Kết cấu bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN như thế nào?

Việc tổ chức thi tuyển vào 2 đợt cuối tháng 5 và đầu tháng 8, tức trước và sau khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN hứa hẹn tăng thêm cơ hội vào ĐH cho các thí sinh.

Nếu mọi việc thuận lợi thì đây hứa hẹn sẽ là một bước đột phá trong phương thức đánh giá năng lực. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm bây giờ là việc vận hành quy trình này trong kỳ thi sắp tới của ĐHQG Hà Nội sẽ ra sao.

Kết cấu bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN như thế nào? - 1

Để giải đáp những băn khoăn của không ít các thí sinh, phụ huynh, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh hình thức thi mới này:

Thưa ông, với một hình thức thi mới là làm bài thi trắc nghiệm trên hệ thống máy tính thì những trục trặc kỹ thuật là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy công tác chuẩn bị của Đại học Quốc gia Hà Nội có gặp khó khăn gì không?

Đối với ĐHQGHN khi triển khai phương thức thi mới này gặp phải một số khó khăn. Thứ nhất, chúng tôi chưa thể ước tính được một cách chính xác là sẽ có bao nhiêu thí sinh đăng ký. Nếu số thí sinh dự thi quá ít là một điều không hay. Nhưng nếu số thí sinh vượt quá dự kiến thì chứng tỏ đó cũng là một sự thành công. Song lại đặt ra thách thức, bởi chưa nói đến chất lượng máy tính mà số lượng máy tính đã.

Nếu ước tính có 40.000 thí sinh thi thì chúng tôi cần phải chuẩn bị 10.000 máy tính, nếu tăng hơn nữa thì phải chuẩn bị thêm cơ sở dự phòng. Vì vậy vừa phải chuẩn bị số lượng đủ để đáp ứng, sau khi thí sinh đăng ký thì chúng tôi sẽ dựa trên con số tương đối đó để chốt chuẩn bị cơ sở vật chất đủ cho kỳ thi, nhưng số lượng máy tính dự trữ bao giờ cũng phải đạt 10-15%.

Một khó khăn nữa, ngoài số lượng thì chất lượng một số máy tính tại các cụm thi địa phương thì chất lượng không đồng đều. Chúng tôi đã có đội cán bộ kỹ thuật để rà soát từng máy một, trong quá trình làm bài mà máy tính có trục trặc thì sẽ xử lý ngay. Nếu thời gian chờ sửa chữa máy móc vượt quá thời gian quy định thì các em được chuyển sang ca thi dự trữ, không vì lí do kỹ thuật mà ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các em, đảm bảo làm sao kết quả phản ánh đúng nhất năng lực của các em.

Nhưng tôi nghĩ với một sự chuẩn bị chu đáo và có sự ủng hộ vào cuộc của các địa phương thì điều đó hoàn toàn giải quyết được.

Kết cấu bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN như thế nào? - 2

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Đề thi trắc nghiệm lại được lựa chọn ngẫu nhiên, có khi nào xảy ra trường hợp thí sinh đỗ vào là do may mắn trúng các câu hỏi dễ không, hay ngược lại khi gặp đề nhiều câu khó hơn?

Thi trắc nghiệm nên chúng tôi đã tính đến chuyện này và có phương án ứng phó. Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên nhưng theo ma trận đề thi, đã có cấu trúc chi tiết được máy tính lập trình sẵn (chỉ chọn một trong những câu hỏi được lập trình đấy thôi) chứ không phải xáo trộn tất cả.

Ví dụ như thí sinh sẽ lựa chọn trong 140 ô của chúng tôi, mỗi ô có khoảng 100 câu đã được chuẩn hoá. Và mức độ khó dễ đã được thẩm định, đánh giá, thử nghiệm từ trước. Trong quá trình thi thì có neo đề và cân bằng độ khó, mỗi thí sinh rút ra một đề về cơ bản độ khó tương đương nhau cả.

Hiện nay chúng tôi có ngân hàng gần 4000 câu hỏi đã được chuẩn hóa các câu hỏi từng ô sẽ tương đương nhau chứ không hề có sự phân biệt. Do đó không thể có sự may rủi diễn ra.

Ngoài ra chúng tôi cũng chống việc thí sinh “đoán mò” bằng việc trong đề thi môn Toán có 15/50 câu thí sinh phải làm tự luận, phải tính toán để điền số, điền giá trị ra chứ không phải trắc nghiệm hoàn toàn.

Xin khẳng định đề thi đã được chuẩn hóa và cân bằng độ khó.

Cơ hội vào được ĐH của thí sinh tham gia dự bài thi đánh giá năng lực sẽ như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi sẽ tổ chức làm 2 đợt thi. Đợt một vào ngày 30-31/5, diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức. Thời điểm đó các thí sinh cũng hầu như hoàn tất chương trình phổ thông rồi nên hoàn toàn có thể thoải mái tham gia được.

Chậm nhất đến ngày 30/6 chúng tôi đã công bố những thí sinh nào đã đạt ngưỡng trúng tuyển của ĐHQGHN. Do đó thí sinh biết mình trúng tuyển ĐH rồi lúc đó chỉ cần thêm điều kiện tốt nghiệp THPT thì các em sẽ đi thi ở kỳ thi THPT quốc gia với một tinh thần hoàn toàn thoải mái.

Các thí sinh do đợt 1 còn băn khoăn thì có thể đăng ký dự thi vào đợt 2 bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN sẽ diễn ra vào đầu tháng 8. Như vậy rõ ràng các em sẽ tăng cơ hội vào ĐH của mình.

Điều đặc biệt các thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 nhưng bài thi lại chưa đạt yêu cầu thì có thể thoải mái tiếp tục đăng ký vào đợt 2 để tìm kiếm cơ hội.

Miễn là chưa đủ ngưỡng trúng tuyển vào đợt 1. Nếu thí sinh đã dự thi rồi, dự xét tuyển và trúng tuyển vào một đơn vị nào đó của ĐHQGHN thì sẽ không được tham gia dự thi ở đợt 2 nữa.

Trường hợp thi đợt 1 rồi nhưng không nộp vào mà giữ kết quả đó để mong có kết quả cao hơn rồi mới nộp thì vẫn hoàn toàn thi được đợt 2.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng/Infonet
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN