Người truyền lửa sáng tạo

Sự kiện: Giáo dục

Chị là người thầy của hàng trăm phương pháp dạy học sáng tạo

Tô Thụy Diễm Quyên - cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - được nhiều người mến gọi là "người truyền lửa sáng tạo".

Người truyền lửa sáng tạo - 1

Tô Thụy Diễm Quyên

XẤU HỔ, TỰ TI

Đoạt giải trong cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2013, cô Tô Thụy Diễm Quyên (lúc bấy giờ là giáo viên Trường THCS Đức Trí; quận 1, TP HCM) được chọn tham gia diễn đàn giáo dục toàn cầu do Tập đoàn Microsoft tổ chức.

Trước khi lên đường, chị tìm hỏi những giáo viên có kinh nghiệm và nhận được câu trả lời: Đó chỉ là một chuyến đi chơi, có cơ hội thì tận hưởng! Thế nhưng, khi đến nơi, sự xấu hổ, nỗi tự ti dâng trào trong chị khi đứng trước các đồng nghiệp đại diện cho hơn 200 quốc gia. "Nói thật, mình chỉ hơn được mỗi giáo viên của Campuchia. Chứng kiến đồng nghiệp các nước bạn năng động, mỗi bài giảng của họ lôi cuốn và hấp dẫn đến mức mình còn bị thu hút, huống gì học sinh. Lúc đó… thèm lắm. Ra biển lớn mới thấy kiến thức mình nhỏ bé quá!" - chị bộc bạch.

Trở về nước, Tô Thụy Diễm Quyên lao vào học. Học ngày, học đêm, học đến nỗi mờ mắt, phải vào bệnh viện kiểm tra thị lực. Với chị, lúc đó chỉ nung nấu quyết tâm duy nhất là ở diễn đàn lần sau, nhất định giáo viên Việt Nam phải đoạt giải, trình độ của giáo viên Việt Nam phải được thế giới biết đến.

Tự học chưa đủ, chị nhờ bạn bè quốc tế làm cầu nối để tiếp cận đồng nghiệp các nước, cùng học qua mạng internet. "Chúng tôi vừa học vừa tranh luận, phản biện không giới hạn để làm sao tìm ra phương pháp dạy và học tích cực nhất, ít tốn thời gian mà vẫn hiệu quả" - chị kể.

Một ví dụ để hình dung là trước đây, giáo viên muốn chấm bài thi trắc nghiệm của một lớp phải mất khoảng 3 giờ, nay ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ cần nửa giờ là hoàn thành chấm điểm cho toàn khối và những công nghệ này hoàn toàn có sẵn và miễn phí cho giáo viên. Hay đơn cử một file sơ yếu lý lịch của học sinh hằng năm phải nộp cho giáo viên. Nếu trước đây, theo cách làm thủ công, giáo viên phải nhập liệu vào máy cho từng học sinh, nay khi ứng dụng công nghệ, chỉ cần yêu cầu học sinh điền đúng form chuẩn thì giáo viên chỉ mất vài phút để hoàn thành hồ sơ của cả lớp…

THẾ GIỚI VINH DANH

Diễn đàn Giáo dục toàn cầu năm 2015 diễn ra tại Mỹ, cái tên Tô Thụy Diễm Quyên được cộng đồng giáo viên toàn thế giới biết đến khi được ban tổ chức xướng tên là giám khảo của cuộc thi, cũng là người châu Á duy nhất trong ban giám khảo. Đến năm 2016, chị được công nhận là Teacher Ambassador (Đại sứ giáo dục của Microsoft tại Việt Nam). Hàng loạt tờ báo tại Mỹ viết về chị.

Nổi tiếng trên mạng xã hội với nick name "Bà giáo già" nhưng người phụ nữ này có năng lượng làm việc khó bạn trẻ nào theo kịp. Chỉ trong 3 năm, số giáo viên được chị tập huấn phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, dạy học theo dự án lên tới hơn 15.000 người ở khắp cả nước.

Gặp được chị cực kỳ khó. Buổi sáng, chị còn ở một trường học trong TP HCM, chiều đã có mặt ở Hà Nội theo lịch tập huấn. Trên Facebook cá nhân, tại mỗi trường học được chị tập huấn, giáo viên, học sinh để lại hàng ngàn bình luận cảm ơn vì chị đã truyền động lực, truyền cảm hứng sáng tạo, đổi mới vào mỗi người thầy. "Qua mỗi buổi tập huấn, điều tôi mong muốn không phải là dạy giáo viên kiến thức hay kỹ năng mà là truyền động lực để mỗi người thầy tự đổi mới, tự thổi hồn vào bài giảng, kéo học sinh đến lớp học. Bởi, không có đứa trẻ nào vứt đi, không có học trò cá biệt" - chị nói.

Để tạo điều kiện cho những giáo viên không có cơ hội tham dự các buổi tập huấn, chị lập ra trang "Cộng đồng đổi mới và sáng tạo giáo dục" với 5.000 thành viên là các giáo viên, phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp nước ngoài. Đây là nơi để giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới, sáng tạo, dạy học tích hợp, giáo dục stem. Hằng tuần, chị còn tổ chức những buổi livestream chia sẻ, hướng dẫn về các phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin mới để giáo viên học hỏi, áp dụng.

Cô giáo Diễm Quyên trải lòng: "Đến nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, thấy giáo viên còn nhiều thiệt thòi. Họ không có chi phí để trả tiền tập huấn nên xin trả góp. Nhìn họ ham học mà thấy thương. Chính vì thế, tôi lập trang để những giáo viên này có thêm điều kiện tiếp cận".

Lên “cổng trời” nuôi… con chữ

Dù khó khăn trăm bề, thiếu thốn tình cảm của gia đình, người thân, nhưng những giáo viên cắm bản nơi “cổng trời”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN