Sẽ có thêm những “học vị lạ”?

Vừa qua, Bộ GDĐT đã chính thức ra quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo thuộc 71 trường đại học (ĐH). Lý do các ngành bị dừng tuyển sinh là không đáp ứng đủ điều kiện tại Khoản 1, Điều 7 của Thông tư 08 quy định.

Cụ thể: Ngành đào tạo ĐH phải có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ.

Quyết định này là đúng đắn, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục, vẫn có nhiều ngành lẽ ra Bộ nên “mềm dẻo” hơn bởi đó không chỉ là những ngành đặc thù, không thể áp dụng “tiêu chuẩn khung” một cách máy móc như những ngành đào tạo khác, mà đặc biệt hơn, đó còn là những ngành đang rất “khát” nhân lực, buộc phải khuyến khích người học.

Chẳng hạn, những ngành như Sư phạm Âm nhạc của Nhạc viện TP.HCM; Sư phạm Mỹ thuật, Thanh nhạc của ĐH Sài Gòn… đều đang rất cần nhân lực là lực lượng giáo viên giảng dạy ở bậc phổ thông, nếu cấm tuyển sinh thì nhu cầu trong vài năm nữa sẽ ra sao? Chẳng lẽ bỏ luôn môn học âm nhạc hay hội họa ở bậc phổ thông vì không có giáo viên? Hoặc như ngành Điêu khắc của ĐH Mỹ thuật TP.HCM; Quản lý hoạt động bay của Học viện Hàng không… cũng là những ngành không thể không tuyển để đáp ứng nhu cầu nhưng trong thời điểm hiện tại thì tìm đâu ra những giảng viên có học vị “tiến sĩ điêu khắc”; “tiến sĩ hoạt động bay”…?

Sẽ có thêm những “học vị lạ”? - 1

Ngành Sư phạm Mỹ thuật đang rất cần nhân lực, nếu cấm tuyển sinh thì
nhu cầu trong vài năm nữa sẽ ra sao?

Cá biệt hơn, ngành Hán nôm của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM hay ngành Hải dương học của ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đều là những ngành đào tạo đang mang “sứ mạng chính trị” của các trường, bởi lẽ: Nếu cấm tuyển sinh thì tương lai liệu có đủ nhân lực tham gia nghiên cứu? Đó là chưa kể việc bổ sung tiến sĩ các ngành này trong một vài năm tới là cực kỳ khó khăn, bởi biết đi đâu để đào tạo Hán nôm trình độ tiến sĩ?

Ở các ngành thuộc khối văn hóa nghệ thuật, việc quy định phải có giảng viên trình độ tiến sĩ để làm cơ sở cho phép tuyển sinh và đào tạo lại càng vô lý hơn. Bởi nếu các trường có ý định tuyển những người có trình độ tiến sĩ như trong các ngành như “quay phim”; “nhiếp ảnh”; “múa”; “phê bình múa”… thì chắc chắn việc đó còn khó hơn lên trời.

Chưa biết với quyết định này, chất lượng nguồn nhân lực những ngành đặc thù, ngành nghệ thuật trong vài năm tới sẽ phát triển đến đâu. Nhưng biết đâu trong vài năm tới, ngành giáo dục sẽ có thêm nhiều “học vị lạ” như: “Tiến sĩ điêu khắc”, “tiến sĩ múa”…?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Hải (Dân Việt)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN