Nạn bạo lực học đường và những cái chết đau lòng

Liên tiếp xảy ra các trường hợp bạo lực học đường nhiều học sinh bị bạn đánh nhập viện cấp cứu, thậm chí có những học sinh đã phải mất mạng vì nạn bạo lực trong trường học.

Nạn bạo lực học đường và những cái chết đau lòng - 1

Nhiều em học sinh cùng trường đã tập trung rất đông tại nhà nam sinh bị đâm tử vong.

Những cái chết thương tâm do bạo lực học đường

Vào khoảng 11h30 ngày 26/4, sau khi tan học tiết 5 tại trường trường THPT Pleiku, em Trần Hoàng Nh. (SN 2002, lớp 11A7) được một học sinh chở về bằng xe máy.

Đến khu vực cổng trường thì bị một số thanh niên khác điều khiển xe gắn máy đuổi theo. Đi được khoảng 700m, tới khu vực đường Tô Vĩnh Diện giao với đường Hoàng Quốc Việt, xe chở em Nh. bị ngã, nhóm thanh niên liền lao vào đánh và đâm em Nh.

Thấy em Nh. bị đâm, người dân xung quanh nhanh chóng đưa đi cấp cứu, nhưng vì vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong sau đó.

Đây không phải lần đầu tiên học sinh bị đánh hội đồng dẫn đến tử vong.

Năm 2015, nam sinh  L.N.M. (17 tuổi), học sinh lớp 11B6  trường THPT Trần Hưng Đạo, P.6, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang bị bạn đánh tử vong. Trước đó, vào khoảng 6g30 ngày 10/10, Nguyễn Minh Thọ (16 tuổi, học sinh lớp 11B6) đang ngồi chơi trước cửa lớp thì Võ Nguyễn Thanh Tú (17 tuổi, học sinh lớp 12B9) mở cửa sổ làm trúng tay nên hai bên gây gổ. Sau đó, cả hai về lớp mình học.

Đến 8g30 cùng ngày trong giờ ra chơi thì Tú, Tùng cùng khoảng 10 học sinh khác kéo đến lớp 11B6 để "giải quyết" mâu thuẫn với Thọ.

Trong lúc 2 nhóm học sinh lao vào hỗn chiến, M. đang ngồi tại dãy cuối bàn của lớp học bất ngờ bị Tùng dùng chân đá trúng mặt khiến M. bật ngã về phía sau trúng tường và ngất xỉu.

Sau khi phát hiện vụ việc, M. được bạn bè và thầy cô trong trường đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu, sau đó em được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhưng không qua khỏi do chấn thương nặng.

Năm 2017, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 23/10, khi các học sinh đang giờ ra chơi, Dương Minh Long (đã bỏ học) và Nguyễn Văn Vượng (học sinh lớp 12 A5 Trường THPT Tháng 10, ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) đến trường này và hỏi có ai tên là Ngọc không?

Lúc này, Lý Hồng Ngọc (là học sinh lớp 12 A4 của trường) trả lời là "có tao", thì bất ngờ hai đối tượng trên lao vào đánh khiến Ngọc gục xuống. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa đi trạm xá cấp cứu nhưng đã tử vong.

Năm 2018, vào 16h ngày 14/3, tại khu vực gần Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội có một nhóm thanh niên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát ở gần khu vực Bệnh viện đa khoa Vân Đình.

Lúc này, nam sinh P.V.V. (học sinh lớp 12, trú tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vào can ngăn.

Trong lúc vào can, nam sinh này đã bất ngờ bị một nam thanh niên dùng dao đâm vào chỗ hiểm và tử vong sau đó.

Vì sao bạo lực tăng?

Tình trạng bạo lực ngày càng diễn ra nhiều hơn. Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, bạo lực xảy ra nhiều hơn trong xã hội và cả trong trường học. Có nhiều lí do để cho hành động như trên xảy ra như áp lực cuộc sống; môi trường giáo dục của người Việt Nam hiện đại hiện nay có thể nói đang có vấn đề; giá trị con người ta tôn thờ đang bị đứt gãy…

Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi xã hội, đầy rẫy các thách thức. Con người bị dồn nén dưới rất nhiều áp lực. Áp lực về sự phát triển, thậm chí có thể nói đây là “hàng đi kèm” với sự phát triển của xã hội. Nhưng mà  chúng ta phát triển một cách, tôi hay gọi là “hổ lốn”, nghĩa là không bài bản, căn cơ.

Thường thì người ta ít sử dụng lời nói, mà sử dụng nắm đấm. Kẻ nào mạnh thì thắng. Bởi có nhiều bằng chứng đi trước rồi, nên họ cứ theo nhau. Khiến cho người Việt ngày càng trở nên hung hãn với nhau hơn. Ứng xử với nhau bằng bạo lực nhiều hơn.

Bác sĩ Phạm Văn Trụ - Bệnh viện Tâm Thần thành phố Hồ Chí Minh phân tích tuổi thanh niên, tác động của bạn bè có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của hành vi gây hấn và bạo lực. Quan hệ xã hội kém, có bạn là nạn nhân hoặc có bạn có hành vi chống đối xã hội hay phạm pháp là những thanh niên có nguy cơ gây hấn nhiều nhất. Khi có yếu tố nguy cơ độc lập trong hoạt động như tham gia băng nhóm và “đội quân” mà ở đó hành vi bạo lực được chấp nhận, nghĩa là khi có tiền sử hành vi gây hấn hoặc bạo lực thì khả năng kết băng nhóm sẽ cao hơn.

Thực tế chúng ta thấy tình trạng bạo lực xảy ra ngày càng nhiều và hậu quả hiện tại cũng như lâu dài càng nặng nề. Chúng ta nhận thấy nguy cơ bạo lực thường có xuất phát điểm từ gia đình, và khi xã hội phát triển, những thay đổi về kinh tế quá nhanh (có phần góp sức của truyền thông), vừa tác động tích cực cũng như tiêu cực đến quan hệ con người với con người, với xã hội.

Như vậy, bác sĩ Trụ cho rằng vấn đề phòng ngừa bạo lực có phần trách nhiệm lớn nhất thuộc về những hoạch định chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, cần những điều chỉnh cân bằng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn trong chiến lược phòng ngừa bạo lực.

Giáo viên hoàn toàn có thể ngăn chặn bạo lực học đường nhờ 9 cách này

Thời gian qua, bạo lực học đường đã trở thành điểm nóng báo động không chỉ trong ngành giáo dục mà còn đối với xã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo K.Chi ([Tên nguồn])
Bạo lực học đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN