Phương án thay thế điểm sàn chưa “đột phá”
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, phương án thay thế điểm sàn Bộ GD-ĐT vừa công bố không mới, chưa “đột phá”. Bộ chỉ cần xác định một mức điểm sàn thấp nhất thí sinh phải đạt được.
Ngày 6/5, Bộ GD-ĐT công bố phương án thay thế điểm sàn trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014. Theo đó, đối với các trường, các ngành không quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là các mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi.
Căn cứ vào kết quả thi đại học, cao đẳng của thí sinh trong cả nước, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tạo xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.
Đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường.
Nội dung không mới
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc cho biết, những năm trước, kỳ thi đại học, cao đẳng Bộ GD-ĐT thường đưa ra một mức điểm sàn dựa trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh và điểm của thí sinh. Căn cứ vào đó, trường đại học đưa ra mức điểm chuẩn cho từng cho ngành trong việc tuyển sinh.
Tuy nhiên, năm nay trong phương án thay thế điểm sàn Bộ công bố, cụm từ “điểm sàn” không còn được nhắc tới. Phương án Bộ vừa đưa ra không có gì mới so với kỳ thi của những năm trước. Việc Bộ xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi thực chất không khác gì điểm sàn cũ đã áp dụng nhiều năm nay.
Thí sinh dự thi kỳ thi đại học năm 2013
GS Hạc cho biết thêm, việc công bố nhiều mức xét tuyển cho từng khối thi không có tác động lớn tới các trường đại học, cao đẳng. Bởi theo ông điểm chính trong trong mỗi kỳ tuyển sinh phải là nghiêm túc, khách quan. Các trường có thể coi yếu tố này như là một tiêu chí lựa chọn học sinh vào trường.
Theo GS Hạc, trong phương án thay thế điểm sàn đã đưa ra được các tiêu chí để xét vào trường cao đẳng, đại học theo hướng đảm bảo chất lượng đào tạo. Trước đây, yếu tố này không được Bộ chú trọng nhiều nhưng nay chú ý tới thì đây được coi là một điểm mới và được hoan nghênh.
“Cũng trong phương án thay thế điểm sàn, Bộ yêu cầu các trường phải công khai tới toàn xã hội môn thi chính được nhân hệ số 2 trước ngày 20/5. Việc làm này tốt và tránh được tình trạng nhiều trường làm “bừa” trong kỳ thi tuyển sinh”, GS Hạc nói.
Chỉ cần một mức điểm tối thiểu
Phó GS Lê Hữu Lập, Phó GĐ Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho hay, phương án thay thế điểm sàn chỉ tác động nhỏ đến các trường đại học tốp dưới. Còn việc Bộ xem xét sẽ có 3 hay 4 mức điểm xét tuyển sàn không ảnh hưởng đến trường đại học tốp trên.
Trong phương án thay thế điểm sàn có nêu, đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường.
Ông Lập nêu, những năm trước trường Đại học Thăng Long đã từng áp dụng việc nhân đôi môn thi chính. Tuy nhiên, nếu như nhiều trường áp dụng đại trà, một môn thi chính nào đó nhân đôi thì khâu xét tuyển sẽ phức tạp hơn. Bởi một ngành có nhiều khối thi và khối thi có nhiều ngành. Và nếu áp dụng, nhiều trường sẽ phải cân nhắc kỹ trong quá trình tuyển sinh.
“Tôi thấy cái quan trọng nhất là Bộ xác định một mức điểm sàn thấp nhất thí sinh phải đạt được. Như vậy, nhà trường cũng thuận lợi hơn trong tuyển sinh”, PGS Lập chia sẻ.