Ôn thi đại học cấp tốc: Lãng phí thời gian, tiền bạc
Trước hiện tượng thí sinh đổ dồn đến các “lò” luyện thi đại học cấp tốc, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, thi đại học cần sự nỗ lực của nhiều năm học hành chăm chỉ, do đó, với những thí sinh bị “hổng” kiến thức thì việc ôn thi cấp tốc chỉ mất thời gian, tốn tiền của gia đình.
Không tin vào quảng cáo
Những năm gần đây, kỳ thi đại học “3 chung” đã giảm đáng kể tình trạng ôn thi cấp tốc trước thời điểm cận kề ngày thi. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thí sinh, nhất là các thí sinh có học lực yếu đến các “lò” luyện thi cấp tốc để mong “vá” kiến thức đã hổng và một phần cũng tin theo lời quảng cáo hấp dẫn của các “lò”.
Đánh giá về hoạt động ôn thi và các lò luyện thi đại học cấp tốc hiện nay, PGS Văn Như Cương – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, phần lớn các “lò” luyện thi cấp tốc hiện nay đều có mục đích kinh doanh, do vậy các “lò” sẽ sử dụng nhiều cách quảng cáo để hút người học. Chất lượng của các “lò” luyện thi cũng rất bát nháo, mỗi nơi mỗi kiểu. Do vậy, thí sinh và người nhà cần cảnh giác với những “chiêu” quảng cáo, mời mọc của các “lò” luyện.
“Kiến thức phải được đầu tư trong suốt quá trình học, rèn luyện liên tục chứ không thể trong thời gian ngắn có thể thay đổi được. Để thi đỗ đại học, cao đẳng, các thí sinh cần nắm vững kiến thức, ôn luyện nội dung chương trình sách giáo khoa và tham khảo thêm các bài tập nâng cao kiến thức về khối thi mà mình đăng ký dự thi. Thí sinh chỉ cần ôn tập trong sách giáo khoa, tham khảo các bài tập khó, hỏi thêm thầy cô, bạn bè… Cách tốt nhất là 3 - 5 em lập thành một nhóm cùng học ôn. Nếu nội dung nào chưa hiểu thì nhờ thầy cô dạy lớp 12 giải đáp”, PGS Văn Như Cương đưa ra lời khuyên.
Nhiều ý kiến cho rằng, ôn thi đại học cấp tốc trong giai đoạn nước rút là không hiệu quả. Ảnh: Q.Huy
Hiện thời gian ôn thi đại học, cao đẳng không còn nhiều nên theo PGS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, thí sinh cần tự ôn chứ không phải là nhờ cậy vào các “lò” luyện thi. “Thời gian đang trôi rất nhanh, nguyện vọng thi thì đã nộp rồi, cần nhất là các thí sinh thật bình tĩnh và luôn cố gắng, tự đánh giá sức của bản thân mình cho phù hợp với khối thi, ngành thi dự tuyển. Mọi thành công đều phải trải cả một quá trình dài tận tụy và cố gắng không mệt mỏi. Nếu có quyết tâm, cố gắng ắt sẽ thành công. Đừng lãng phí thời gian, tiền bạc chạy theo mấy thứ quảng cáo, rao vặt về tỷ lệ đỗ đại học của các lò luyện thi”, PGS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ.
Thành công phải có quá trình
Sinh viên Vũ Hà My (Bắc Hà, Lào Cai) từng đậu vào Khoa Hành chính, ngành Luật học của ĐH Luật Hà Nội trong kỳ thi năm 2012 với 21,0 điểm (chưa tính điểm cộng) chia sẻ: “Em và một số bạn bè của em đều không tán thành cách ôn thi cấp tốc. Học ôn là một quá trình tích lũy kiến thức trong thời gian dài. Có những bạn đã xác địch khối thi từ năm đầu THPT. Như vậy, trong 2 hoặc 3 năm học THPT, ngoài việc học cho thi tốt nghiệp THPT, các bạn đã học ôn các môn mình chọn để đủ kiến thức dự thi vào đại học”.
Theo Hà My, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn là đến kỳ thi đại học nên việc ôn thi cấp tốc sẽ tạo thêm một áp lực khá lớn cho thí sinh. Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc đi lại, tốn kém thời gian, tiền của mà chưa hẳn lớp ôn đã có chất lượng nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của thí sinh. Khi học ôn, hãy tự tạo cho bản thân sự thoải mái nhất để tiếp thu trọn vẹn kiến thức, loại bỏ được trường hợp học trước quên sau... Hơn nữa, sự giúp đỡ học ôn và động viên từ phía các phụ huynh cũng rất quan trọng.
Còn sinh viên Nguyễn Ngọc Thiện (Thanh Miện, Hải Dương) - Thủ khoa ĐH Ngoại thương năm 2012 với 29,0 điểm lại cho rằng, mỗi thí sinh có một trình độ riêng và sẽ có cách học riêng cho hợp lý. Theo Thiện, thí sinh cần phải hài hòa giữa đi học thầy và tự học. Nếu ôn thi cấp tốc theo kiểu nhồi nhét, học nhiều thì sẽ không hiệu quả. Trước đây, Thiện có học ôn thi tại một lớp nhưng là lớp ít người. Mỗi môn, Thiện chỉ học 2 ca/tuần, còn lại thời gian tự học là chính.
“Đi học ôn cũng có cái lợi ở chỗ, các thầy cho làm quen các dạng đề thi và sẽ có nhóm bạn để trao đổi, chia sẻ thêm kiến thức. Nếu học lớp đông, không quen biết nhau như các “lò” luyện hiện nay thì khó có thêm kiến thức. Tuy nhiên, cái chính vẫn phải là nền tảng kiến thức của thí sinh, cộng thêm một chút mưu mẹo và may mắn khi thi cử nữa. Tốt nhất là chọn cho mình một nhóm bạn học chăm chỉ và cùng trình độ rồi cùng nhau tìm các thầy cô giỏi và học theo giáo án phù hợp với trình độ ấy”, Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ thêm.
“Bạn nào mà tự tổng hợp được kiến thức thì không cần phải đi ôn thi cấp tốc, còn bạn nào mà không tổng hợp được thì nên đi ôn thi, nhưng cần điều chỉnh thời gian tự ôn và đi ôn. Lúc học cũng như khi ôn cần nắm thật chắc kiến thức sách giáo khoa. Ngoài ra, cần làm các dạng bài và làm hết các bài tập; Làm đề thi các năm, đề thi thử của các trường; Tải thêm các tài liệu và các dạng bài khó ở trên mạng để học”. Sinh viên Nguyễn Thanh Tùng - Thủ khoa ĐH Dược Hà Nội năm 2013 khối A 29,5 điểm |
Để nhận ngay ĐIỂM THI Tốt Nghiệp 2014, soạn tin: DIEM Mãtỉnh Sốbáodanh gửi 8702 VD: Thí sinh tại Hà Nội, có SốBD là 102886. Soạn tin: DIEM 1A 102886 gửi 8702 Xem chi tiết bấm đây |