"Nhà trường như nhốt các em trong tù..."
TS Vũ Thị Phương Anh- Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP.HCM) nêu quan điểm khi trao đổi với chúng tôi.
TS Vũ Thị Phương Anh: Thời gian học phổ thông hiện nay là hợp lý, nếu học để lấy nền tảng kiến thức căn bản nhằm đi xa hơn nữa ở ĐH thì nhất thiết phải là 12 năm…
Những gì xuất hiện trong clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" không có gì là mới, nhưng cái mới ở đây là chỉ mãi đến bây giờ chúng ta mới nghe thấy điều này từ phía người học, điều đó cũng có nghĩa là các em đã cố gắng chịu đựng suốt bao nhiêu năm nay rồi đến độ không chịu đựng nổi và phải tìm cách nói lên tâm tư của mình.
Một điều phải thừa nhận, trong chương trình của chúng ta có khá nhiều điều vô bổ, hay nói đúng hơn, có những điều có thể sẽ có ích ở nơi này hoặc nơi khác trong cuộc đời các em sau này, nhưng do quá xa vời và quá lý thuyết, không gắn kết với thực tế nên không làm cho các em thấy được sự hữu ích của nó.
TS Vũ Thị Phương Anh (Ảnh: Xuân Trung)
- Bà đánh giá ra sao về thời gian học hiện nay? Theo bà thời gian học phổ thông bao nhiêu là hợp lý?
Thời gian học phổ thông 12 năm hiện nay là hợp lý. Tôi không đồng ý với việc chỉ nên học 9 năm.
Vấn đề là học với mục đích gì. Nếu học để lấy nền tảng kiến thức căn bản nhằm đi xa hơn nữa ở ĐH thì nhất thiết phải là 12 năm. Điều này gần như đã được khẳng định trên khắp thế giới.
Còn nếu ai không muốn vào ĐH thì có thể học 9, 10 năm rồi rẽ vào con đường nghề nghiệp. Vấn đề nữa là phải có được sự liên thông giữa các bậc học và các con đường (ví dụ: nghề nghiệp hay hàn lâm), chứ không phải là tất cả đều chỉ cần học 9 năm.
- Thưa bà, nếu như vẫn giữ nguyên thời gian học là 12 năm, vậy việc đổi mới chương trình và SGK sau 2015 cần phải chú trọng những điều gì?
Đổi mới chương trình và sách giáo khoa cần chú trọng hai khía cạnh mà hiện nay chúng ta làm rất kém.
Thứ nhất là tôn trọng và phát triển sự đa dạng về trí thông minh của người học, không phải ai cũng giỏi và thích học Toán hay Văn chẳng hạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là các loại tài năng khác - ví dụ năng khiếu thể thao, nghệ thuật, hoặc khả năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp... là kém hơn và không đáng để nhà trường chú trọng phát triển.
Thứ hai là kỹ năng tư duy, khả năng chọn lọc và phán đoán thông tin, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, những hiểu biết về thế giới và về xã hội. Hiện nay, thế giới đang biến động hàng ngày hàng giờ, nhưng nhà trường dường như vẫn “nhốt” các em trong một “nhà tù” cách biệt với thế giới và cho các em ăn những món ăn giống nhau ngày này sang ngày khác, thì thử hỏi tại sao học sinh không chán ngán và muốn rút ngắn chương trình học?
- Vậy theo bà trong đổi mới chương trình và SGK chúng ta phải làm như thế nào để tránh xảy ra tình trạng “bình mới rượu cũ”?
Các cuộc cải cách của chúng ta thường nằm vào nội dung chương trình, thời lượng, cơ sở vật chất trang thiết bị, sách giáo khoa. Những cái đó cần nhưng chưa đủ, và cũng không phải là ưu tiên hàng đầu. Theo tôi, điều quan trọng hiện nay là có triết lý mới về giáo dục, và triết lý đó nếu cần tóm tắt lại trong một câu thì tôi gọi là "dân chủ hóa giáo dục".
Dân chủ hóa, tức là cho phép có nhiều bộ SGK dựa trên một khung chuẩn do Bộ GD-ĐT đưa ra. Và tất nhiên là các SGK đều phải có hội đồng thẩm định độc lập, giáo viên được tôn trọng để có tự do và sáng tạo trong việc triển khai chương trình cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mình. Và quan trọng nhất là học sinh phải được xem như những tác nhân (player) quan trọng trong quá trình giáo dục, chứ không phải là những "sản phẩm" do nhà trường và thầy cô nặn ra.
Nếu không nhắm đến việc thay đổi triết lý thì có cải cách đến mấy cũng chỉ nửa vời và không đạt được mục tiêu mà mình nhắm đến.
- Trên thế giới hiện nay có nhiều nước có chương trình học và thời gian học khác nhau. Theo bà Việt Nam có nên học tập các nước để lựa chọn hướng đi cho mình hay tự lựa chọn một hướng đi riêng?
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, đây là điều nên làm đối với giáo dục Việt Nam hiện nay. Đa số giải pháp đã có sẵn, không cần chúng ta phải tìm con đường mới mà chỉ cần chúng ta đi trên con đường thế giới đã vạch sẵn, bằng phương tiện và vận tốc của chúng ta.