Ngày mai, hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2023

Ngày mai (27/6), hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc sẽ đến điểm thi làm thủ tục đăng ký dự thi, đính chính thông tin sai sót (nếu có), chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kéo dài 2 ngày sau đó.

Những lưu ý quan trọng cho thí sinh

Theo lịch thi, đúng 14 giờ chiều mai, thí sinh sẽ đến phòng thi, làm thủ tục đăng ký dự thi, nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Mặc dù kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, việc bố trí phòng thi, điểm thi tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh để các em không phải di chuyển xa, tuy nhiên, việc đến điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi vô cùng quan trọng.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác tổ chức thi tại địa phương

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác tổ chức thi tại địa phương

Những người có kinh nghiệm tổ chức thi cho biết, thí sinh đến điểm thi để nắm sơ đồ phòng thi, nghe phổ biến quy chế thi trong đó cán bộ coi thi sẽ nhắc nhở, lưu ý thời gian gọi thí sinh, thời gian làm bài, những vật dụng thí sinh không được phép mang vào phòng thi…

Theo quy định, trong các ngày thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian ghi trong giấy báo dự thi để làm thủ tục. Thí sinh xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân. Mỗi buổi thi, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được vào điểm thi để dự thi.

Trong phòng thi, thí sinh được hướng dẫn ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh trên bàn. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.

Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ trong phòng thi để được xử lý. Quy chế cũng quy định, thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong bài thi, thí sinh chỉ được viết bằng một màu mực, không được dùng mực màu đỏ.

Về thời gian làm bài thi, môn Ngữ văn 120 phút, môn Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút; các bài thi Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên mỗi môn thi thành phần kéo dài 50 phút. Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm.

Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, tuy nhiên phải nộp bài kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.

Trong thời gian dự thi, trường hợp cần thiết, cấp bách thí sinh ra khỏi phòng thi phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng Điểm thi quyết định.

Về những vật dụng được mang vào phòng thi, Quy chế quy định, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.

Dễ làm trước, khó làm sau

Có nhiều năm làm trưởng Điểm thi, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng, thời điểm thi, điều quan trọng nhất là thí sinh phải ăn ngủ điều độ để giữ sức khoẻ tốt làm bài thi. Trong ngày thi, cha mẹ cần đồng hành để đánh thức con dậy đúng giờ, đến phòng thi an toàn. Thực tế, vẫn có trường hợp thí sinh đến muộn không được làm bài, rất đáng tiếc.

Bà Hiền cho biết, qua theo dõi học sinh một vài năm trở lại đây, có tình trạng học sinh gia tăng lo âu, căng thẳng quá mức. Do đó, các em cần giữ sức khỏe, bình tĩnh để sáng suốt đọc đề và làm bài thi hiệu quả nhất. Trước ngày thi nếu có ôn bài cũng chỉ xem qua một lượt các nội dung, tránh thức khuya, dậy quá sớm khi vào phòng thi mệt mỏi, không làm được bài thi.

Ngoài ra, bà Hiền lưu ý thí sinh khi đi thi chỉ mang những vật dụng được phép mang vào phòng thi, không nên mang những đồ vật khác, đặc biệt đồ có giá trị. Khi vào khu vực thi sẽ được yêu cầu gửi ở khu vực cách xa phòng thi, tâm lý thấp thỏm cũng không tốt.

“Khi làm bài thi, điều quan trọng nhất là các em đọc qua một lượt đề bài, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Rút kinh nghiệm từ kỳ thi lớp 10, khi đọc một lượt đề, nếu thấy tình trạng đề mờ, khó đọc hay bất kỳ vấn đề nào băn khoăn các em phải hỏi giám thị coi thi để được giải quyết”, bà Hiền lưu ý.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu ngoài thực hiện nghiêm quy chế, cán bộ coi thi không tạo không khí áp lực, căng thẳng trong phòng thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài tốt nhất. Khi có các tình huống bất thường xảy ra, phải báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo thi để có phương án giải quyết.

Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thi

Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, thường đến mùa thi thí sinh sẽ có những sự cố rất bất thường cả về mặt tâm lý và sức khỏe. Bình thường học sinh học bài rất tốt nhưng đến mùa thi lại dễ quên và khó tập trung. Đến giờ học lại muốn đi ngủ còn giờ ngủ thì căng mắt ra học.

Một biểu hiện nữa là lịch sinh hoạt bị đảo ngược, học sinh không kiểm soát được. Hoặc có những cơn đau “giả vờ”, mặc dù cơ thể không bị gì nhưng vẫn cảm giác bị đau là do bị ảnh hưởng bởi tâm lý.

Bà Thảo cho biết, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thi đó là năng lực làm bài, sức khỏe và yếu tố tâm lý. Trong đó yếu tố tâm lý nếu không vững sẽ ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến 2 yếu tố kia.

Bà Thảo khẳng định: “Không có gì giúp giảm được lo sợ của mùa thi bằng việc chúng ta có động lực mạnh mẽ. Việc của chúng ta bây giờ là xây dựng, nuôi dưỡng động lực của mình để đi đến được con đường đó”.

Chuyên gia tâm lý khuyên, trước kỳ thi thí sinh nên gặp gỡ, nói chuyện và chia sẻ với những người có thể mang đến bầu không khí tích cực. Nếu xung quanh là những người có suy nghĩ tiêu cực thì nên bật chế độ “điếc tạm thời”; phải chọn lọc những gì cần nghe, lơ đi tạm thời những điều mang tính tiêu cực để có năng lượng tích cực hơn.Nguyễn Dũng

Từ ngày 28 đến 29/6, hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc sẽ dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Bộ GD&ĐT dành ngày 30/6 làm ngày thi dự phòng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghìn sĩ tử đội mưa thắp hương cầu may ở Văn Miếu trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Chỉ còn mấy ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chính thức diễn ra, tuy là ngày cuối tuần kèm trời mưa tầm tã nhưng rất nhiều phụ huynh cùng sĩ tử đã đến Văn Miếu -...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN