Làm sao để tránh tổn thương cho con sau khi ly hôn?

Sự kiện: Dạy con

Theo chuyên gia tâm lý, chuyện ly hôn là bình thường khi vợ chồng không thể tiếp tục chung sống. Thế nhưng cách ứng xử của người làm cha, mẹ sau ly hôn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến trẻ, hình thành nhân cách của trẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Mẹ đừng quên con nhé"

Bức thư của bé gái lớp 5 tại Nghệ An mới đây được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến nhiều người xúc động, xót xa. Trong bức thư, em viết chữ nắn nót, nói những lời ngô nghê nhưng chân thành gửi đến mẹ. Điều khiến nhiều người xúc động và thương cảm hơn cả là ước mơ được mẹ đi họp phụ huynh một lần.

Theo như những gì bé gái viết trong bức thư, cô bé sinh ra trong gia đình đổ vỡ, bố mẹ ly hôn. Ngay từ khi 2 tuổi đã phải xa mẹ vì mẹ đi làm xa, để bé ở nhà với bố và bà nội. Ước mơ giản dị của cô bé chỉ là được mẹ hỏi han chuyện học hành. Trong bức thư cô bé cũng đã nói lên sự tủi thân của mình khi cả bố và mẹ đã có gia đình mới và có những đứa con khác. Nhất là khi biết được sự quan tâm của mẹ với hai em mà vô tư "khoe" trên facebook. Cô bé luôn yêu mẹ, chỉ mong mẹ luôn hạnh phúc và đừng quên con dù có hạnh phúc mới.

Bức thư này hiện vẫn được chia sẻ, lan truyền nhanh chóng. Câu chuyện này dù có thật hay đó chỉ là bài văn của một học sinh thì sau khi đọc lá thư cũng khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy ngẫm.

Trên thực tế, trẻ luôn cảm thấy cô đơn, thậm chí trầm cảm khi thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Khi gia đình đổ vỡ, người thiệt thòi và đau lòng nhất vẫn là những đứa trẻ vô tội, ngay cả khi bố/mẹ có người mới.

Cách đây ít lâu, dư luận cũng bàng hoàng khi câu chuyện về một đứa trẻ bị bạo hành vô cùng tàn bạo bởi bàn tay của chính cha ruột và mẹ kế của mình. Sau khi ly hôn, đứa trẻ này đã sống cùng bố. Trong suốt quãng thời gian sống chung, em đã không chỉ bị tra tấn, đánh đập và bạo hành về mặt thể xác mà còn cả về mặt tinh thần. Chứng kiến điều này, không ít người đã cảm thấy vô cùng xót xa.

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM) cho rằng, vợ chồng chia tay, đau khổ không chỉ là hai người trong cuộc mà chính những đứa con cũng sẽ chịu phải những tổn thương. Dù ở độ tuổi nào chúng cũng dễ tổn thương. Cộng thêm việc cư xử không khéo léo, ảnh hưởng của cuộc hôn nhân tan vỡ càng lớn hơn với trẻ. Những đứa trẻ này thường gặp nhiều vấn đề tâm lý cũng như sức khỏe hơn các trẻ có hoàn cảnh bình thường.

Khi cha mẹ đứt gánh giữa đường, có đứa trẻ trở nên lầm lì, sống khép kín, có trẻ lại bị lôi cuốn vào lối sống không lành mạnh… Chưa kể tới việc bố hay mẹ có mối quan hệ mới, cư xử không khéo léo sẽ lại càng làm cho trẻ thấy mình bị bỏ rơi, tổn thương mà dễ dẫn tới hành vi phản kháng lại theo hướng tiêu cực.

Đau lòng hơn là việc vợ chồng ly hôn lấy con là "công cụ" để trả thù người kia. Có người vợ tìm cách trả thù chồng cũ bằng cách nói xấu chồng trước mặt con mình, gieo vào đầu con những hận thù. Ngược lại, ông chồng giận vợ tìm cách trút giận lên con bằng những trận đòn roi. Thế nhưng, rất nhiều bậc làm cha làm mẹ quên mất rằng thái độ ứng xử của mình sau ly hôn ảnh hưởng đến trẻ thế nào.

Để con không tổn thương khi cha mẹ ly hôn

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đối với bất kỳ cặp vợ chồng nào, khi không thể hóa giải được mâu thuẫn xung đột thì ly hôn sẽ là giải pháp cuối cùng giúp hai người chấm dứt việc làm khổ nhau. Những đứa trẻ lớn lên cũng không thể hạnh phúc trong một gia đình không hạnh phúc.

Với người lớn chia tay là giải pháp tốt khi không hạnh phúc, nhưng trẻ cần phải nhận được ứng xử khéo léo từ cha mẹ. Để trẻ không phải chịu tổn thương khi cha mẹ li hôn, người lớn đừng nên lảng tránh mà hãy tìm cách nói chuyện với con dễ hiểu nhất việc hai người không còn ở với nhau được. Đừng cố nói dối chúng. Trẻ con thời nay nhận thức khá rõ về chuyện bố mẹ bỏ nhau.

Cần cho trẻ hiểu nguyên nhân chuyện bố mẹ li hôn. Cha mẹ cũng cần quan tâm, trấn an con dù bố mẹ không thể sống chung với nhau nữa nhưng không ngừng yêu con và sẽ luôn dành nhiều thời gian cho con… để cuộc sống của con không bị ảnh hưởng. Nghĩa là dù cha mẹ chia tay, con ở với bố hay với mẹ cũng đừng quên trách nhiệm với con cái.

Sự quan tâm thường xuyên với trẻ sẽ giúp trẻ xoa dịu đi và cho trẻ có thời gian "làm quen" sự thật. Cha mẹ cần hạn chế tối đa việc xáo trộn lịch trình sinh hoạt và học tập của con. Nếu có thể vẫn tiếp tục cho con theo học trường mà con đang học, khuyến khích con duy trì mối quan hệ với bạn bè cũ, động viên con tham gia các hoạt động ngoại khóa…

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, việc bố hay mẹ khi chia tay có người mới cũng sẽ khó tránh khỏi. Thực tế có rất nhiều những bậc cha mẹ sau khi có người mới đã vội vàng công khai hạnh phúc của mình mà không chú ý đến tâm lý, tổn thương của con. Sự ích kỷ đó vô cùng tàn nhẫn với trẻ. Bố mẹ nên học cách ứng xử khéo léo khi công khai với các con về mối quan hệ mới của mình để tránh những bi kịch không đáng có cho tuổi thơ của con.

Nguồn: [Link nguồn]

Nếu vừa la mắng con, cha mẹ nhất định phải làm điều này để không khiến bé thêm tổn thương

Đôi lúc các vị phụ huynh buộc phải la mắng con, điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của trẻ. Vậy cha mẹ cần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN