Không thể cấm dạy thêm, học thêm nếu…

Nếu lương giáo viên chỉ có 2 triệu đồng/tháng, nếu còn thi cử như ở Việt Nam hiện nay thì không bao giờ cấm được dạy thêm học thêm, không bao giờ cấm được lò luyện thi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm “Vai trò và vị thế của nhà giáo trong xây dựng Xã hội Học tập (XHHT), hòa nhập, sáng tạo và bền vững” do Hội khuyến học Việt Nam, UNESCO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức sáng 15/11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Đi về nông thôn thấy nhà giáo nhếch nhác, không hiểu đó là nông dân hay là nhà giáo - phải chăng chúng ta đang nông dân hóa nhà giáo?

Nguyên Phó ban Tuyên giáo T.Ư Phạm Tất Dong

Tại buổi tọa đàm, cô Đinh Thị Phương Anh, giáo viên (GV) Văn, Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) nói: hiện nay đội ngũ các thầy cô giáo đang đứng trước nhiều thách thức lớn, tiến bộ về công nghệ thông tin nhanh như vũ bão và đội ngũ các thầy cô giáo chưa bắt kịp các ứng dụng trong quá trình giảng dạy; yêu cầu mục tiêu giáo dục ngày càng cao; sự bất công bằng trong đãi ngộ giữa các giáo viên tâm huyết, có năng lực với các giáo viên bình thường khiến cho động lực thúc đẩy học tập nâng cao trình độ chưa lớn…

Cũng theo cô giáo Phương Anh, với thực trạng lương nhà giáo còn thấp, đội ngũ GV chưa thể dành toàn bộ tâm huyết cho giáo dục mà phải lo bươn chải để chăm lo cuộc sống của bản thân và gia đình.

Không thể cấm dạy thêm, học thêm nếu… - 1

Buổi tọa đàm nâng cao vị thế nhà giáo trong một xã hội học tập

Cô Phạm Thị Thúy Huyền, GV dạy nghề nhấn mạnh vào thực trạng ngoại ngữ yếu của đội ngũ GV dạy nghề: phần lớn phụ thuộc vào phiên dịch và vì vậy, hạn chế rất nhiều. Dạy nghề thiếu đội ngũ giáo viên lành nghề; liên kết mong manh với doanh nghiệp, nơi có thể hỗ trợ đắc lực cho dạy nghề…

Điều đặc biệt là, ở cả 4 khu vực phổ thông, dạy nghề, giáo dục thường xuyên và đại học, các đại biểu đều nói tới yếu tố thu nhập của giáo viên. Vô hình trung, vấn đề thu nhập của giáo viên và vấn đề dạy thêm học thêm đang nóng hiện nay lại trở thành tâm điểm bình luận của các nhà giáo.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói: đời sống thấp nên mới có nạn dạy thêm học thêm tràn lan, lạm thu…; mới đây, ngành GD&ĐT lại đưa ra chủ trương không tôn vinh nhà giáo nhân dân nhà giáo ưu tú đối với những người đã về hưu.

“Đãi ngộ như thế, lương bổng không đủ sống như thế làm sao gọi là tôn sư trọng đạo?”, ông Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi. Ông Nhĩ trích dẫn khẩu hiệu “dạy lớp lơ là, dạy nhà là chính!” và khẳng định nếu lương giáo viên chỉ có 2 triệu đồng/tháng, nếu còn thi cử như ở VN hiện nay thì không bao giờ cấm được dạy thêm học thêm, không bao giờ cấm được lò luyện thi!

Nhìn vào nhà giáo hiện nay và sự thiếu chuẩn mực trong hướng nghiệp dẫn đến hệ quả là thí sinh hiện nay không yêu thích nghề sư phạm. Đó là ý kiến của TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Ban Khoa giáo T.Ư.

Ông Dong nói: Đi về nông thôn thấy nhà giáo nhếch nhác, không hiểu đó là nông dân hay là nhà giáo – phải chăng chúng ta đang nông dân hóa nhà giáo?

Cô Đinh Phương Anh có mức lương hơn 5 triệu đồng/ tháng cho biết: Đó không phải là mức lương để có thể sống tốt ở Thủ đô nhưng cô khẳng định: Lương thấp không phải là mấu chốt của việc dạy thêm học thêm.

Cô nói: Xã hội lên án việc dạy thêm học thêm là không công bằng (tất nhiên dạy thêm học thêm không chính đáng, coi đó là nguồn thu lợi, kiếm tiền để bù vào lương thấp là không tốt).

Cô Ánh khẳng định: Cô chủ nhiệm mở lớp, học sinh bắt buộc phải đi học cũng là lỗi của phụ huynh; bộ phận giáo viên trù học sinh vì không đi học thêm do cô chủ nhiệm dạy là cực kỳ ít. Nếu chúng ta nghĩ như vậy là giáo viên bị mang tiếng.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên Giáo T.Ư) nói: Để xây dựng đội ngũ và nâng cao vị thế nhà giáo có nhiều việc phải làm, trong đó, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ GV phải đi đôi với đổi mới chế độ chính sách ( không cào bằng); kiên quyết sàng lọc nhà giáo vi phạm đạo đức song song với việc đãi ngộ nhà giáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN