Kiểm định để tránh trường dỏm

Không có kiểm định, việc tự chủ vô giới hạn dễ đưa các trường rơi vào chỗ tùy tiện và hỗn loạn.

Luật Giáo dục ĐH Mỹ được quốc hội thông qua năm 1965 đã chính thức luật hóa hoạt động kiểm định chất lượng trong hệ thống giáo dục ĐH, tuy nhiên, Bộ Giáo dục Mỹ không làm công việc kiểm định mà chỉ có trách nhiệm công bố danh sách những tổ chức kiểm định nào được công nhận là đáng tin cậy.

Vẫn tồn tại trường dỏm, kiểm định dỏm

Kết quả kiểm định có vai trò quan trọng ở Mỹ: chỉ có các trường đạt tiêu chuẩn kiểm định mới có thể nhận các khoản tài trợ nghiên cứu hoặc hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Sinh viên chỉ có thể thi lấy chứng chỉ hành nghề (trong một số nghề nhất định như y khoa chẳng hạn) nếu họ tốt nghiệp từ một trường có kiểm định. Các tổ chức thiện nguyện và cả các cá nhân khi hiến tặng cho trường ĐH thường cũng chỉ chọn những trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Cơ quan tổ chức hỗ trợ tiền học cho nhân viên của mình chỉ khi họ theo học các trường có kiểm định.

Bên cạnh những trường ĐH lừng danh, Mỹ không thiếu trường dỏm, mà người ta gọi là “xưởng cấp bằng” (diploma mills). Một cốt một đồng với những trường dỏm này là các “xưởng kiểm định dỏm” (accreditation mills), nơi bán giấy chứng nhận kiểm định ma, tức không có chút giá trị nào. Với trường dỏm, bằng cấp của những nơi này không được nhà tuyển dụng công nhận, không thể chuyển tiếp sang trường khác hoặc bậc học cao hơn, quan trọng là sinh viên sẽ mất tiền mà không được nhận một nền giáo dục tử tế và một tấm bằng được tín nhiệm.

Kiểm định để tránh trường dỏm - 1

Tìm hiểu thông tin về Trường ĐH Bách khoa TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Với cơ quan kiểm định dỏm, tai hại còn lớn hơn vì nó gây ra ngộ nhận về chất lượng. Có nhiều dấu hiệu để nhận ra cơ quan kiểm định dỏm, ví dụ như ở đó kết quả kiểm định có thể mua được hoặc không thấy công bố những trường hoặc ngành mà họ đã tiến hành kiểm định... Những tổ chức này cũng thường lấy tên nhại theo tên của các tổ chức kiểm định được công nhận để “mập mờ đánh lận con đen”.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nhà nước không có biện pháp nào xử lý những trường dỏm và tổ chức kiểm định dỏm ấy? Trong một xã hội dân sự phát triển, chất lượng là vấn đề đánh giá của cộng đồng, nhà nước không can thiệp cụ thể. Việc quan trọng nhất của nhà nước là bảo đảm sử dụng tiền thuế của dân một cách đúng đắn cho lợi ích công, còn túi tiền của cá nhân từng người dân thì dân phải tự mình học để trở thành người tiêu dùng thông minh. Bởi vậy, các trường chưa được kiểm định bởi những tổ chức kiểm định được công nhận thì sẽ không thể được nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước dưới bất cứ hình thức nào, kể cả cho sinh viên vay. Còn quyết định đi học ở các trường dỏm, sử dụng dịch vụ của các cơ quan kiểm định dỏm là quyết định cá nhân.

Trách nhiệm giải trình và bảo vệ lợi ích công

Kiểm định chất lượng là một điều kiện cần để thực hiện tự chủ đại học. Hoạt động đúng đắn của tổ chức kiểm định chất lượng giúp cho các trường có được một “ngọn hải đăng”: biết được một cách cụ thể mình cần phải đạt được những gì và chủ động lựa chọn con đường, phương cách, nhịp độ để đạt được những điều đó. Là một sự đánh giá khách quan từ bên ngoài, dựa trên những tiêu chuẩn khách quan và những phương pháp đo lường đáng tin cậy, kiểm định giúp cho nhà trường hiểu rõ mình đang ở đâu trên con đường hướng đến mục tiêu, từ đó hiểu được những chỗ còn yếu và có chiến lược thích hợp để cải thiện…

Việc kiểm định không hề hạn chế quyền tự chủ của các trường mà chỉ bảo đảm những mục tiêu nhất quán trong toàn hệ thống, và xét cho cùng là nhằm bảo vệ lợi ích của người học và của xã hội. Bằng những tiêu chí rõ ràng, công khai, kiểm định đặt hoạt động của nhà trường trong tầm mắt giám sát của toàn xã hội. Đó là một cơ chế quan trọng giúp phát triển trách nhiệm giải trình của các trường và tạo điều kiện cho các trường tự điều chỉnh. Hiển nhiên là kiểm định chỉ thực hiện được vai trò này khi nó thực sự độc lập và khách quan.

Những nỗ lực gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và của các trường về việc đẩy mạnh hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định giáo dục cũng như cải cách hoạt động khảo thí là rất đáng khích lệ. Nhiều năm qua, các trường thường than phiền về mức độ tự chủ thấp và coi đó là nguyên nhân hạn chế mọi sáng tạo, mọi nỗ lực đổi mới của mình. Có một thực tế là các trường đòi hỏi nhiều quyền tự chủ hơn nhưng ít lưu ý đến việc tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình. Xu hướng hiện nay đang mở rộng quyền tự chủ của các trường và để bảo đảm rằng quyền tự chủ ấy tạo ra được những kết quả tích cực thì xây dựng các tổ chức kiểm định và khảo thí ở cấp quốc gia hoặc cấp vùng, đẩy mạnh hoạt động bảo đảm chất lượng ở các trường sẽ là điều không thể thiếu.

Nhà nước đã có chủ trương cho thành lập các tổ chức kiểm định độc lập. Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh là những cơ chế và thiết chế ấy phải hoạt động có thực chất, chỉ như vậy nó mới có thể góp phần nâng cao chất lượng ở các trường.

Phải bảo đảm tính độc lập

Sở dĩ tại Mỹ, nhà nước và xã hội tin tưởng vào kết quả kiểm định là vì cơ chế hoạt động kiểm định đã được thiết lập nhằm bảo đảm tính chất độc lập của nó; “độc lập” hiểu theo nghĩa có khả năng đưa ra một kết quả khách quan, không bị chi phối bởi quyền lực chính trị hoặc tiền bạc hoặc bởi ý chí cá nhân của một ai. Ở Mỹ có khoảng 80 tổ chức kiểm định, trong đó có 19 tổ chức được công nhận, tức là chất lượng hoạt động của họ đã được xem xét bởi Hội đồng Kiểm định ĐH hoặc Bộ Giáo dục Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thị Ly (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN