Không có chuyện đuổi việc giáo viên dạy thêm
Việc giáo viên vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của luật viên chức và nghị định về xử lý kỷ luật viên chức.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Việc giáo viên không được dạy thêm học sinh (HS) mà mình đang dạy chính khóa đã được thực hiện theo khoản 4b, điều 4 của thông tư 17 do Bộ GD&ĐT từ năm 2012. Việc giáo viên vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của luật viên chức và nghị định về xử lý kỷ luật viên chức.
Đó là một nội dung trong văn bản phản hồi của Sở GD&ĐT TP.HCM sáng ngày 1-9 về những giải pháp đề xuất của Sở với UBND TP để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Theo đó, Sở cho biết trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa xã hội của HĐND TP.HCM, Sở đề xuất 5 giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp “không cho phép giáo viên dạy thêm HS mà mình đang dạy chính khóa trong bất cứ trường hợp nào. Xử lý ở mức cao nhất nếu giáo viên vi phạm”.
Lý giải về giải pháp này, theo Sở quy định trên đã có nêu rõ trong thông tư 17 do Bộ GD&ĐT từ năm 2012.
Sở cho rằng việc tổ chức phụ đạo HS yếu – kém và bồi dưỡng HS giỏi là một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm đã được quy định của các nhà trường. Các trường tại TP.HCM đã và sẽ tiếp tục thực hiện công việc đó theo kế hoạch năm học và không thu học phí của HS. Trong đó đương nhiên sẽ có phụ đạo và bồi dưỡng cho HS chính khóa của mình.
Sở khẳng định thêm, từ năm học 2016-2017, TP sẽ chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong tất cả các trường học theo chỉ đạo của lãnh đạo TP và chấp thuận của Bộ GD&ĐT.
Điều này không đồng nghĩa với việc cấm giáo viên dạy thêm. Giáo viên vẫn có thể tham gia dạy thêm tại các trung tâm, cơ sở dạy thêm – học thêm có phép bên ngoài nhà trường theo đúng quy định.
Sở cho biết, việc xử lý nghiêm các cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm là cần thiết, nhằm tạo môi trường giáo dục tốt cho HS theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo TP và Bộ GD&ĐT.
Các trường hợp không được dạy thêm 1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. 2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. 3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông. 4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. (Theo điều 4, thông tư 17 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 16-5-2012 quy định về dạy thêm, học thêm) Năm giải pháp đề xuất của Sở GD&ĐT TP để quản lý dạy - học thêm: 1. Không cho phép giáo viên dạy HS mình đang dạy chính khóa trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong và ngoài nhà trường. Sở sẽ xử lý ở mức cao nhất nếu giáo viên vi phạm. 2. Nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý giáo viên dạy thêm. Hiệu trưởng sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia học thêm của giáo viên trong đơn vị mình. 3. Ngừng cấp phép mới cho việc dạy thêm trong nhà trường. 4. Sở sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, phương pháp giảng dạy và chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng học thuộc... 5. Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, cơ quan báo đài để đẩy mạnh các biện pháp đã triển khai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấm dứt dạy thêm sai quy định trên địa bàn TP. (Báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM) |