sinh cho năm học mới 2017-2018, tất cả các số liệu liên quan đến kinh tế, đời sống xã hội của Việt Nam đều được cập nhật đến năm 2005, 2006. Atlat có thức thời hơn khi cập nhật đến năm 2007. Tức là các số liệu đều cập nhật cách đây trên 10 năm.

Ví dụ, dân số Việt Nam được SGK môn Địa lí cập nhật trong bài Địa lí dân cư trang 67 là năm 2006 với trên 84 triệu dân. Nhưng cơ cấu dân số lại lấy số liệu năm 2005. Cơ cấu lao động có việc làm cũng được cập nhật năm 2005.

Thậm chí, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta được cập nhật đến năm 2004 là tỷ lệ nghèo chung 19.5%. Trong khi đó, từ năm 2011 đến nay, tiêu chuẩn hộ nghèo đã được Chính phủ thay đổi tới hai lần. Không những thế, năm 2016, 2017 nhưng học sinh vẫn phải học mục tiêu trồng rừng của Việt Nam đến năm 2010 phải đạt bao nhiêu!

Đặc biệt, trong Atlat Địa lí Việt Nam, dù được NXB Giáo dục Việt Nam in xong và nộp lưu chiểu tháng 3/2016 nhưng nhiều nhà máy thủy điện của Việt Nam đã hòa vào lưới điện quốc gia nhưng trên bản đồ vẫn là “đang xây dựng” như Nhà máy thủy điện Rào Quán, Bản Vẽ, Cửa Đạt... Trong đó, Nhà máy thủy điện Rào Quán đã hoàn thành 8 năm nay nhưng trong  sách dạy cho học sinh vẫn trong tình trạng “đang xây dựng”.

Học sinh thiếu kiến thức thực tế vì SGK

Là giáo viên dạy Địa lí hơn 10 năm nay, cô N.T.T, đang giảng dạy tại một trường THPT của Hà Nội cho biết, đúng là phần lớn số liệu trong SGK Địa lí cập nhật năm 2005, còn trong Atlat Địa lí Việt Nam thì cập nhật được đến năm 2007. Do đó, khi dạy, giáo viên phải tự cập nhật số liệu cho học sinh.

“Nhưng số liệu giáo viên tự cập nhật không chính thống nên rất khó khăn. Ví dụ vấn đề kinh tế, số liệu trong SGK cho học sinh vẫn là 2005, cách nhau 12 năm, số liệu đã quá lạc hậu, không phản ánh đúng tình hình thực tế của đất nước” - cô N.T.T  nói.  Theo cô T., giáo dục của chúng ta vẫn còn thêm một bất cập khác đó là giáo viên, học sinh phải dạy và học theo SGK.

Dữ liệu cập nhật lạc hậu được tính bằng thập kỷ. Chính vì vậy, học sinh thiếu thực tế. “Học sinh không nhìn thấy được những điều phát triển hiện nay của đất nước - cô T. cho hay. Cô T. cũng cho biết giáo viên vẫn phải dựa vào SGK để dạy vì đó là tài liệu chính thống và đi thi cũng chỉ lấy từ SGK. Tuy nhiên, khi dạy, giáo viên nào năng động thì tự cập nhật dữ liệu cho học sinh để tham khảo.

Còn theo một chuyên gia về môn Địa lý, SGK môn Địa có nhiều thông tin lạc hậu. Bản thân ông cũng đã từng kiến nghị đến NXB Giáo dục để sửa nhưng đến giờ, vẫn thế.

Chính vì vậy, năm học 2017-2018 sắp tới, rất có thể, những học sinh đầu tiên của thế hệ 20x vào lớp 12 sẽ vẫn tiếp tục được học những số liệu được công bố cách năm họ sinh ra 5 - 7 năm. Còn cô N.T.T bày tỏ mong muốn trong chương trình mới sắp tới, Bộ GD&ĐT nên có thêm nội dung cập nhật kiến thức hằng năm cho học sinh.

“Tôi nghĩ, việc này không khó, không ảnh hưởng đến quy định chung của Chương trình. Bộ GD&ĐT có thể làm công việc lấy các số liệu thống kê hằng năm về kinh tế xã hội từ Tổng cục Thống kê hoặc qua các bộ, ngành. Sau đó tập hợp lại thành một bản mềm, gửi cho các Sở GD&ĐT, các Sở GD&ĐT gửi cho giáo viên để họ cập nhật lại cho học sinh của mình. Như thế, học sinh sẽ luôn được cập nhật nguồn tư liệu chính thống, nhanh, phản ánh đúng đời sống xã hội” - cô T. đề xuất.

Chiều 14/5, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi thử THPT quốc gia 2017. Đây được coi là tài liệu tham khảo quan trọng để thí sinh, phụ huynh biết được đề thi sẽ sử dụng trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới như thế nào, cách bố trí các câu hỏi khó dễ ra sao.

Ngay sau đó, nhiều giáo viên đã lên tiếng chỉ ra những sai sót trong đề thi địa lý, hóa học. Tổ ra đề thi đã biện bạch rằng, những căn cứ ra đề được lấy từ sách giáo khoa Địa lí lớp 12 và Atlat Địa lí Việt Nam.

Đề thi tham khảo thi THPT quốc gia: Dữ liệu lạc hậu, đánh đố học sinh

Chiều 17/5, Tổ ra đề thi tham khảo môn Địa lý và Ban xây dựng ngân hàng thi chuẩn hóa Bộ GD&ĐT đã có văn bản chính thức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN