Sách tham khảo: Vừa loạn, vừa... buồn cười

Ví dụ, phần trả lời cho một câu hỏi trong sach tham khảo có ghi: “Đồng bằng sông Hồng không có các nhà máy thủy điện vì... thiếu lao động”. Quả là hết sức vô lý và buồn cười.

Đầu năm học mới, thị trường sách tham khảo (STK) khá nhộn nhịp, với hàng trăm đầu sách nhưng sách có chất lượng không nhiều.

Tại hiệu sách Trần Quốc Tuấn và Thành Nghĩa (TP. Quảng Ngãi), riêng bộ môn ngữ văn, đếm sơ sơ được trên 100 đầu STK các loại. Nhưng với các em học sinh, phụ huynh, chắc chắn việc lựa chọn mua STK không phải là dễ.

Sách tham khảo: Vừa loạn, vừa... buồn cười - 1
Phụ huynh hoa mắt chọn sách cho con (ảnh minh họa).

Theo thống kê sơ bộ, bậc THPT đứng đầu về số lượng STK với khoảng trên 400 đầu sách khác nhau, tiếp đến là bậc THCS với gần 200 đầu sách, bậc tiểu học hơn 100 đầu sách... Mẫu mã STK phong phú, tuy nhiên nội dung hầu như chỉ là các bài tập trùng lặp, có sẵn trong SGK, không có bài phát triển tư duy.

Đáng lo ngại hơn, không ít STK về chất lượng biên soạn chưa đảm bảo, hiện tượng câu chữ, diễn đạt lủng củng, tối nghĩa, lỗi câu... nhiều vô kể. Có khi còn sai sót cả về kiến thức. Cuốn Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn địa lý lớp 9 do tác giả Phạm Thị Sen (chủ biên) có nhiều chi tiết sai.

Phần trả lời cho câu hỏi số 5 (trang 60) ghi: “Đồng bằng sông Hồng không có các nhà máy thủy điện vì thiếu lao động” là hết sức vô lý và buồn cười. Đúng ra câu trả lời phải là: “...vì không có nguồn thủy năng”.

Khi yêu cầu học sinh nêu thứ tự các bộ phận của vùng biển nước ta tính từ bờ biển, nhóm biên soạn đưa ra đáp án (trang 105) là “lãnh hải, nội thủy, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế”. Đáp án như thế là sai. Căn cứ Tuyên bố ngày 12.5.1977 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, khi cắt ngang một vùng biển theo hướng từ đất liền ra biển thì thứ tự là: Đất liền - nội thủy – lãnh hải - vùng tiếp giáp lãnh hải - vùng đặc quyền kinh tế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Tấn Ngọc (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN