Bộ GD nói gì về clip luận về giáo dục?

Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) Ngũ Duy Anh chia sẻ: “Tôi đã xem clip và suy nghĩ rất nhiều. Em có thể viết thư cho Bộ trưởng nêu trăn trở...”

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên (HSSV - Bộ GD-ĐT): "Em có thể viết thư cho Bộ trưởng".

Tôi đã xem clip của em học sinh và suy nghĩ rất nhiều. Quan điểm của lãnh đạo Bộ hay những nhà làm giáo dục luôn ủng hộ học sinh phát huy cá tính, nêu quan điểm cá nhân cũng như tính sáng tạo, độc lập.

Bộ GD nói gì về clip luận về giáo dục? - 1

Quan điểm, chính kiến của nam sinh lớp 12 được nhiều chuyên gia, nhà quản lí giáo dục ủng hộ (Ảnh cắt ra từ clip).

Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu tốt hơn em có thể viết thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bộ luôn sẵn sàng lắng nghe và phúc đáp.

Em cũng có thể trao đổi với giáo viên để có cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn.

Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) Nguyễn Tùng Lâm: "Em đã khao khát nói lên chính kiến..."

Bản thân tôi luôn ủng hộ học trò tự do suy nghĩ, trao đổi thẳng thẳn và cởi mở những điều tự đáy lòng.Với người làm giáo dục hay ngành nghề nào cũng cần trân trọng hành động như của em.

Việc học trò nói lên quan điểm về đạo đức, yếu kém của nền giáo dục Việt Nam hay trăn trở của “một kẻ lười biếng” là em xuất phát từ ước mơ và khao khát nói lên chính kiến của riêng mình.

Mỗi người đều có cá tính riêng. Tôi không có gì để trách móc hay phê phán em cả.

Hơn thế, xem clip dài hơn 1 tiếng nhưng phần đông mọi người đều chăm chú theo dõi. Cách em nêu quan điểm, lập luận rất chặt chẽ và lô-gic. Phong cách của người trẻ như em rất tự tin. Như vậy là quá giỏi, không nhiều người làm được như thế.

Những điều em nói cũng không có gì xa xôi hay viển vông. Cho rằng em quá “nổ”, chỉ trích em là suy nghĩ kiểu áp đặt.

Vừa xem clip tôi vừa suy nghĩ những điều em nói. Dù đâu đó còn điểm này điểm khác phải bàn lại nhưng chuyện giáo dục đặt nặng thành tích, thi cử nhiều, áp lực lớn như em trình bày tôi hoàn toàn ủng hộ.

Thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): "Tôi bị thuyết phục"

Làm giáo dục rất nên khuyến khích và để học trò nói lên chính kiến của mình như em học sinh lớp 12 trong clip. Cái nguy hiểm hiện nay là nhiều học trò chỉ biết học mà không biết nêu ý kiến, quan điểm hay đơn giản không xác định được mục đích của việc học.

Điều em nói cũng là trăn trở bấy lâu của những người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Trên nhiều diễn đàn, tôi cũng nêu quan điểm chương trình phổ thông hiện nay quá nặng nề, thiên về kiến thức. Cái gì chúng ta cũng muốn học trò biết mà thiếu đi dạy trò kĩ năng sinh tồn, kĩ năng sống.

Mục đích của chương trình phổ thông là dạy trò những gì cơ bản nhất để sau này mỗi người có thể làm được công việc của một kĩ sư, bác sĩ hay công nhân, thợ sửa máy,…Nếu được thì cần loại bớt một nửa kiến thức có trong sách phổ thông đi.

Những so sánh, lập luận của em học sinh cũng rất thuyết phục. Là người quản lí, lãnh đạo giáo dục càng cần lắng nghe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Chung (ghi) (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN