Không công bằng với giáo viên tiểu học, mầm non

Chiều 6-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có chuyến thăm và làm việc với Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH).

Không công bằng với giáo viên tiểu học, mầm non - 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói chuyện với giáo viên, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn Ảnh: Thanh Nhàn

Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc ông ghé thăm HUTECH thay vì trường công lập như lâu nay nhằm hóa giải tâm thế phân biệt trường công, trường tư. Đánh giá định hướng của nhà trường là tốt nhưng ông Nhạ cho rằng Hutech phải chọn được sự khác biệt. HUTECH không nhất thiết phải đông sinh viên, ra trường có việc làm mà cái khác biệt là chất lượng của dịch vụ để HUTECH trở thành địa chỉ tốt về đào tạo. Theo ông, trường phải tạo được sự khác biệt về mô hình; càng đi càng vững, tránh xảy ra kiện cáo.

“Đào tạo vẫn là hoạt động chính của trường. Trường đã có nhiều ngành rồi cần rà soát lại xem ngành nào cần nhu cầu nhân lực thì phát triển, ngành nghề nào dự báo không cần nhân lực nhiều thì dừng lại để hạn chế những hệ lụy cho sinh viên… Chọn ngành nào thì nên đầu tư mạnh” - Bộ trưởng Nhạ khuyên và đề nghị trường nên bám chắc vào phân khúc ĐH. Còn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mà không giống ai thì không nên. “Một trường ĐH mạnh theo hướng thực hành không nhất thiết phải có nhiều tiến sĩ mà quan trọng là phải chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Tiến sĩ mà không có bài báo công bố quốc tế thì quả thật rất lo lắng” - ông Nhạ nói.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của bộ đã có buổi làm việc tại Trường THPT Lê Quý Đôn và Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP HCM).

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Nhạ cho hay đa số thầy cô của trường còn rất trẻ, đây là tiềm năng rất lớn nhưng các thầy cô cần phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng hơn nữa. Hiện nay, rất nhiều nơi, các thầy cô đều đạt chuẩn giáo viên nhưng chuẩn này là theo chuẩn cũ tức là theo hướng truyền thụ kiến thức nhưng chúng ta đang đổi mới giáo viên theo hướng phát triển năng lực. Tránh tình trạng 100% giáo viên nghĩ đạt chuẩn rồi thì sẽ thụt lùi. Bộ đang rà soát, tham khảo cả các chuyên gia nước ngoài để xây dựng, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn mới.

“Các thầy cô dạy tiểu học rất khó khăn bởi vì không chỉ dạy chữ mà còn dạy toàn diện, dạy cách tiếp cận với xã hội, tiếp cận với thiên nhiên, tư duy tình cảm cho một đứa trẻ. Đây là bậc học rất vất vả, giáo viên tiểu học rất giỏi. Quan điểm chỉ đạo của bộ rất ưu tiên cho mầm non, tiểu học vì hiện nay, các thầy cô đang phải giảng dạy, quán xuyến 45 cháu/lớp nhưng điều kiện đãi ngộ vẫn như xưa, công việc nhiều hơn thì không công bằng với các thầy cô” - Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.

Khi làm việc với Trường THPT Lê Quý Đôn, ông Nhạ cho hay trong hoàn cảnh hiện nay, TP HCM có điều kiện thuận lợi hơn so với nhiều địa phương trong toàn quốc nhưng thành phố vẫn chịu áp lực trước nhu cầu học tập và bảo đảm chất lượng của người dân. Ông Nhạ khuyến khích giáo dục thành phố tập trung những nhóm giáo dục có khả năng tiếp cận quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Lân - Đ.Trinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN