Kỳ thi “Tây” của đại học Quốc gia Hà Nội năm nay có gì đặc biệt?

Năm 2016 là năm thứ 2 ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo phương thức tiên tiến, được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển. Năm nay, kỳ thi này sẽ có nhiều sự điều chỉnh, đặc biệt là có thêm nhiều trường đại học ngoài khối thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng sẽ lấy kết quả của kỳ thi để tuyển sinh

Kỳ thi “Tây” của đại học Quốc gia Hà Nội năm nay có gì đặc biệt? - 1

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2016 sẽ có nhiều đổi mới so với năm trước. Ảnh: VNU

Tiếp tục thi đại học kiểu… Mỹ

Cách đây mấy năm, ĐH Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng phương án tuyển sinh riêng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, làm cơ sở để áp dụng triển khai trên phạm vi cả nước… Đến năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố và triển khai kỳ thi đánh giá năng lực làm cơ sở để tuyển chọn thí sinh vào trường. Kỳ thi này dựa trên nhiều điểm của kỳ thi SAT mà Mỹ và nhiều nước giáo dục tiên tiến áp dụng.

Dù kỳ thi còn khá mới mẻ, song năm 2015 có thể thấy kỳ thi “Tây” của ĐH Quốc gia Hà Nội đã thành công, thu hút đông đảo thí sinh cả nước tham gia. Năm 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với bài thi gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Theo nhà trường, kỳ thi năm nay tiếp tục ổn định, kế thừa và phát huy những điểm tích cực của kỳ thi năm 2015. Trong đó có 3 điểm mới có lợi cho thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm mới đầu tiên là kỳ thi 2016 là sẽ tổ chức cho thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ trực tiếp trên máy tính trong thời gian 90 phút. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến trên web- site của Trung tâm Khảo thí hoặc có thể đăng ký trực tiếp. Năm nay, bên cạnh đăng ký địa điểm thi, các thí sinh sẽ được thoải mái chọn đợt thi, lượt thi. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ sử dụng phần mềm để thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi năm nay có điều chỉnh về lệ phí dự thi, cụ thể thí sinh sẽ phải nộp lệ phí dự thi 200.000 đồng/thí sinh/lượt thi và thi Ngoại ngữ là 150.000 đồng/thí sinh/lượt. Thí sinh chỉ thi một buổi sẽ tiết kiệm được so với kéo dài nhiều ngày, nhiều buổi kèm theo ăn, ở, đi lại phức tạp. Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ phải làm bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 195 phút, bài thi Ngoại ngữ gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút.

Đánh giá năng lực là chủ yếu

Năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục bổ sung và hoàn thiện ngân hàng đề thi, đồng thời sàng lọc loại bỏ những câu hỏi chưa phù hợp, cập nhật những câu hỏi mới. Về phần cấu trúc đề thi, định hướng, tỷ lệ kiến thức giữa các lớp 10, 11, 12 và các phần bắt buộc, tự chọn cơ bản không thay đổi so với năm 2015. Cấu trúc đề thi gồm 70% kiến thức lớp 12, còn lại là kiến thức lớp 10, 11. Ngoài ra, năm nay câu hỏi cũng sẽ tăng cường theo hướng mở, gắn với kiến thức thực tế với tỷ lệ gia tăng thích hợp để thí sinh có thể thích ứng.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy lôgic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp... Chúng tôi đã đưa lên mạng của ĐH Quốc gia Hà Nội những bài thi mẫu để thí sinh làm thử. Thí sinh có thể định dạng được đề thi, tỷ lệ kiến thức ở từng môn, thao tác từng bước. Chúng tôi cũng sẽ biên soạn và đưa lên website “Cẩm nang Những điều cần biết về tuyển sinh” để thí sinh tham khảo”.

Theo lời khuyên của lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi thực hiện rất nghiêm túc, hướng đến tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Những thí sinh nào có nguyện vọng được học ở các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, hoặc các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển hãy tự tin tham gia kỳ thi. Khi vào phòng thi, các thí sinh được giám thị hướng dẫn tận tình, chu đáo. Thí sinh hoàn toàn có thể phát huy năng lực tư duy, có thể một phần có tính toàn diện của bộ đề thi này. Nếu thí sinh chưa chú ý các môn học một cách toàn diện thì cần điều chỉnh kịp thời để đảm bảo làm bài thi tốt.

Được biết, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2016, sẽ có thêm 5 trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh, bao gồm: ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Thủ đô, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu áp dụng phương thức tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực từ năm 2015. Kỳ thi đánh giá này đã thu hút hơn 62.000 thí sinh tham gia, được xã hội đánh giá cao về đổi mới thi tuyển.

Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2016 của ĐH Quốc gia Hà Nội được tổ chức 2 đợt. Đợt 1: Từ ngày 5/5 đến 8/5 và từ ngày 13/5 đến 15/5. Đợt 2: Từ ngày 5/8 đến 15/8. Thời gian đăng ký dự tuyển (ĐKDT): Đợt 1 từ 8h00 ngày 2/3/2016 đến 17h00 ngày 22/3. Đợt 2 từ 8h00 ngày 15/6 đến 17h00 ngày 25/6/. Thí sinh đăng ký trực tuyến trên website của Trung tâm Khảo thí theo địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN