Lớp học giúp trẻ vượt qua tự kỷ

Nhiều phụ huynh khi biết con mắc bệnh tự kỷ đã rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, coi như là… hết ! Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu sớm có phương pháp dạy dỗ đúng, vẫn có thể giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, sống như người bình thường.

Kiên trì và yêu thương

Đến thăm Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, đến lớp Sóc Nâu, bất ngờ các bé chạy ào vây quanh chúng tôi ngắm nghía, sờ sờ vào ống kính máy ảnh vẻ rất thích thú. Cô Trần Thị Mai Anh 34 tuổi, chủ nhiệm lớp tự kỷ Sóc Nâu cười hiền lành, giới thiệu : “Các bạn sẽ còn bất ngờ rất nhiều với những thiên thần bé bỏng có đôi chút khiếm khuyết về tính cách này. Dạy trẻ nhỏ vốn là việc không hề đơn giản, dạy tre tự kỷ còn khó khăn gấp bội phần !”.

Lớp học giúp trẻ vượt qua tự kỷ - 1

Giáo viên kèm từng bé một

Một ngày học của trẻ tại Trung tâm từ 8 giờ sáng cho tới 16 giờ chiều, chia thành hai dạng: Trị liệu ngôn ngữ và trị liệu cảm giác, đi kèm các bài tập vận động, xoa bóp. Trong đó, những bài tập ngôn ngữ được đặc biệt chú trọng, chiếm phân nửa thời gian học tại trung tâm.

Quả thực, không có giáo án hay phương pháp cụ thể dạy cho trẻ mắc tự kỷ. Phần lớn, các cô giáo phải tùy vào tình trạng của từng trẻ để dạy, “điều tiết” cách dạy và trị liệu riêng. Kinh nghiệm chính là “kim chỉ nam” cho các giáo viên dạy trẻ tự kỷ, cách hiệu quả nhất là kiên trì, gần gũi, yêu thương để nắm bắt tình trạng từng em một - cô Mai Anh chia sẻ.

Cô Võ Đắc Bảo Trân 22 tuổi, giáo viên lớp tự kỷ Sóc Nâu cho biết: “Trẻ bình thường thì nhận thức được, còn các bé ở đây không nghe lời, thường có các hành động rất kỳ quặc như chộp, nhảy bổ vào người cô, đập phá đồ đạc, đánh cả bạn… Bé Trâm 4 tuổi khi vào đây không nói được, đi vệ sinh không kiểm soát. Nhưng bây giờ mỗi lúc muốn đi vệ sinh là bé dắt tay mình đi, mình kiên nhẫn lắng nghe sẽ hiểu được những gì bé muốn nói”.

Cô Đỗ Thị Tình 27 tuổi học chuyên ngành nhưng vẫn bỡ ngỡ bởi từ lý thuyết đến thực hành rất khác. Hiện tại, cô phụ trách 4 bé, thường tách ra để dạy 40 phút/bé. Dạy cho bé kỹ năng tự phục vụ, học nói, giao tiếp, dạy tập đọc, tập viết. Với mỗi học sinh thì có cách học, cách tiếp cận khác nhau. Cháu Quang 6 tuổi đã được dạy riêng 3 năm nay. Từ chỗ không biết nói, ai đụng vào là cháu cào cấu, bây giờ cháu đã biết nói được nhiều câu và trở nên thân thiện hơn nhiều.

Gieo mầm tương lai cho trẻ tự kỷ

Giám đốc Trần Xuân Tiến cho biết: Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk hiện có 33 giáo viên, 141 cháu học chuyên biệt, trong đó riêng 15 cháu tự kỷ đã phải có tới 9 cô phụ trách. Mỗi năm các cô được đi tập huấn với các chuyên gia ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình dạy trẻ tự kỷ khuyết tật tại Trung tâm này hình thành từ năm 2009, được Bộ Giáo dục đánh giá là mô hình mẫu để các địa phương khác học tập.

Chị Quỳnh Thi mẹ của cháu Trung Kiên kể: Tháng 9/2014, hai vợ chồng lên Đắk Lắk gửi con vào trung tâm học. Bây giờ Kiên đã biết gọi bố mẹ, chơi cùng các bạn. Hiện cháu đang được học bán hòa nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thảo - Tuyết Mai / Tiền Phong
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN