Sách giáo khoa mới có giảm tải?

Sự kiện: Giáo dục

Chiều 19-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Bộ GD & ĐT cho biết, dự kiến đến tháng 4-2018 sẽ ban hành chương trình chính thức, sau đó mới tiến hành viết sách giáo khoa (SGK).

Tích hợp để giảm tải

Vấn đề được báo giới quan tâm, đó là nội dung môn học mới có giảm tải, khắc phục được sự quá tải trong chương trình hiện hành hay không? 

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết: Về giảm tải có nhiều cách như sách sẽ giảm bớt các kiến thức khó, lắt léo, có tính đánh đố học sinh chủ yếu phục vụ mục đích thi cử. 

Ví dụ, bớt một số nội dung không cần thiết ở môn Toán (bỏ số phức...); tổ chức lại nội dung của môn Lịch sử (trước là nội dung đồng tâm, giờ ở tiểu học sẽ là ký ức lịch sử, đến cấp THPT sẽ dạy theo chủ đề); tích hợp các môn học mới dựa trên những điểm chung. Vậy sự quá tải do đâu? 

Sách giáo khoa mới có giảm tải? - 1

Nội dung SGK mới sẽ chú trọng phát triển các năng lực của người học

Theo GS Thuyết, do cả chương trình, SGK và do cả cách dạy, vì vậy sắp tới, Bộ GD& ĐT sẽ tập huấn cho cả người viết sách. Sắp tới sẽ có một chương trình, nhiều bộ SGK, các bộ sách quá tải hay không quá tải cũng là yếu tố để cạnh tranh. Theo GS Thuyết, thành viên Ban soạn thảo hoàn toàn có quyền viết sách, bởi họ hiểu rất sâu chương trình, và "không xung đột lợi ích".

Chương trình GDPT mới và SGK mới được coi là một cuộc cách mạng, tuy nhiên, đội ngũ và cơ sở vật chất sẽ được chuẩn bị như thế nào? Bộ đã tổ chức rà soát, khảo sát hai điều kiện quan trọng này ra sao? Tổng chủ biên Chương trình cho hay, đây là nhiệm vụ quan trọng, Cục cơ sở vật chất được Bộ giao nhiệm vụ thống kê lại tại các địa phương. 

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt, chỉ cần đảm bảo các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày có thể đảm bảo cho học sinh học 6 buổi/tuần là được. Hiện có khoảng 80% trường tiểu học học 2 buổi/ngày. 

Mặt khác, yêu cầu các địa phương đảm bảo thực hiện Điều lệ trường học với sĩ số ở cấp tiểu học là 35 học sinh/lớp; THCS là 45 HS/lớp. Trong mỗi chương trình đều có quy định, định hướng chung về thiết bị dạy học. Từ 2 năm nay, Bộ GD&ĐT đã giao Cục cơ sở vật chất khảo sát cơ sở vật chất các địa phương. 

Mới đây, Bộ tổ chức Hội nghị với các Sở GD&ĐT và đã giao nhiệm vụ này cho các Sở. Ban soạn thảo chương trình cũng đi thực tế ở 6 tỉnh thành, phát phiếu hỏi, phỏng vấn sâu giáo viên, nhà quản lý nhằm chuẩn bị những công việc cần thiết cho chương trình GDPT mới. 

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, về thi THPT quốc gia, từ nay đến 2020, vẫn giữ ổn định như hiện nay. Từ 2021 trở đi, đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo hướng đánh giá năng lực thông qua Trung tâm đo lường, kiểm định chất lượng giáo dục.

Sẽ lược bỏ nhiều kiến thức lắt léo và đánh đố

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về sự thay đổi của các môn học so với SGK hiện hành, đại diện ban soạn thảo chương trình tiếng Anh cho biết: Chương trình Tiếng Anh mới có kế thừa những điểm tích cực mà Đề án 2020 đã đạt được. 

Đơn cử như việc giữ số lượng tiết học ở các cấp như trung bình 4 tiết/tuần ở cấp tiểu học, 3 tiết/tuần ở cấp THCS và THPT, chuẩn năng lực được dựa trên chuẩn và khung trình độ châu Âu. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng có nhiều điểm cải tiến như nhấn mạnh tính mở nhằm tạo điều kiện cho các tác giả viết SGK hướng tới việc một chương trình, nhiều bộ SGK. 

Với môn Toán, PGS.TS Hà Tuấn Đạt, thành viên Ban soạn thảo chương trình nhấn mạnh: “Chương trình môn Toán mới không chú trọng những bài tập lắt léo, chỉ phục vụ cho mục tiêu thi cử mà hướng tới phát triển năng lực của người học, giúp người học kiến tạo nên kiến thức của mình”. 

Liên quan đến đổi mới trong chương trình môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Ban soạn thảo chương trình môn Ngữ văn cho biết: Chương trình môn Ngữ văn mới mở rộng cho giáo viên tự chủ động lựa chọn tác phẩm, tự sáng tạo. Tuy nhiên, do chương trình mở nên việc kiểm tra, đánh giá cũng cần phải thay đổi theo hướng căn cứ vào yêu cầu cần đạt chứ không căn cứ vào SGK. 

“Giáo viên có thể thấy tác phẩm hay, sẽ dạy nhưng người ra đề có thể chọn văn bản ngoài SGK để kiểm tra bởi việc kiểm tra, đánh giá ở đây sẽ không còn nặng về kiến thức, mà xem xét khả năng vận dụng của học sinh từ những lý thuyết đã được học để giải quyết các vấn đề trong môn học”.

Lý giải vì sao dự thảo CT mới lại tích hợp môn Lịch sử và Địa lý ở bậc THCS, PGS.TS Phạm Hồng Tung cho biết: Việc tích hợp Lịch sử và Địa lý có nguyên nhân nằm trong căn cốt khoa học của hai môn này. Thực tiễn cho thấy, không gian địa lý nào cũng liên quan trực tiếp đến con người, việc tích hợp giúp học sinh hình thành tư duy liên ngành. 

Cũng theo ông Tung, một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh chán môn Lịch sử là do cách dạy đi vào tiểu tiết với các số liệu hoặc áp đặt hoặc truyền tải kiến thức một chiều. Điều này sẽ được khắc phục trong CT mới bằng 3 biện pháp, dạy môn Lịch sử với đúng vai trò của một môn khoa học và giúp học sinh biết được học Lịch sử để vận dụng vào đâu và có thể làm gì.

Trước băn khoăn về việc dạy các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong CT mới liệu có dẫn đến việc “lạm thu” trong nhà trường, PGS.TS Đặng Thị Kim Hoa cho biết: Đây là hoạt động bắt buộc từ lớp 1 đến 12 nên kinh phí vẫn được đầu tư cho nhà trường. 

Tuy nhiên, do các hoạt động trải nghiệm sáng tạo vừa nằm trong và ngoài nhà trường, do vậy có những hoạt động các em phải tự bỏ ra kinh phí, nhà trường phải làm tốt công tác xã hội hóa. Tất nhiên, hoạt động xã hội hóa này cần được các trường công bố rõ ràng, minh bạch mới thực sự hiệu quả.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì đặc biệt?

Chiều 19/1, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo chương trình môn học mới từ cấp tiểu học đến THPT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Phương - Huyền Thanh (Công An Nhân Dân)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN