Nỗi niềm ngoại tuyến

Còn cả ba tháng nữa mới đến kỳ nghỉ hè và bước vào đợt tuyển sinh mới, mà một số Hiệu trưởng của trường tiểu học được coi hạng “top” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tỏ ra bồn chồn, lo lắng. Những cuộc điện thoại gọi tới tấp gọi cho nhau để chia sẻ.

Chẳng là mới đây, họ nhận được thông báo số 332 của UBND thành phố về xây dựng kế hoạch tổ chức học 2 buổi/ngày trên địa bàn thành phố. Trong đó, có ý kiến kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch rất đáng lưu ý: “Kể từ năm học 2013-2014, UBND thành phố sẽ quyết định các trường hợp tuyển học sinh ngoại tuyến vào các trường: THCS Trưng Vương, THCS Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Phù Đổng, Tiểu học Phan Thanh (Quận Hải Châu), Tiểu học Trần Cao Vân (Quận Thanh Khê) và giao cho UBND quận Hải Châu, UBND quận Thanh Khê tổng hợp danh sách học sinh ngoại tuyến vào các trường nêu trên (kèm theo hồ sơ trình UBND thành phố xem xét)”...

Nỗi niềm ngoại tuyến - 1

Tình trạng quá tải do chạy hộ khẩu đã diễn ra trong nhiều năm

Từ nhiều năm qua, gọi là được nghỉ 2 tháng hè nhưng dường như Hiệu trưởng các trường hạng “top” nói trên không có khái niệm được nghỉ ngơi trọn vẹn. Tháng 5, tháng 6, hồ sơ, sổ sách, máy tính vừa tạm xếp lại nằm yên trong tủ, trên bàn, thì đã xuất hiện những số điện thoại gọi tới “đặt chỗ” cho việc xin con em được vào học trái tuyến tại trường. Toàn là những lý do trình bày hoàn cảnh nghe lâm ly, bi đát và hợp lý lắm. Biết là khó có thể mở rộng cánh cửa để đón ngoại tuyến, các Hiệu trưởng đã có kinh nghiệm từ chối bằng cách thấy số lạ thì hoặc không nghe, hoặc “thuê bao này đã mất liên lạc” là xong! Còn với những người quen thân, ruột rà không nỡ chối từ thì Hiệu trưởng mách nước: “Chị ơi, anh ơi, có quen với ông nào công an phường, công an quận không?”; hay “Anh, chị tới nhà ông Trưởng phòng trình bày coi sao nhé!”.

Nhưng dù sao thì kế hoạch tuyển sinh như mọi năm cũng còn dễ thở hơn, cứ đúng lịch trình thời gian tuyển sinh là Hiệu trưởng chủ động kế hoạch để tiến hành. Còn năm học tới đây, UBND thành phố mà quyết định việc tuyển sinh, giao cho UBND Quận tập hợp danh sách HS ngoại tuyến rồi lại phải trình lên UBND xem xét, liệu có phức tạp, rườm rà quá hay không. Thời điểm nào thu hồ sơ, thời điểm nào trình danh sách ngoại tuyến? Không chừng bay mất 2 tháng hè, khi phải ngồi chờ đợi góp nhặt các hồ sơ của phụ huynh có con em vào trường để mà nộp lên UBND quận, rồi lại chờ quận nộp cho tỉnh xong rồi chuyển xuống, mới lại sắp xếp lớp; lấy đâu thời gian lo việc phân lớp, chia GV, ổn định nề nếp dạy và học ngay từ đầu năm học?

Nỗi niềm ngoại tuyến - 2

Quá tải học sinh ngoại tuyến đẫn tới những trung tâm lưu trú vô thưởng, vô phạt

Nghe các vị Hiệu trưởng than phiền tới đây, Châm tôi xen vào: “Thôi thì mình vất vả, nhưng được cái bớt đi nạn chạy trường, khắc phục tình trạng “vỡ” bán trú, lợi cho cái chung!

Lập tức, một Hiệu trưởng có tiếng là cán bộ quản lý giỏi phản đối kịch liệt: “Con em trên địa bàn của mình, mình không sát thực tế hơn hay sao mà mấy ông tít ở trên kia nắm bắt cho được ở dưới này. Các ông ấy có nắm được bao nhiêu trường hợp hộ khẩu thật, bao nhiêu trường hợp hộ khẩu giả hay không? Không khéo lại tiếp tục giao quyền tuyển sinh cho mấy ông công an phường, quận như mọi năm (?)

Một Hiệu trưởng khác chen vào: Tôi thấy quyền quyết định tuyển sinh giao cho Phòng GD-ĐT là hợp lý. Vì có gì khúc mắc mà trình bày, các ông ấy làm giáo dục lâu năm, thấu hiểu về nỗi niềm giáo dục, có gì giải quyết có tình có lý hơn. Cứ cho là UBND tỉnh, quận can thiệp vào việc tuyển sinh xuất phát từ thực trạng chạy trường trái tuyến nhiều năm qua, nhưng liệu các ông ấy có cưỡng được những trường hợp người nhà, người quen chạy chọt nhờ vả hay không? Rồi có khi đâu lại hoàn đấy.

Trong thực tế, không ít những trường hợp học sinh trái tuyến được nhận vào trường lại thuộc suất ngoại giao “ở trên” đưa xuống, con cháu ông A, bà B, cán bộ cơ quan này, ban ngành nọ, hay là ở Ngân hàng A, Kho bạc B… Chứ có mấy ai người nhà, người của Hiệu trưởng, giáo viên mà vào được đâu. Chỉ còn mỗi cách tốt nhất là học sinh ở địa bàn nào thì cứ học y ở địa bàn đó là hết cái nạn chạy trường, chạy lớp. Vì có học sinh ngoại tuyến ở trong trường thì giáo viên cũng không được tăng lương, tăng chế độ gì, mà chất lượng một giáo viên dạy 30 HS/trên lớp lại được đảm bảo; tránh tình trạng quá tải, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày.

Là người chứng kiến “nỗi niềm ngoại tuyến” của các Hiệu trưởng nói trên, Châm tôi xin phản ánh lại, mong được sự chia sẻ!  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Châm (Giáo dục & Thời đại)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN