Miệt mài “gieo chữ” nơi vùng cao

Sự kiện: Giáo dục

Ngày điểm trường mầm non thuộc bản Nùng Tạo, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên được đưa vào sử dụng, cũng là ngày cô giáo trẻ Giàng Thị Sán vui hơn cả.

Từ nay, lớp học của cô Sán, người mẹ hiền của 15 em nhỏ, không còn phải học nhờ dưới gầm sàn của nhà dân nữa.

Giàng Thị Sán là giáo viên trẻ nhất trong số các cô giáo của Trường Mầm non xã Huổi Mí, huyện Mường Chà. Sinh năm 1992, quê ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên xong, cô Sán xung phong về đây công tác. Tiếng là ở huyện giáp ranh với huyện Mường Chà, song từ nhà cô Sán đến điểm trường  cũng phải ngót nghét 200 cây số. Thường thì mỗi tháng cô phải chọn một ngày cuối tuần đẹp trời nhất để về với bố mẹ, sau đó lại tất tả quay về điểm trường với các con khi kết thúc hai ngày nghỉ chóng vánh. Phải chọn ngày đẹp trời bởi con đường đưa cô từ nhà đến trường phải vượt qua nhiều đèo núi, đất đá lở dọc bên đường nguy hiểm đến mức người chưa quen sẽ không  đủ can đảm để cầm lái vượt qua cung đường này.

Miệt mài “gieo chữ” nơi vùng cao - 1

Cô giáo Giàng Thị Sán cùng học sinh của mình.

Thế mà gần một năm qua, kể từ ngày đến với những đứa trẻ nơi đây, cô Sán vẫn “một mình một ngựa” vượt qua những cung đường ấy. Cứ đi từ rạng sáng thì đến xâm xẩm tối cô mới về đến nhà và ngược lại. Ngày hôm qua, cô cũng mới vượt cung đường gần 200 cây số để từ nhà kịp sang vui chung niềm vui có điểm trường mới. Sáng nay, cô Sán và những đứa trẻ nơi đây mặc đẹp hơn mọi ngày. Nói là mặc đẹp hơn nhưng với cô cũng chỉ là một bộ váy truyền thống và những đứa trẻ là chiếc áo lành lặn nhất. Đời sống người dân ở bản Nùng Tạo nói riêng và xã Huổi Mí nói chung còn nhiều khó khăn lắm. Xã Huổi Mí là xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn với 11 bản, 579 hộ. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào 3 dân tộc: Thái, Khơ Mú và Hơ Mông. Điều kiện kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân còn thấp, tỉ lệ đói nghèo cao, cùng với đó tình trạng di dân vẫn còn nhiều… Đó cũng là những khó khăn mà các cô giáo ở Trường Mầm non Huổi Mí nói chung và điểm trường Nùng Tạo của cô Sán nói riêng phải vượt qua.

Toàn trường Mầm non Huổi Mí có 479 học sinh. Nhà trường có một trường trung tâm và 15 điểm bản. Điểm trường Nùng Tạo của cô Giàng Thị Sán hầu hết là các cháu nhỏ con em đồng bào dân tộc Thái. Ban đầu, khi mới lập điểm trường ở đây, các cô giáo đã gặp không ít khó khăn khi vận động phụ huynh đưa con ra lớp. Phần vì nhận thức của người dân chưa cao, phần vì địa bàn cách trở. Lúc lập điểm trường ở bản, cô Lâm Thị Chính, Hiệu trưởng nhà trường đã không ít lần cùng các cô giáo trẻ băng rừng vào từng nhà dân một để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, mục đích cuối cùng là làm cho phụ huynh các cháu hiểu và đưa con ra lớp. Cái khó nhất thời điểm bấy giờ là huy động các nguồn xã hội hóa phục vụ việc học tập và sinh hoạt của các con. Giờ đây, nhờ sự chung tay của chính quyền địa phương, sự vận động của các cô giáo, người dân đã có ý thức tốt hơn. Các gia đình không chỉ hàng ngày đưa con em ra lớp mà còn chủ động mang theo thức ăn, rau, gạo đóng góp cho điểm trường để cô Sán tổ chức nấu cho các cháu ăn trưa tại lớp.

Miệt mài “gieo chữ” nơi vùng cao - 2

Điểm trường mầm non thuộc bản Nùng Tạo, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Ở điểm trường này vất vả nhất là điều gì? Chúng tôi đặt câu hỏi ấy với cô Giàng Thị Sán. Cô vui vẻ trả lời: “Trước kia thì vất vả nhiều lắm, nhưng giờ đỡ hơn rồi”. Có lẽ quen với cái khó nhiều nên cô Sán cũng như các thầy cô giáo vùng cao xem những điều khó khăn là điều bình thường mà các cô vẫn hàng ngày vượt qua. Bản thân cô Sán, khi lên công tác tại điểm trường đến nay, cô phải thuê một phòng trong nhà dân ở đầu bản để ở. Một tháng tiền thuê nhà của cô và tiền điện nước cũng ngót nghét hơn nửa triệu đồng. Một số tiền không hề nhỏ với đồng lương của một giáo viên mới ra trường như cô. Thế nên, mỗi lần về nhà, cô lại mang theo bao nhiêu là thứ, nào là gạo, nào là rau, là thịt, là thực phẩm… cho cả tháng ở điểm trường.

Khó khăn nhất với cô cũng  như với người dân của bản Nùng Tạo là vào mùa khô, thiếu nước. Thế nhưng, cô Sán bảo, cô sinh ra, lớn lên cũng từ vùng cao nên đã quen với cảnh đó rồi. Điều mà cô luôn đau đáu là có một phòng học cho các con thì giờ đây đã thành hiện thực.

Trò chuyện với ông Trang A Lử, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, chúng tôi chia sẻ về đời sống của giáo viên vùng cao, đặc biệt là vấn đề phòng ở tập thể cho giáo viên. Phó Chủ tịch Trang A Lử cũng đau đáu: Đời sống của các thầy cô giáo ở Mường Chà còn nhiều khó khăn lắm. Thời gian vừa qua, địa phương cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ cho giáo dục của nhiều tổ chức. Hiện nay, vẫn còn nhiều điểm trường khó khăn. Địa phương cũng đã tập trung mọi nguồn lực để quan tâm cho giáo dục. Tuy nhiên, việc xây dựng các điểm trường, các nhà ở tập thể để đáp ứng nhu cầu cho giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thể thực hiện hết được.

Hiện toàn huyện Mường Chà có tất cả 124 bản, tương ứng với đó là 124 điểm trường. Địa bàn dân cư rộng, sống rải rác, chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Hiện, nhiều lớp học, điểm trường vẫn chưa được cứng hóa, nhiều điểm đã xuống cấp. Ngay trường Mầm non Huổi Mí còn thiếu 8 phòng học; 100% lớp mẫu giáo đều là lớp ghép, điều này ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ và công tác chuyên môn của đội ngũ giáo viên. Thế nhưng, các thầy cô giáo vẫn luôn nhiệt huyết, yêu nghề, khắc phục mọi khó khăn để làm tốt công tác dạy học.

Gặp gỡ người thầy dùng cả tuổi thanh xuân để dạy chữ cho trẻ vùng cao

“Ước mơ của tôi là làm thế nào Bản Thuôn có con đường hoàn chỉnh để việc đi lại của các học sinh bớt vất vả”,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN