Làn sóng chê đại học, chọn trường nghề

Sự kiện: Giáo dục

Việc nhiều trường nghề đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu cho thấy phụ huynh, học sinh đã có sự nhìn nhận sát hơn về nghề nghiệp của con em mình.

Kết thúc xét tuyển nguyện vọng (NV) 1, nhiều trường đại học (ĐH) thiếu chỉ tiêu đã thông báo xét tuyển NV bổ sung đợt 2 với hàng ngàn chỉ tiêu ở nhiều ngành. Trong khi đó các trường cao đẳng, trung cấp (CĐ-TC) nghề có uy tín đã ung dung vì tuyển đủ chỉ tiêu.

Học nghề mau có việc làm

Thí sinh Đặng Tấn Tài, nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ nghệ 2, giãi bày: Thực ra điểm thi THPT của em có cơ hội vào trường ĐH nhưng em và gia đình bàn đi tính lại cuối cùng chốt học nghề để sớm đi làm, thay vì kéo dài thời gian học tập và tăng chi phí cho gia đình. “Trước khi quyết định theo ngành công nghệ ô tô, em cũng tham khảo nhiều thông tin từ các trường và nhu cầu việc làm các doanh nghiệp thì đây là nghề đang hot, thu hút nhiều thí sinh theo học từ bậc ĐH đến hệ TC” - thí sinh này cho biết.

Cũng quyết tâm cho con học nghề, anh Nguyễn Quang Thắng đã cất công đưa con từ Đắk Lắk về tận Trường CĐ Kỹ nghệ 2 để tham quan, tìm hiểu cơ ngơi của trường này. Anh Thắng nói: “Ba ngày nay tôi đưa con về TP tham khảo một số trường, cuối cùng chốt trường này vì bạn bè lớp trước của cháu giới thiệu học tại đây được cam kết đầu ra có việc làm. Tôi ở quê, điều kiện kinh tế cũng hạn hẹp nên mong cháu có cái nghề trong tay để nuôi bản thân”.

Còn thí sinh Trần Duy Long phấn khởi cho biết đã xét tuyển vào ngành chế biến món ăn. Long thổ lộ nhiều người trong gia đình theo nghề đầu bếp và mở nhà hàng nên em chọn nghề này theo nghiệp anh chị, không lo bị thất nghiệp. “Em đã có định hướng theo nghề đầu bếp ngay từ đầu nên thi xong em đi tham khảo nhiều trường tìm hiểu học phí và chất lượng học tập để dồn sức học tập cho tốt” - Long giãi bày.

Làn sóng chê đại học, chọn trường nghề - 1

Hiện nhiều thí sinh chọn trường nghề để sớm đi làm và tăng chi phí cho gia đình. Ảnh: HTD

Kín chỉ tiêu từ đầu tháng 8

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, phấn khởi thông tin như vậy về chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2017. Theo đó, trước áp lực có nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, trường đã thông báo ngưng nhận hồ sơ ba ngành quản trị khách sạn, quản trị lữ hành và hướng dẫn du lịch. Riêng hai ngành chế biến món ăn và quản trị khách sạn hệ TC vẫn nhận hồ sơ đến hết tháng 8. “So với năm ngoái, năm nay trường cán mốc chỉ tiêu tuyển sinh sớm hơn. Đây là tín hiệu vui đối với trường nghề, dù thời gian qua có sự lo lắng sẽ gây xáo trộn tuyển sinh khi chuyển trường CĐ-TC từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH” - bà Xuân chia sẻ.

Theo bà Xuân, mặt bằng điểm thi THPT năm nay cao hơn các năm trước gây tâm lý lo lắng cho các trường nghề vì cạn nguồn tuyển như các năm trước. Thế nhưng nhiều trường CĐ-TC đã tuyển đủ chỉ tiêu, điều đó cho thấy phụ huynh, học sinh đã có sự nhìn nhận sát hơn về nghề nghiệp của con em mình.

2,2 triệu là tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống trường nghề trên cả nước năm 2017. Trong đó trình độ CĐ-TC là 540.000 người, hệ sơ cấp và dưới ba tháng là 1,6 triệu người.

Ngoài 30 trường CĐ sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý, hiện cả nước có khoảng 2.000 trường CĐ-TC do Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Cũng trong năm nay, dự kiến hệ thống giáo dục nghề nghiệp có số sinh viên tốt nghiệp các trình độ đào tạo là 1,9 triệu người, trong đó CĐ-TC là 450.000 người, sơ cấp và dưới ba tháng là 1,4 triệu người.

(Nguồn: Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH)

“Khi trường ngưng tiếp nhận xét tuyển CĐ, vẫn có nhiều phụ huynh, học sinh đến trường phàn nàn tại sao con em họ đủ điểm vào ĐH lại không có cơ hội học nghề. Trường phải cắt cử giáo viên giải thích là hết chỉ tiêu và ghi danh đưa vào danh sách kỳ tuyển năm sau và thí sinh, phụ huynh đều vui vẻ đồng ý” - bà Xuân thông tin.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường CĐ Kỹ nghệ 2 đã có hơn 1.000 thí sinh làm thủ tục nhập học cho hai hệ CĐ-TC trường này. Theo ông Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, mặt bằng xét tuyển đầu vào hệ CĐ là tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT, tuy nhiên năm nay có một thí sinh quê Đắk Lắk trúng tuyển ba trường ĐH đã xét tuyển vào ngành cơ khí kỹ thuật của trường. Khi được hỏi tại sao không học ĐH, em này thổ lộ nhiều anh chị ở quê học ĐH khó kiếm việc làm nên rẽ ngang học nghề với tâm nguyện học xong có việc làm, phụ giúp gia đình. Thí sinh này thuật lại khi chọn trường nghề, bạn bè trong lớp bảo là hâm vì trúng tuyển cùng lúc ba trường lại bỏ ngang để học nghề.

Ngành công nghệ may hút thí sinh

Ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Vinatext TP.HCM, thông tin năm nay trường xét tuyển song song học bạ THPT và điểm thi THPT. Tổng chỉ tiêu xét tuyển 14 ngành của trường là 2.100, tính đến thời điểm này số hồ sơ đăng ký là hơn 2.000. Trong đó, số thí sinh xét tuyển vào ngành công nghệ may chiếm 80%, tỉ lệ nữ chiếm hơn 80%, số còn lại là nam.

Ông Tiến đánh giá: Trong vòng ba năm gần đây, số thí sinh theo học ngành công nghệ may chiếm tỉ trọng áp đảo do nhu cầu đầu ra ngành này lớn. Các doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng đào tạo và cung ứng, sinh viên ra trường có việc làm ngay. “Hiện nhu cầu ngành công nghệ may không giới hạn trong khi cầu lớn mà cung hạn chế nên thí sinh học ngành này không quá lo lắng tìm kiếm việc làm” - ông Tiến cho hay.

Học nghề dễ có việc làm hơn đại học

Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, tỷ lệ học sinh chọn chỉ thi tốt nghiệp ngày càng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Điền (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN